Một số mô hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ công và kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật đối với Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Các mô hình tổ chức và cung ứng hàng hóa, dịch vụ công (HH-DVC) được xây dựng nhằm làm rõ sự hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư vốn và tổ chức cung ứng mặt hàng trên. Tùy vào điều kiện và đặc trưng kinh tế, mỗi quốc gia sẽ áp dụng một mô hình tổ chức và cung ứng HH-DVC khác biệt. Nhìn chung, hiện nay đang có những mô hình cung ứng như sau:

Một số mô hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ công và kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật đối với Việt Nam
Các mô hình tổ chức và cung ứng HH-DVC được xây dựng nhằm làm rõ sự hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Nguồn: internet

1. Mô hình “Nhà nước cung ứng tài chính và Nhà nước tổ chức cung ứng HH-DVC”

Nhà nước thông qua cơ chế bao cấp, chỉ định các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tổ chức cung ứng các HH-DVC từ nguồn vốn tài trợ của Nhà nước. Do đó, hoạt động sản xuất này không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà nhằm hoàn thành các kế hoạch, chỉ đạo đã được Nhà nước xây dựng chi tiết trước đó, đảm bảo mọi điều kiện cần thiết cho các hoạt động xã hội. Việc xây dựng các kế hoạch sẽ được Nhà nước cân nhắc, cân đối việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây là mô hình Nhà nước đóng vai trò tuyệt đối trong việc tổ chức cung ứng HH-DVC. Mô hình này đã từng được áp dụng rộng rãi tại các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước kia.

Tuy nhiên, chính vì vai trò tuyệt đối của Nhà nước trong mô hình này đã dẫn tới sự gia tăng áp lực vốn không ngừng cho ngân sách Nhà nước cũng như sự quá tải của Nhà nước trong việc cung ứng tất cả các HH-DVC. Kết quả tất yếu, chất lượng của các HH-DVC không được đảm bảo, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, sản xuất trong các mặt hàng này.

2. Mô hình “Khu vực tư nhân cung ứng tài chính và khu vực tư nhân tổ chức cung ứng HH-DVC”

Trái ngược với mô hình trên, Nhà nước trong mô hình này nhường chủ yếu quyền đầu tư và tổ chức cung ứng HH-DVC cho khu vực tư nhân. Theo đó, khu vực tư nhân sẽ dựa trên những cân đối cung – cầu đối với các mặt hàng trên để tổ chức sản xuất. Tuy không cung ứng mặt hàng trên nhưng Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết việc cung ứng của HH-DVC trên. Sự điều tiết này được thể hiện qua các công cụ như thuế suất, các chính sách ưu đãi, khuyến khích hay trợ giá, đặt hàng, … đối với khu vực tư nhân để đảm bảo các doanh nghiệp khu vực này có thể bù đắp chi phí sản xuất hoặc có lãi khi tham gia hoạt động này. Mô hình này được áp dụng rộng rãi tại các nước Tây Âu và đặc biệt tại Mỹ.

Đây là mô hình tối đa hóa vai trò của khu vực tư nhân, giúp cải thiện đáng kể chất lượng của các HH-DVC cũng như gia tăng hiệu quả sản xuất của các mặt hàng này. Tuy nhiên, thực tế một số HH-DVC vẫn nên do Nhà nước sản xuất, không nên tuyệt đối hóa vai trò của khu vực tư nhân.

3. Mô hình “Nhà nước và khu vực tư nhân cùng liên kết cung ứng tài chính và cung ứng HH-DVC”

Mô hình này đang được áp dụng rộng rãi và trở thành xu hướng trên thế giới. Tại đây, Nhà nước và  khu vực tư nhân sẽ cùng hợp tác đầu tư và sản xuất cung ứng HH-DVC. Tùy vào mức độ hợp tác và lĩnh vực hợp tác, có những hình thức cung ứng nhu sau.

Hình thức “Nhà nước cung ứng tài chính và khu vực tư nhân tổ chức cung ứng HH-DVC”

Trong mô hình này, Nhà nước đóng vai trò chủ đầu tư, chỉ định, đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu cung ứng đối với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Dự án và lĩnh vực được đầu tư được dựa trên kế hoạch của Nhà nước và nhu cầu cụ thể của xã hội. Mô hình này hoạt động dựa trên cơ chế thị trường dưới sự giảm sát, quản lý của Nhà nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội và quyền lợi của khu vực tư nhân. Do đó,  mô hình được áp dụng tại các quốc gia có phân định rõ ràng chức năng của Nhà nước và xã hội trong cung ứng HH-DVC.

