Một số điểm mới của quy trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 176 (2/2017)

Nhằm tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước (NSNN), nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đâu tư công của Nhà nước, đồng thời góp phần thực hiện cải cách hành chính về quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi, ngày 28/12/2016, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành Quyết định số 5657/QĐ-KBNN kèm theo Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất tư trong nước qua hệ thống KBNN (Quy trình 5657).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quy trình 5657 có một số nội dung thay đổi so với Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN theo Quyết định số 282/QĐ-KBNN ngày 20/4/2012.

Quy trình 5657 được áp dụng đối với đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN, bao gồm vốn TPCP; các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP); các dự án, công trình sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư được giao trong dự toán chi sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị có mức vốn từ 01 tỷ đồng trở lên.

Quy trình này không áp dụng đối với các công trình đặc thù theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/ QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ ngày 16/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước

Nhằm phân định rõ hơn trách nhiệm của KBNN và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống TABMIS, Quy trình 5657 đã bổ sung thêm quy định: KBNN không chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của nhà nước về đấu thầu.

Giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công

Đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện giao nhận hồ sơ qua mạng dịch vụ công trực tuyến KBNN thì hồ sơ, chứng từ thực hiện theo quy định của dịch vụ công; thực hiện chữ ký số theo quy định về giao dịch điện tử tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và các văn bản hướng dẫn Nghị định hiện hành và Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN và các văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế (nếu có).

Căn cứ kiểm soát, thanh toán

Đối với hồ sơ pháp lý của dự án: Quy trình 5657 hướng dẫn thêm một số hồ sơ làm căn cứ kiểm soát, thanh toán của KBNN so với trước đây, cụ thể: Đối với hợp đồng thi công xây dựng có điều khoản quy định giải phóng mặt bằng (GPMB) thì chủ đầu tư phải gửi kèm kế hoạch tiến độ GPMB theo quy định của hợp đồng; Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng uỷ thác quản lý dự án cho ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực thực hiện quản lý dự án thì hồ sơ bổ sung thêm: Hợp đồng ủy thác quản lý dự án được ký giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực; Đối với hợp đồng có quy định thời hạn có hiệu lực của hợp đồng được tính từ khi nhà thầu có bảo lãnh thực hiện hợp đồng, KBNN yêu cầu chủ đầu tư gửi bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, quy trình đã giảm bớt một số hồ sơ làm căn cứ kiểm soát thanh toán của KBNN đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn TPCP khởi công mới sau ngày 31/12: Ý kiến thẩm định vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; Quyết định phê duyệt tổng dự toán.

Quy trình cũng hướng dẫn cụ thể về việc kiểm soát, xác nhận kế hoạch vốn ngoài nước của các dự án ODA, do năm 2016 kế hoạch vốn ngoài nước không được nhập trên TABMIS, vì vậy KBNN nơi giao dịch thực hiện kiểm soát, xác nhận trong phạm vi kế hoạch vốn ngoài nước được cấp có thẩm quyền giao để chủ đầu tư làm thủ tục giải ngân vốn ngoài nước theo các hình thức rút vốn quy định.

Từ năm 2017 sẽ thực hiện theo Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, theo đó từ niên độ ngân sách 2017 kế hoạch vốn ODA sẽ được các Bộ, địa phương nhập trên TABMIS và KBNN sẽ kiểm soát trong phạm vi kế hoạch vốn ODA được giao hằng năm và được nhập trên TABMIS.

Thời gian kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Thông tư số 08/2016/TTBTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, thì thời gian kiểm soát chi của KBNN là 07 ngày làm việc.

Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống KBNN đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức kiểm soát chi thông qua công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi; thường xuyên động viên công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện cải cách thủ tục hành chính… Vì vậy, quy định về thời gian kiểm soát chi của KBNN tại quy trình này là 03 ngày làm việc, không trừ thời gian cao điểm (tháng cuối năm và tháng 1 năm sau), trong đó, bộ phận kiểm soát chi là 02 ngày làm việc, kế toán là 01 ngày làm việc (bao gồm cả thời gian để Lãnh đạo KBNN phụ trách kiểm soát chi và phụ trách kế toán xem xét, ký duyệt).

