Một số ngộ nhận cần tránh về quản lý giá theo cơ chế thị trường

TS. Nguyễn Minh Phong, TS. Nguyễn Thị Kim Nhã

(Tài chính) Hiệu quả quản lý và bình ổn giá nói chung, giá độc quyền nói riêng trong nền kinh tế nước ta là thước đo về sự minh bạch của môi trường đầu tư và độ lành mạnh của cơ chế thị trường, cũng như của uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi.

Việc điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ là đồng nghĩa với việc tăng tỷ giá, giảm giá trị đồng bản tệ. Nguồn: internet
Việc điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ là đồng nghĩa với việc tăng tỷ giá, giảm giá trị đồng bản tệ. Nguồn: internet

Yêu cầu hoàn thiện cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cần chú ý tránh một số cách hiểu chưa đúng như sau:

Thứ nhất, hiểu sai về giá thị trường, coi giá thị trường là ngang bằng giá bán lẻ thế giới hoặc phải tính đủ các chi phí thiếu kiểm soát của doanh nghiệp.

Việc cổ súy cho tiêu chuẩn giá thị trường là giá bán lẻ trong nước phải bằng giá thế giới được chọn thường là cao nhất, mà “quên” so sánh các điều kiện tự nhiên-kinh tế-xã hội, nguồn cung, cũng như các chi phí, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động cụ thể khác giữa trong và ngoài nước là một ngộ nhận “chết người”, hoặc lỗ hổng nhận thức có chủ ý, tạo ảo tưởng về “trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ chính trị” cao vì cộng đồng, tạo tâm lý “ban ơn” cho người tiêu dùng, cũng như dễ ru ngủ và khỏa lấp những đòi hỏi nâng cấp chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cung ứng hàng hoá độc quyền.

Ngoài ra, sự ngộ nhận giá thị trường phải tính đủ các chi phí độc quyền, thiếu sự kiểm soát, kiểm toán độc lập khách quan, kể cả những đầu tư đa ngành bất chấp hiệu quả, sẽ khiến các doanh nghiệp độc quyền mất động lực tiết giảm chi phí sản xuất, liên tục báo “lỗ giả-lãi thật” và luôn có cơ hội là xin tăng giá, kích thích cơ chế xin-cho, đổ gánh nặng chi phí và rủi ro lên vai người tiêu dùng hoặc Nhà nước, trong khi gạt bỏ những nhà đầu tư hiệu quả, khiến nhiều nguồn lực đầu tư bị nghẽn, tạo căng thẳng cung-cầu tiêu dùng giả tạo và bức xúc xã hội cao trên thực tế.

Thứ hai, cho phép doanh nghiệp độc quyền tự định giá thị trường khi chưa có cạnh tranh đầy đủ theo quy trình và điều kiện của quy luật kinh tế thị trường.

Chỉ có được giá thị trường khi có sự liên thông trực tiếp, cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh. Nếu trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là tạo cơ hội cho tăng giá độc quyền, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, là mang lại lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiệp độc quyền, vì vừa không phải cạnh tranh thị trường, vừa được áp giá độc quyền. Hơn nữa, việc thiếu sự minh bạch và thông tin giải trình về tăng giá, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư các ngành này còn nhiều khoảng trống… sẽ dễ làm tăng hiện tượng giá cả bị bóp méo vì lợi ích nhóm và lối tư duy nhiệm kỳ, gia tăng hiện tượng thất thoát, thất thu sử dụng kinh phí sai mục tiêu và quy định trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng đầu của đất nước.

