Một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

(Tài chính) Trên thị trường trái phiếu, trái phiếu Chính phủ là hàng hóa cơ bản nhất. Một thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển và thanh khoản sẽ tạo nền tảng cho việc định giá các loại hình trái phiếu khác cũng như thị trường phái sinh trái phiếu. Bài viết tập trung phân tích thực trạng thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp và hướng phát triển cho thị trường này trong thời gian tới

Thực trạng thị trường trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-1013

Giai đoạn 2010-2013 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thị trường trái phiếu Chính phủ trên nhiều khía cạnh:

* Thị trường sơ cấp:  Khối lượng phát hành tăng mạnh qua các năm. Năm 2013, khối lượng phát hành ở mức 181,093 tỷ đồng, tăng 165% so với mức 68,292 tỷ đồng của năm 2010, bình quân tăng 55% mỗi năm, cụ thể theo bảng dưới đây:

Đơn vị tính:  tỷ đồng

Năm

2010

2011

2012

2013

Khối lượng phát hành

68,292

80,704

141,340

181,093

               Nguồn: Bộ Tài chính

* Thị trường thứ cấp:  thanh khoản được cải thiện thể hiện tâm lí tích cực của các thành viên trên thị trường, khối lượng giao dịch bình quân ngày từ mức 1.200 tỷ năm 2012 lên mức 1.600 tỷ năm 2013. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp dự đoán tiếp tục tăng mạnh trong năm 2014 do: lượng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ đáo hạn lớn; tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục diễn ra khó lường dẫn tới các ngân hàng tiếp tục có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng như kinh doanh trên thị trường thứ cấp nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Sở dĩ hoạt động thị trường có dấu hiệu tích cực như hiện nay là về mặt chính sách, Bộ Tài chính làm đầu mối đã và sẽ ban hành một loạt các văn bản pháp lý cũng như các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu như: ban hành quy định về tiêu chuẩn và đánh giá các thành viên tạo lập thị trường trên thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ sơ cấp, thực hiện chương trình hoán đổi mã trái phiếu Chính phủ cũng như phát hành bổ sung nhằm giảm thiểu số mã, tăng quy mô niêm yết của mỗi mã tạo điều kiện cho thanh khoản trên thị trường thứ cấp.

Bên cạnh những thành công đáng khích lệ, thị trường trái phiếu Chính phủ còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Trên thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ, khối lượng tập trung vào các kỳ hạn phát hành từ 3 năm trở xuống thể hiện quan điểm tránh rủi ro lãi suất trong thời gian dài. Ngoài ra, với các kỳ hạn 10, 15 năm mới chỉ các các công ty bảo hiểm, quỹ quan tâm.

- Thanh toán tiền đấu thầu và giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp vẫn được thực hiện qua ngân hàng thương mại (NHTM) dẫn tới những quan ngại của các thành viên khác đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài về rủi ro thanh toán và thanh khoản.

- Thị phần tập trung vào các NHTM trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp (chiếm 86% trên thị trường thứ cấp). Việc tập trung này cho thấy sự phụ thuộc của thị trường trái phiếu Chính phủ vào hệ thống NHTM. Trong trường hợp tín dụng khởi sắc, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao, lãi suất quay đầu tăng trở lại sẽ dẫn tới các ngân hàng tập trung nguồn vốn cho hoạt động tín dụng dẫn tới “hiệu ứng lấn át” giảm việc đầu tư và kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

- Hình thức trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường sơ cấp mới chỉ dưới dạng trái phiếu coupon trả lãi định kỳ (6 tháng, 1 năm); chưa phát hành được trái phiếu chiết khấu (zero coupon bond) trả lãi và gốc cuối kỳ là loại hình hàng hóa cơ bản và cần thiết nhất để đường cong lãi suất chuẩn của trái phiếu Chính phủ qua đó làm nền tảng định giá các loại hình trái phiếu khác cũng như định giá các sản phẩm phái sinh dựa trên tài sản là trái phiếu Chính phủ.