Kiểm soát thanh toán chi phí quản lý dự án

Quy trình 5657 đã loại bỏ nội dung hướng dẫn trong trường hợp thuê tư vấn quản lý dự án. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường việc kiểm soát chi lương của các ban quản lý dự án, quy trình đã hướng dẫn cụ thể về phương pháp kiểm tra đối với các khoản chi lương, phụ cấp theo lương; phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án.

Đồng thời, quy trình còn hướng dẫn bổ sung đối với việc phân bổ chi phí quản lý dự án  đã được thanh toán (thực chi) từ Tài khoản tạm giữ cho từng dự án được giao quản lý nhằm thanh toán, thu hồi tạm ứng chi phí quản lý dự án đã được chuyển vào Tài khoản tạm giữ...

Thanh toán chi trả tiền bồi thường và cưỡng chế thu hồi vốn bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB

Quy trình hướng dẫn theo trình tự các bước thực hiện, đồng thời có chia ra thành hai trường hợp để dễ thực hiện: Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB và tái định cư; trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB và tái định cư nhận tiền tạm ứng từ chủ đầu tư xây dựng công trình để thực hiện thanh toán chi trả cho đối tượng thụ hưởng.

Đối với trường hợp chủ đầu tư trực tiếp thực hiện việc chi trả tiền GPMB quy trình có bổ sung thêm quy định về việc tạm ứng từ tài khoản dự toán của dự án chuyển vào Tài khoản tạm giữ của chủ đầu tư thực hiện GPMB cho phù hợp với sự phân cấp, quản lý tại địa phương... 

Kiểm soát thanh toán khi dự án, công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thanh toán công nợ của các dự án, công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán, quy trình đã bổ sung trường hợp trong cùng một dự án có hạng mục có số vốn quyết toán được duyệt lớn hơn số vốn đã thanh toán, đồng thời có hạng mục có số vốn quyết toán được duyệt nhỏ hơn số vốn đã thanh toán thì trình tự được thực hiện như sau:

Đối với hạng mục có số vốn quyết toán được duyệt nhỏ hơn số vốn đã thanh toán: Công chức kiểm soát chi dự thảo tờ trình Lãnh đạo KBNN phụ trách, kèm dự thảo văn bản yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án thu hồi lại số vốn đã thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp cao hơn quyết toán được duyệt, chuyển vào Tài khoản tạm giữ của chủ đầu tư mở tại KBNN;

Đối với hạng mục có số vốn quyết toán được duyệt lớn hơn số vốn đã thanh toán: Căn cứ vào số dư Tài khoản tạm giữ (số tiền thu hồi nói trên đã được chủ đầu tư chuyển vào Tài khoản tạm giữ), chủ đầu tư gửi đến KBNN: Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn đầu tư (nếu có), Ủy nhiệm chi.

Công chức kiểm soát chi thực hiện kiểm soát và làm các thủ tục để thanh toán tiếp cho các hạng mục còn thiếu vốn so với quyết toán được duyệt. Trường hợp thanh toán theo nguyên tắc nói trên vẫn không đủ nguồn vốn thanh toán theo quyết toán được duyệt, chủ đầu tư phải bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho dự án.

Kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP

Bổ sung việc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP, theo đó nội dung này được hướng dẫn thành hai phần khá cụ thể: Về nguyên tắc kiểm soát chi, về hồ sơ, trình tự kiểm soát chi theo từng trường hợp vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và Thông tư số 55/2016/ TT-BTC ngày 23/03/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư như: Xây dựng công trình dự án, công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, GPMB và tái định cư; nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (hợp đồng BTL), Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (hợp đồng BLT) và các hợp đồng tương tự...

Với những điểm mới nêu trên, Quy trình 5657 được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN, nâng cao hiệu quả sự dụng vốn đầu tư công của Nhà nước nhất là quản lý chặt chẽ vốn tạm ứng theo chế độ quy định, giảm mạnh số dư tạm ứng tại hệ thống KBNN hằng năm; đồng thời tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính thể hiện trong quy trình này là thời gian kiểm soát chi của KBNN chỉ còn 03 ngày làm việc, giảm 04 ngày so với quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.