Hơn nữa, khi các tập đoàn và doanh nghiệp độc quyền có ý thức liên kết, lũng đoạn thị trường, mượn danh hiệp hội, mượn danh thị trường, lạm dụng và bất chấp Luật Cạnh tranh thì hệ lụy càng nặng nề hơn. Các hiệp hội, thay vì mưu cầu tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội, dễ trở thành công cụ tập hợp, vận động chính sách, gây sức ép với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng, bắt nhu cầu cả xã hội làm "con tin" bảo đảm cho lợi ích độc quyền, bất chấp những tổn hại to lớn vĩ mô và vi mô khác…

Thứ ba, đồng nhất biến động giá bộ phận với mặt bằng giá cả xã hội chung.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sự trồi sụt, lên, xuống thất thường, thậm chí kéo dài trong một khoảng thời gian, là điều bình thường, thậm chí là tạo động lực tích cực kích thích hoặc kìm hãm, điều chỉnh cần thiết các hoạt động kinh tế cho phù hợp cung-cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả, lợi nhuận cân bằng chung giữa các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh... Hơn nữa, trong một số trường hợp cá biệt, sự đắt đỏ kéo dài một hàng hóa, nguyên liệu nào đó có thể còn gợi ý và tạo sức ép thúc đẩy phát triển các nghiên cứu khoa học, sáng chế, tìm kiếm để sản xuất các hàng hóa, nguyên liệu thay thế tương đương, từ đó mở ra hướng mới, bước ngoặt mới, động lực mới và cả một mặt bằng giá mới cho phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí mở ra một thời kỳ lịch sử văn minh mới của nhân loại.

Điều này cũng có nghĩa là không nên e ngại các biến động giá thị trường, nhất là ngộ nhận và đánh đồng việc tăng giá tình thế trên thị trường thế giới về một số mặt hàng dù là đầu vào quan trọng của Việt Nam với việc đang và sẽ có một mặt bằng giá chung thế giới mới. Đương nhiên, điều này không phủ định việc tăng giá kéo dài hoặc sự xuất hiện mặt bằng giá mới, cao hơn ở một số mặt hàng cụ thể, như dầu mỏ, sắt thép... Chính sách điều chỉnh giá, vì vậy, chỉ nên hướng vào điều chỉnh giá cục bộ, cho mặt hàng cụ thể, chứ không nên tạo ra tình huống tăng giá đồng loạt tạo mức mặt bằng tổng giá cả xã hội mới một cách vội vàng, thiếu thận trọng và thiếu căn cứ thực tế rộng, dài.

Thứ tư, neo giá cố định kéo dài bất chấp những biến động mạnh của giá thế giới.

Vừa phải tránh sự thổi phồng “nâng cấp” thái quá xu thế tăng giá cục bộ thành việc xuất hiện mặt bằng giá cả thế giới mới, vừa cần tránh thái độ “mũ ni che tai” và duy trì kéo dài giá cả của mặt hàng nào đó tiêu thụ ở thị trường trong nước bất chấp sự tăng giá mạnh của nó ở thị trường thế giới. Sự bất cập này có thể gây những tác hại khôn lường về kinh tế, nhất là làm tăng mức bù lỗ khổng lồ vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước, làm tăng tình trạng buôn lậu qua biên giới kiếm chênh lệch giá, tăng cơ hội đầu cơ, tham nhũng và gian lận thương mại khác liên quan đến mặt hàng phải nhập khẩu này. Những bài học đắt giá thời bao cấp cách đây chưa lâu vẫn còn giữ nguyên tính thời sự trong thực tiễn nước ta thời mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, thả nổi hoàn toàn giá cả thị trường trong nước theo giá cả thị trường thế giới.

Ngược với việc neo giá cố định là việc thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự va đập tự phát và thăng trầm tự do theo các con sóng giá cả từ thị trường nước ngoài. Tăng giá trong nước theo sự tăng giá thế giới không có nghĩa là không còn quản lý giá. Việc thả nổi hoàn toàn giá cả trong nước theo thị trường thế giới trong khi cơ chế và các thể chế thị trường trong nước chưa đồng bộ, đầy đủ và phát triển hoàn thiện sẽ khiến nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả đời sống nhân dân trong nước gặp nhiều khó khăn, kiểu “người yếu phải ra gió”. Hơn nữa, không thể máy móc điều chỉnh tốc độ tăng giá trong nước khớp hoàn toàn với mức độ tăng giá thế giới, vì lẽ các nhân tố ảnh hưởng đến mức tăng giá cả ở các nước khác nhau không hoàn toàn giống hệt nhau do có sự khác biệt giữa chúng về yêu cầu chính sách, mục tiêu phát triển, đặc điểm cơ cấu sản xuất và tiêu dùng địa phương, mức sống thực tế và một số nhân tố khác...