Hình thức “Khu vực tư nhân cung ứng tài chính và Nhà nước cung ứng HH-DVC”

Ngược lại với hình thức trước đó, trong mô hình này khu vực tư nhân hoặc người dân đóng vai trò là chủ đầu tư, tự huy động vốn và kêu gọi các DNNN tham gia cung ứng các HH-DVC theo nhu cầu của xã hội, gắn liền với đời sống dân sinh. Mô hình được hoạt động dựa trên cơ chế thị trường  trong các địa bàn tương đối đồng đều, người thụ hưởng có mức sống thuận lợi và tương đồng về nhu cầu.

Hình thức “Nhà nước và khu vực tư nhân cùng đầu tư vốn và cùng cung ứng HH-DVC”

Mô hình này thể hiện sự hợp tác rất chặt chẽ giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Do đó cả 2 chủ thể trên vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đơn vị cung ứng các HH-DVC. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước và tư nhân thường hợp tác tạo thành các liên kết kinh doanh trong đó Nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò là các cổ đông của tổ chức. Mô hình này đã được áp dụng thành công trong 1 số lĩnh vực như dịch vụ hàng không, điện thoại, vận tải biển… tại New Zealand (1988-1994) và Singapore (thế kỷ XX)…

4. Mô hình “lấp chỗ trống”

Mô hình này được áp dụng nhằm giải quyết những xung đột lợi ích giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Do đặc điểm không hướng tới lợi nhuận của các HH-DVC nhiều DNTN không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng tham gia vào  hoạt động cung ứng các mặt hàng trên. Tuy nhiên, đây lại là những mặt hàng đảm bảo mức độ sinh hoạt tối thiểu của cộng đồng và đảm bảo độc lập quốc gia, vì vậy với vai trò đặc biệt của mình, Nhà nước sẽ thay thế khu vực tư nhân cung ứng các hàng hóa, dịch vụ trên. Mô hình này được xây dựng nhằm đảm bảo sự cung ứng đầy đủ các HH-DVC cần thiết cho xã hội và được áp dụng tại một số nước phát triển nền kinh tế thị trường xã hội như Đức, Pháp, Thụy Điển…

5. Kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật

Các kinh nghiệm quốc tế đã đưa ra những bài học quý báu đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cũng nên chuyển đổi mô hình cung ứng sang mô hình hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong tổ chức và cung ứng KH&CN. Để thực hiện mô hình trên Việt Nam cần thực hiện những điểm sau:

Quy định rõ các loại dịch vụ KH&CN thông qua tính chất và tầm quan trọng của chúng, qua đó có thứ tự lựa chọn mô hình tổ chức và cung ứng phù hợp. Các thứ tự áp dụng có thể tùy thuộc: (1) hoạt động do Nhà nước cung ứng tài chính và tổ chức cung ứng KHCN; (2) hoạt động do Nhà nước cung ứng tài chính và khu vực tư nhân tổ chức cung ứng KHCN; (3) hoạt động do Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư và cung ứng KHCN; (4) hoạt động do tư nhân cung ứng tài chính và tổ chức cung ứng KHCN.

Quy định rõ ràng chức năng của Nhà nước trong tổ chức và cung ứng KH&CN. Tránh tình trạng ôm đồm, lấn át và thiếu hiệu quả. Hiện nay, phần lớn các hoạt động KH&CN đều do Nhà nước đầu tư và cung ứng. Điều này sẽ gây sức ép lớn lên cán cân ngân sách của Nhà nước cũng như giảm chất lượng của các dịch vụ trên. Do đó, việc làm rõ chức năng  của Nhà nước sẽ không những nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Có những quy định rõ ràng trong quản lý và giám sát hoạt động cung ứng KH&CN. Những quy định này sẽ đảm bảo các sản phẩm KH&CN sẽ  đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.

Có những chính sách ưu đãi, khuyến khích và trợ cấp cụ thể đối với từng loại hình tổ chức và cung ứng KH&CN riêng biệt. Đây là một trong những thành công của Singapore mà Việt Nam rất đáng học tập. Điều này không những làm tăng nguồn vốn và sự tham gia của khu vực tư nhân mà còn nâng cao chất lượng đầu tư và chất lượng các sản phẩm KH&CN. Tuy nhiên, những chính sách này cũng cần được giám sát thực hiện một cách chặt chẽ, tránh tình trạng thực hiện sai lệch các chủ trương, chính sách của chính phủ.