Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

TS. Nguyễn Thị Nhiễu - Bộ Công Thương

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và có đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế trong cạnh tranh, nên rất cần có những giải pháp để họ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số khái niệm về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khái niệm năng lực cạnh tranh. Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã định nghĩa về năng lực cạnh tranh cho cả doanh nghiệp, ngành và quốc gia như sau: “Năng lực cạnh tranh là khả năng của các doanh nghiệp, ngành, quốc gia, khu vực trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”. 

Năng lực cạnh tranh có thể được phân biệt thành ba cấp độ: (1) Năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia, (2) Năng lực cạnh tranh cấp độ ngành/sản phẩm, (3) Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ba cấp độ này có mối liên quan mật thiết với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, khi xem xét, đánh giá và đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung, của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng cần thiết phải đặt vấn đề này trong mối tương quan chung giữa các cấp độ năng lực cạnh tranh nêu trên.

Một mặt, tổng hợp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp của một nước tạo thành năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia đó. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế khi năng lực cạnh tranh cấp quốc gia và của sản phẩm doanh nghiệp đó đều thấp. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện qua môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc tế và trong nước (đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế). Trong đó, các cam kết quốc tế, các chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống luật pháp có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của ngành/sản phẩm hàng hóa trong quốc gia đó. 

Khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Có nhiều quan niệm khác nhau về DNNVV. Song, xét một cách chung nhất, DNNVV là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về vốn, lao động hay doanh thu hoặc cả ba. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chia thành ba loại cũng căn cứ vào quy mô đó là doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 lao động, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 50 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 50 đến 300 lao động. Mỗi nước có tiêu chí riêng để xác định DNNVV nước mình. Ở Việt Nam, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30-6-2009, của Chính phủ quy định số lượng lao động trung bình hằng năm của doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở xuống được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 10 đến dưới 200 người lao động được coi là doanh nghiệp nhỏ và từ 200 đến 300 người lao động thì được coi là doanh nghiệp vừa. 

Vai trò của DNNVV. Ở mỗi nền kinh tế, các DNNVV có thể giữ những vai trò với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung có một số vai trò tương đồng như sau:

- Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế: các DNNVV thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp. Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.

- Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các DNNVV là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, DNNVV được ví là thanh giảm sốc cho nền kinh tế.

- Làm cho nền kinh tế năng động: vì DNNVV có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh hoạt động.

- Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ quan trọng: DNNVV thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

- Là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì DNNVV lại có mặt ở khắp các địa phương và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, tăng sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.

Thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DNNVV chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các DNNVV đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh, như quy mô vốn nhỏ, khả năng tiếp cận vốn yếu; trang thiết bị, công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý còn yếu kém.

Do quy mô nhỏ, các DNNVV Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu do các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối.

Thứ nhất, DNNVV ít vốn và khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Tình trạng ít vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV Việt Nam. 

Thứ hai, tình trạng công nghệ lạc hậu. Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ đó là 31%, Ma-lai-xi-a: 51% và Xin-ga-po: 73%). Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu... Trình độ thiết bị công nghệ trong các DNNVV ngoài nhà nước chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn... Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của khu vực DNNVV, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. 

Thứ ba, năng lực quản trị doanh nghiệp yếu. Đối với các DNNVV Việt Nam, trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp có hạn chế rất lớn, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh mà vẫn chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo phi vụ. Các chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém: tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm hẹp; hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực; chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại chỉ dưới 1% doanh thu (so với tỷ lệ 10% đến 20% của doanh nghiệp nước ngoài).

Theo Hiệp hội DNNVV, trong năm 2011 những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đã đẩy khoảng 20% DNNVV vào tình trạng khó có thể tiếp tục hoạt động (đứng trên bờ vực phá sản). Ngoài nhóm này, 60% DNNVV đang chịu tác động của khó khăn kinh tế nên sản xuất sút kém hoặc bị đình trệ (chi phí sản xuất tăng cao do tác động của lạm phát, giá thành sản phẩm tăng không cạnh tranh được, nên bị mất thị phần, gia tăng lượng hàng tồn kho, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm không đủ vốn để duy trì sản xuất). Chỉ có 20% DNNVV còn lại là ít bị ảnh hưởng và có thể trụ vững được (do ít phụ thuộc vào nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt).
Thứ tư, hạn chế trong tiếp cận nguồn nguyên vật liệu giá cạnh tranh và chưa có thương hiệu doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Công nghiệp chế tạo vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp. Nhiều sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm có sự tăng trưởng cao (hàng da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, ô-tô, xe máy) đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá cả các loại nguyên vật liệu này trên thế giới tăng cao thời gian qua, làm cho nhiều nhóm sản phẩm có tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu khá cao, chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Đối với các DNNVV tình hình còn xấu hơn, do các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, vị thế yếu, nếu không có hình thức liên kết hợp tác thích hợp để mua nguyên vật liệu thì sẽ luôn ở thế bất lợi trong đàm phán về giá cả.