Thứ sáu, điều chỉnh giá trong nước theo lộ trình kế hoạch cứng nhắc.

Không thể điều chỉnh giá theo khớp hoàn toàn mức tăng giá thế giới một cách thụ động, song cũng không nên điều chỉnh giá theo một lộ trình kế hoạch hóa cứng nhắc và được công khai rộng rãi. Điều này là cần thiết để phòng tránh tâm lý và các hiện tượng đầu cơ găm hàng trục lợi từ sự lệch giá trước và sau “giờ G” của những đợt tăng giá theo kế hoạch đã được công khai và thực thi cứng nhắc. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, giá có thể lên, xuống và các nhân tố ảnh hưởng đến chúng cũng thay đổi cả trên phạm vi quốc tế và quốc gia, nên việc điều chỉnh giá cứng nhắc theo lộ trình thời gian và mức tăng được lập trình sẵn sẽ gây ra những hệ quả cả được dự báo trước lẫn bất ngờ. Những nhà chỉ huy quân sự hẳn có nhiều bài học thấm thía khi thực hiện những kế hoạch tác chiến của mình được công khai hoặc bị tình báo đối phương giải mã.

Thứ bảy, chỉ điều chỉnh giá tăng một chiều, chậm hoặc không điều chỉnh khi giá giảm.

Việc điều chỉnh giá (nhất là giá độc quyền) chỉ theo hướng tăng, mà không hoặc chậm điều chỉnh giảm khi cơn sốt giá quốc tế đã hạ nhiệt là “lợi bất cập hại”, cái lợi thu được nhỏ và có tính ngắn hạn so với cái mất, vì trước hết gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, làm giảm sự công bằng và điều kiện cạnh tranh lành mạnh thị trường, thậm chí còn làm suy giảm lòng tin, độ tín nhiệm của dân chúng và doanh nghiệp vào năng lực điều hành chính sách của chính phủ. Hơn nữa, sự chậm trễ trong phản ứng chính sách quản lý giá còn nuôi dưỡng tật xấu và đặc quyền của các doanh nghiệp độc quyền ưa kêu ca đòi nhà nước bù lỗ khi giá lên và “ngậm miệng ăn tiền” khi giá xuống. Thậm chí, việc duy trì giá độc quyền cao được cộng hưởng bởi sự tăng giá quốc tế (mặc dù đã giảm) còn trực tiếp tạo xung lực làm tăng tổng mặt bằng giá xã hội trong nước với bao hệ lụy đi kèm khó lường. Có thể nói, định kiến chính sách chỉ điều chỉnh giá lên, chậm hoặc không điều chỉnh giá xuống là tàn dư điển hình của tư duy cũ, thời bao cấp, cần được nhận thức đầy đủ để kiên quyết khắc phục trong quản lý giá cả thời kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Thứ tám, quản lý giá thuần túy “siêu hình”, tách rời việc hoàn thiện cơ chế cạnh tranh kinh tế thị trường, điều chỉnh tỷ giá bản tệ thích ứng, tách rời mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong khi điều chỉnh tăng giá.

Việc tăng giá trong nước theo mức tăng giá thế giới sẽ bị mất hiệu quả tích cực, hoặc thậm chí bị lạm dụng vì lợi ích cục bộ, nếu thiếu coi trọng thường xuyên việc hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường, phát triển và vận hành thông suốt đồng bộ các thể chế thị trường cần thiết, mở rộng tự do hóa cạnh tranh thị trường lành mạnh, chống các hoạt động đầu cơ, bán phá giá và các gian lận thương mại khác... Đồng thời, cần gắn việc điều chỉnh tăng giá với các biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát các chi phí hợp lý, giảm thiểu tình trạng “té nước theo mưa”, “mượn gió bẻ măng”, tăng giá thu lợi nhuận không chính đáng do thiếu hợp lý hóa các chi phí sản xuất-kinh doanh. Không thể chấp nhận tình trạng một ngành độc quyền cứ tự đề xuất và tự cho phép tăng giá với đủ thứ lý do..., trong khi bộ máy quản lý kềnh càng, năng suất lao động thấp, đồng vốn đầu tư kém hiệu quả.