Một số giải pháp và hướng phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới

Để hướng tới một thị trường trái phiếu Chính phủ ngày càng phát triển, qua đó đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ thêm cho các thành viên tham gia thị trường các công cụ thực hiện hoạt động kinh doanh, một số giải pháp khuyến nghị cần thực hiện như sau:

Một là, Bộ Tài chính xem xét phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất xây dựng hệ thống thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ thực hiện tại Ngân hàng Nhà nước thay vì NHTM như hiện nay để tránh các rủi ro thanh toán và thanh khoản có thể xảy ra.

Hai là, công bố thống nhất đối với lịch phát hành trái phiếu bao gồm: khối lượng, kỳ hạn, ngày phát hành định kỳ hàng năm, quý, tháng, tuần làm cơ sở cho các nhà đầu tư xem xét bố trí nguồn vốn phù hợp. Bên cạnh đó, lãi suất đấu thầu cần kết hợp hài hòa giữa định hướng lãi suất của Nhà nước với các mức lãi suất giao dịch cùng kỳ hạn trên thị trường sơ cấp.

Ba là, phát hành trái phiếu Chính phủ chiết khấu (zero coupon bond) trên cơ sở lãi suất chiết khấu sơ cấp cũng như lãi suất chiết khấu trên thị trường thứ cấp của loại hình hàng hóa này sẽ có cơ sở chuẩn cho các thành viên trong việc định giá các tài sản tài chính khác và định giá các sản phẩm phái sinh có tài sản gốc là trái phiếu Chính phủ.

Bốn là, hoàn thiện qui chế và xây dựng khung pháp lý cho phép các thành viên trên thị trường cũng như Trung tâm lưu ký chứng khoán tạo cơ chế cho vay mượn trái phiếu Chính phủ giữa các bên trong trường hợp bán mà chưa có trái phiếu. Từ đó hướng tới việc cho phép được thực hiện hoạt động bán khống trái phiếu Chính phủ, cung cấp công cụ cho các thành viên phòng ngừa rủi ro, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thúc đẩy thanh khoản của thị trường ngay cả trong trường hợp lãi suất chiết khấu Chính phủ tăng ngược trở lại.

Năm là, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nâng cao và hoàn thiện hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ tập trung kết nối được với hệ thống giao dịch trái phiếu được chấp nhận toàn cầu của Bloomberg tạo tiền đề hội nhập với thị trường quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó hệ thống giao dịch trái phiếu tập trung cũng cần mở rộng nâng cấp đi trước về mặt công nghệ đảm bảo cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh trái phiếu trong tương lai gần.

Sáu là, Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) xây dựng bộ quy tắc ứng xử thị trường (Market conversion) và tiêu chuẩn đạo đức (Code of conduct) thống nhất quy chuẩn giao dịch ứng xử trên thị trường.

Bảy là, VBMA làm đầu mối xây dựng các hợp đồng khung thống nhất trước tiên đối với giao dịch mua bán hẳn trái phiếu Chính phủ sau đó tiến dần tới việc xây dựng bộ hợp đồng khung giao dịch Repo theo chuẩn GMRA toàn cầu, qua đó các rủi ro pháp lý cũng như giảm thiểu các công việc liên quan tới giấy tờ trong giao dịch, thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa giao dịch trái phiếu Chính phủ làm cơ sở cho các giao dịch phái sinh phức tạp hơn.

Tám là, VBMA làm đầu mối tổ chức các buổi làm việc của thành viên với cơ quan quản lý, qua đó giúp các cơ quan này nắm bắt tốt hơn nhu cầu thị trường. Ngoài ra, qua cơ chế đối thoại này cũng góp thêm tiếng nói phản biện đối với các quy định về thị trường hiện tại và các văn bản bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu Việt Nam.

Chín là, hoàn thiện các cơ sở pháp lý, công nghệ để đưa vào các sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ như Bond Index, Bond Forward, Bond Option, Cross repos currency.... Bộ Tài chính xem xét phối hợp với VBMA thực hiện cơ chế thí điểm cho phép một số thành viên tạo lập thị trường thực hiện giao dịch với nhau một số các sản phẩm phái sinh nêu trên trên cơ sở tự nguyện. Trên thực tế tổng kết từ cơ chế thí điểm này, hoàn thiện và bổ sung để áp dụng cho toàn thị trường.