Thứ năm, chất lượng lao động thấp. Thách thức rất lớn của DNNVV là chất lượng nhân lực thấp. Đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Có thể nói, đa số các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp... và kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Điều đó thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp, trong khi hầu hết lao động trong các DNNVV lại chưa qua đào tạo và thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.

Giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO và đang tham gia mạnh mẽ tiến trình khu vực, tiến tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cùng nhiều hiệp định tự do thương mại khác, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là DNNVV.

Có thể khẳng định, chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam vẫn nằm trong tay Nhà nước. Chính vì vậy, rất cần Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả cho các doanh nghiệp này.

Trước hết, hỗ trợ về vốn và tiếp cận tín dụng cho DNNVV. Để các DNNVV dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của 3 nhân tố là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các ngân hàng cần đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường; cải tiến thủ tục cho vay đối với DNNVV theo hướng đơn giản, rõ ràng hơn nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, DNNVV cần thực hiện minh bạch hóa, bài bản hóa hệ thống sổ sách kế toán tạo thuận tiện cho ngân hàng trong việc theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết định cho vay vốn. Về phía địa phương, chính quyền cũng cần chủ động thành lập các tổ chức, các quỹ hỗ trợ vốn, quỹ bảo lãnh tín dụng... tạo thêm nhiều cơ hội cho các DNVVN tiếp cận nguồn vốn. 

Thứ hai, hỗ trợ về tăng cường năng lực khoa học - công nghệ cho DNNVV. Tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về vốn, cơ chế, chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại, giáo dục - đào tạo, tư vấn về thiết bị, công nghệ hiện đại... cho các doanh nghiệp. Chính sách của Nhà nước cần tạo ra được các thể chế phù hợp, phát triển thị trường khoa học - công nghệ. Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò của các hiệp hội, các hội, câu lạc bộ giám đốc và những tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho các DNNVV tham gia sản xuất, kinh doanh. Điều chỉnh hành vi, thái độ của cơ quan công quyền, khắc phục tình trạng phân biệt đối xử với DNNVV. Đơn giản hóa, minh bạch và công khai thủ tục hành chính. Ban hành và triển khai sâu sát, đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV.

Thứ tư, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Thực hiện cải cách sâu rộng hệ thống giáo dục - đào tạo quốc gia, hỗ trợ đào tạo, trang bị học vấn ở trình độ cử nhân và những tri thức cơ bản về kinh tế - xã hội, văn hóa, pháp luật... cho các chủ doanh nghiệp, giám đốc, cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Tăng cường năng lực đào tạo và thực hành nghề cho người lao động. Có chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và quỹ khuyến học khác tham gia đào tạo lao động cho DNNVV.

Thứ năm, Nhà nước tạo môi trường khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các liên kết doanh nghiệp. Nhà nước khuyến khích việc tăng cường liên kết, hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang; xác lập quan hệ bạn hàng và quan hệ đối tác chiến lược nhằm phát triển xuất khẩu về lâu dài. Doanh nghiệp của nước ta quy mô nhỏ, vốn ít nên càng cần phải tăng cường liên kết và hợp tác. Điều quan trọng là năng lực và bản lĩnh của người quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có những người quản trị doanh nghiệp có bản lĩnh và năng lực thực sự, dám mạo hiểm để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, từ đó mới tăng được khả năng tích tụ vốn và huy động vốn trên thị trường chứng khoán... Việc kiện toàn tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, bảo đảm hiệp hội thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, cùng với việc hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực cũng là cần thiết.

Về phía các DNNVV, một khi được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, cần nắm bắt cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh, không những vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần củng cố và nâng cao sức cạnh tranh tổng hợp của nền kinh tế để tăng cường năng lực hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cụ thể:

Một là, tăng cường năng lực của chủ doanh nghiệp, giám đốc và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược. Trong mọi điều kiện, doanh nhân cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết (kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý sự biến đổi, khả năng thuyết trình, đàm phán và giao tiếp v.v..) để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận kinh tế tri thức. Đặc biệt chú trọng đến chiến lược cạnh tranh và những kỹ năng mang tính chiến lược, như quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, tính nhạy cảm trong quản lý, phân tích kinh doanh, dự báo và định hướng chiến lược phát triển.

Hai là, chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường. Sự liên kết và hợp tác doanh nghiệp cần được thực hiện thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp. Điều quan trọng nhất là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết, chỉ như vậy mới thực sự phát huy hiệu quả của liên kết hợp tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và hiệu quả hội nhập quốc tế.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, chuyên nghiệp luôn là động lực thúc đẩy sức sáng tạo và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi kinh doanh toàn cầu với việc đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu phát triển doanh nghiệp theo hướng trang bị những tri thức, kỹ năng mới về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, năng lực xử lý và tác nghiệp các tình huống kinh doanh... phù hợp với các chuẩn mực giáo dục, đào tạo của khu vực và quốc tế.