Là giá cả của tiền và phản ánh tổng hòa tương quan mức giá chung xã hội trên thị trường trong nước so với thị trường nước ngoài, tỷ giá bản tệ không thể cô lập với các biến động giá trên thị trường hàng hóa và dịch vụ thông thường. Việc điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ là đồng nghĩa với việc tăng tỷ giá, giảm giá trị đồng bản tệ. Nếu không có sự điều chỉnh thích ứng tỷ giá bản tệ theo hướng này sẽ dẫn tới việc định giá đồng bản tệ quá cao, làm mất lợi thế và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, giảm kim ngạch hoặc hiệu quả từ xuất khẩu, kinh tế trong nước từ đó có thể gây đình đốn và những hệ lụy kinh tế-xã hội khác sẽ nổi lên...

Nếu tăng giá chỉ vì lợi ích kinh doanh thuần túy của một ngành, tập đoàn trong bối cảnh cạnh tranh thị trường chưa đầy đủ và thiếu các thiết chế đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp có thu nhập thấp, thì việc tăng giá đó chưa đạt được hiệu quả xã hội cần thiết trong quản lý nhà nước về giá cả. Bởi vậy, cần tùy theo tình hình thực tiễn, nhất là căn cứ vào đánh giá và dự báo xu hướng biến động giá và tác động của tăng giá đến đời sống kinh tế - xã hội mà lựa chọn các phương án tăng giá tối ưu, thậm chí nếu cần vẫn không nên loại trừ sự hỗ trợ nhất thời của nhà nước để duy trì giá ở mức ít gây hại lớn nhất đến đời sống thực tế của đa số người tiêu dùng hoặc để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cần thiết cho đất nước theo những ưu tiên được lựa chọn.

Về tổng thể, để quản lý giá mang tính thị trường và hiệu quả xã hội cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần kiên quyết khắc phục các định kiến chính sách tàn dư của tư duy bao cấp; cần tránh ngộ nhận và cả kỳ vọng vào quyền lực quản lý Nhà nước về giá thị trường, nhất là việc đưa ra những công thức tính toán và cơ chế, quy trình quản lý giá hết sức chi tiết, phức tạp, tưởng chặt hoá lỏng, vừa khiến các doanh nghiệp bị bó buộc, khó khăn trong hoạt động linh hoạt theo thị trường, vừa dễ lạm dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Luật Cạnh tranh, kiểm soát nghiêm ngặt cả độc quyền nhà nước và độc quyền tư nhân; gắn quản lý giá với kiểm soát các chi phí hợp lý, giảm thiểu tình trạng “té nước theo mưa”, “mượn gió bẻ măng”, tình trạng một ngành, doanh nghiệp độc quyền cứ tự đề xuất và tự cho phép tăng giá với đủ thứ lý do..., trong khi bộ máy quản lý kềnh càng, hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp, còn lợi nhuận và thu nhập của doanh nghiệp và nhất là lãnh đạo, thì cứ cao ngất so với các ngành, lĩnh vực khác.

Ngoài ra, cần sớm tách biệt và minh bạch hoá yêu cầu dự trữ quốc gia như là các nhiệm vụ chính trị với hoạt động dự trữ kinh doanh của doanh nghiệp độc quyền, nhằm giảm thiểu sự lạm dụng, mập mờ, nhân danh nhiệm vụ chính trị mà hạch toán giành lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp và lợi ích nhóm, ngành, đẩy lỗ tối đa cho nhà nước hoặc tranh thủ “móc túi” người tiêu dùng…