Một cách nhìn khác với nhà đầu tư chiến lược?

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Tổng thư ký VAFI cho rằng, trong khối doanh nghiệp (DN) niêm yết thì khối DN Nhà nước cổ phần hóa chiếm tỷ trọng lớn và đa phần khối này vẫn ở tình trạng Nhà nước nắm cổ phần chi phối mặc dù Chính phủ đã ra nhiều quy định giới hạn Nhà nước chỉ nắm cổ phần chi phối ở một số ngành nghề nhất định. Đây chính là rào cản thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược.

Một cách nhìn khác với nhà đầu tư chiến lược?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Rào cản NĐT chiến lược

Trong vòng 3 năm lại đây, khi bức tranh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm, có nhiều bất ổn, doanh nghiệp niêm yết (DNNY) khó huy động vốn hơn nhiều so với thời kỳ 2005 – 2007 thì trên thị trường OTC lại diễn ra nghịch lý với thông lệ của thế giới: giá bán cổ phần của một bộ phận DN trên thị trường OTC lại cao hơn nhiều so với giá giao dịch hay giá bán cổ phần trên thị trường giao dịch tập trung.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), giá bán cổ phần của DN OTC cao hơn niêm yết đã và đang diễn ra khi những người chủ DN OTC quyết định bán toàn bộ DN hay bán cổ phần đa số cho NĐT chiến lược nước ngoài hoặc NĐT chiến lược trong nước; hoặc những công ty con của DNNY hay không niêm yết nhằm mục tiêu tái cấu trúc công ty mẹ; hoặc một số quỹ đầu tư nước ngoài tìm mua cổ phần với giá cao tại một số DN tiềm năng để bơm vốn cho DN phát triển với kỳ vọng rằng sau một giai đoạn phát triển sẽ giúp công ty đó tìm được các NĐT chiến lược nước ngoài.

Những đối tượng DN được quan tâm mua toàn bộ hay mua cổ phần đa số, theo VAFI, là DN chỉ cần có đầu ra phát triển, trong rất nhiều trường hợp không đòi hỏi DN kinh doanh có lãi. Thực tế, loại hình DN dệt may, da giầy, thường lãi thấp, tỷ suất lợi nhuận sau thuế chỉ vài %/năm, thậm chí nhiều DN khó khăn nhưng vẫn được các NĐT nước ngoài mua với giá thường cao hơn sổ sách. Bởi lẽ, giá trị những DN này thường được xác định bằng giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường cộng giá máy móc thiết bị còn lại cộng với chi phí đào tạo nhân công…

Giải thích lý do vì sao giá bán DN OTC lại cao hơn rất nhiều so với DNNY, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho rằng, trong khối DN niêm yết thì khối DN Nhà nước cổ phần hóa chiếm tỷ trọng lớn và đa phần khối này vẫn ở tình trạng nhà nước nắm cổ phần chi phối mặc dù Chính phủ đã ra nhiều quy định giới hạn nhà nước chỉ nắm cổ phần chi phối ở một số ngành nghề nhất định.

Đây chính là rào cản thu hút NĐT chiến lược. Giá cổ phiếu tại các DN này không cao, kể cả nhiều DN lãi nhiều. Ban lãnh đạo nhiều DN cổ phần hóa hay cấp trên của DN cổ phần hóa thường không muốn bán cổ phần chi phối cho NĐT chiến lược, kể cả trong tình huống DN đó đang bị khó khăn về mặt tài chính, thậm chí có nguy cơ giải thể phá sản…

Bên cạnh đó, “room” cho NĐT nước ngoài bị hạn chế không quá 49%/vốn điều lệ cũng là lực cản trong huy động vốn và thu hút NĐT chiến lược nuớc ngoài vì tỷ lệ “room” này là rào cản lớn trong việc làm thay đổi cấu trúc cổ đông. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn rắc rối, phức tạp nhiêu khê trong lĩnh vực M&A đối với DNNY cũng là rào cản lớn trong công cuộc thu hút NĐT chiến lược…

Làm gì để kéo "nhà đầu tư chiến lược" tham gia?

VAFI cho rằng, để giải quyết tình trạng này có rất nhiều giải pháp nhưng giải pháp hữu hiệu nhất phải là tạo điều kiện dễ dàng và thủ tục hành chính đơn giản để không có cản trở, giới hạn nào trong thay đổi cấu trúc cổ đông như đang diễn ra với khối DN tư nhân chưa niêm yết.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao chất lượng cổ đông theo thông lệ thế giới đối với cả DN niêm yết và chưa niêm yết. Theo đó, trong DN lớn, cổ đông tổ chức phải chiếm đa số; cổ đông Nhà nước sẽ không còn hoặc không nắm chi phối, chỉ trừ những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.

Trước mắt với những ngành nghề mà không cần có cổ phần nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và SCIC cần có lộ trình giảm nhanh tỷ lệ nắm giữ. Cùng với đó, phải tăng cường cổ đông chiến lược nhằm thay đổi hay hỗ trợ thay đổi phương thức quản trị DN, giúp DN có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng, một vấn đề có vẻ nhạy cảm nhưng bản chất lại không hề nhạy cảm mà có lợi cho đất nước, cho DN là không nên hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong DN nhà nước và trong DN niêm yết. Các nhà hoạch định chính sách nên có tổng kết về việc bán DN tư nhân cho NĐT chiến lược nước ngoài để thấy được những hiệu quả của giải pháp đã ban hành.

Bởi trên thực tế đã có nhiều chủ DN tư nhân trở nên giàu có hay thoát khỏi giải thể phá sản hay tìm được thị trường xuất khẩu hay huy động được nguồn vốn lớn… nhờ bán DN cho NĐT nước ngoài. Nhưng điều này không lại xảy ra nếu DN đó niêm yết trên thị trường chứng khoán.

“Nếu như chúng ta hiểu đầy đủ vấn đề và qui định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì tiến trình cải cách DN sẽ được thúc đẩy nhanh và tiến trình xử lý nợ xấu về cơ bản kết thúc”, ông Hải nhấn mạnh.