Một số vấn đề và giải pháp phát triển

TS. Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính

(Tài chính) Trải qua hơn 10 năm vận hành và phát triển, thị trường trái phiếu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định.

Một số vấn đề và giải pháp phát triển
Thị trường trái phiếu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Nguồn: internet
Hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động của thị trường ngày càng được hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao dịch, lưu ký, giám sát cũng liên tục được thiết lập, cải tiến với mục tiêu xây dựng một thị trường trái phiếu chuyên biệt và thể hiện được vai trò của mình trên thị trường vốn.

Quy mô thị trường đã tăng mạnh từ 2,8% GDP (năm 2001) đến 20,14% GDP năm 2010 và lên tới 21,6% GDP vào cuối năm 2012, trong đó trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 15,7% GDP, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm khoảng 5,56% GDP và một phần nhỏ còn lại là trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP).

Với mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế, ngày 01/2/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 261/QĐ-BTC phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó: (i) Tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% (năm 2011) lên khoảng 38% GDP (năm 2020) trong đó dư nợ TPCP đạt khoảng 22% GDP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt khoảng 8% GDP, dư nợ TPCQĐP đạt khoảng 1% GDP; và dư nợ TPDN đạt khoảng 7% GDP; (ii) Kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành TPCP trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng từ 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng từ 6 - 8 năm; (iii) Tăng tỷ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ (Công ty Quản lý quỹ) nắm giữ từ mức 12% (năm 2011) lên mức 20% (năm 2020); (iv) Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu giao ngay bình quân phiên từ mức khoảng 0,2% dư nợ trái phiếu niêm yết (năm 2011) lên mức khoảng 0,3 - 0,4% dư nợ trái phiếu niêm yết (năm 2020).

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để phát triển thị trường trái phiếu cũng như đạt được các mục tiêu đã đề ra theo đúng lộ trình, còn có rất nhiều vấn đề đặt ra về cơ cấu thị trường, về sản phẩm cũng như nhà đầu tư, thị trường thứ cấp có mức thanh khoản thấp, hệ thống trung gian tài chính chưa chuyên nghiệp.

Phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam: Một số vấn đề cần quan tâm

Thị trường TPDN còn kém phát triển

Quy mô thị trường chính là yếu tố đầu tiên để đánh giá thị trường đó có phát triển hay không. Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu đã có mức tăng trưởng tốt, bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2011 đạt hơn 40%, có thời điểm còn đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí tổng dư nợ trên GDP thì quy mô thị trường vẫn còn thấp so với một số quốc gia có trình độ phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia… Tổng dư nợ thị trường trái phiếu tính tới tháng 3/2013 tại Thái Lan là 75% GDP, tại Malaysia là gần 110%trong khi con số này tại Việt Nam chỉ trên 20%.

Hiện nay, sản phẩm trên thị trường trái phiếu chủ yếu được chia thành 2 loại là TPCP (bao gồm cả trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và TPCQĐP) và TPDN. Với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, tỷ lệ giữa TPCP và TPDN thường không chênh lệch quá nhiều tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển. Nhưng tại Việt Nam thì tỷ lệ này có mức chênh lệch khá rõ ràng, phản ánh sự chi phối thị trường đến từ phân khúc TPCP.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thị trường TPDN có quy mô nhỏ, chưa phát triển so với TPCP hay rộng hơn là so với thị trường TPDN của các nước khác. Các nguyên nhân này đến từ nhiều phía, có thể chia thành 4 nguyên nhân chính:

(i) Nguồn cung: sản phẩm TPDN trên thị trường chưa nhiều, chủ yếu do các doanh nghiệp Nhà nước hay tổ chức tín dụng phát hành, tập trung vào 2 loại hình chính là trái phiếu thông thường và trái phiếu chuyển đổi (với công ty cổ phần);

(ii) Cầu đầu tư: cơ sở nhà đầu tư còn thiếu khi nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường trái phiếu hiện nay là các ngân hàng thương mại (NHTM). Các đợt phát hành trái phiếu cũng thường là phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư, ít khi đấu thầu rộng rãi;

(iii) Trung gian tài chính: Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức định mức tín nhiệm (CRA) chuyên nghiệp nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi đánh giá về doanh nghiệp phát hành;

(iv) Khuôn khổ pháp lý: Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN ra đời năm 2011 thay thế cho Nghị định 52/2006/NĐ-CP trước đó mặc dù đã tạo được hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho việc phát hành nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Chưa phát hành thành công trái phiếu có kỳ hạn dài

Trên thị trường vốn, nguồn vốn ngắn hạn chủ yếu được cung cấp bởi hệ thống NHTM, trong khi thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu) sẽ cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn. Theo thống kê trên thị trường quốc tế, kỳ hạn thông thường của trái phiếu là khoảng 3 - 10 năm, cá biệt có những đợt phát hành với kỳ hạn lên tới 10 - 30 năm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Việt Nam cho thấy thị trường trái phiếu chưa thực sự là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế mà chủ yếu vẫn là các kỳ hạn ngắn. Mặc dù TPCP và TPDN thường được phát hành với các kỳ hạn từ 2 - 15 năm, song tỷ lệ trúng thầu cao nhất lại là các trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm, chiếm khoảng 90% khối lượng phát hành. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đa số tập trung vào phân khúc trái phiếu kỳ hạn ngắn, có thể do lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô khi vấn đề lạm phát luôn được đặt lên hàng đầu những năm qua, hoặc do nhà đầu tư chưa coi thị trường trái phiếu là kênh đầu tư chính.

Theo bảng trên thì trái phiếu được tập trung phát hành nhiều nhất vào 2 kỳ hạn là 3 năm và 5 năm. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần đây đã được Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đẩy mạnh phát hành nhưng tỷ lệ trúng thầu không cao do không nhận được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư.

Cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng

Khác với cổ phiếu, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đa phần là các nhà đầu tư tổ chức vì khối lượng trái phiếu đấu thầu và giao dịch có giá trị lớn nên nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có thể đáp ứng được. Tại các quốc gia phát triển, cơ sở nhà đầu tư luôn được đa dạng hóa, có sự cân đối giữa các nhóm nhà đầu tư nếu muốn duy trì lực cầu đều đặn trên thị trường. Các nhà đầu tư chủ chốt trên thị trường trái phiếu thường là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, NHTM…

Với thị trường trái phiếu Việt Nam, đã xuất hiện các nhóm nhà đầu tư tổ chức cơ bản, nhưng mức độ tham gia của các nhà đầu tư này chưa thực sự chuyên nghiệp. NHTM hiện đang là nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu Việt Nam khi nắm giữ khoảng trên 80% lượng TPCP. Trong bối cảnh thị trường tín dụng đang gặp nhiều khó khăn 2 năm gần đây, nguồn vốn từ NHTM được đầu tư mạnh vào thị trường trái phiếu, giúp cho các đợt phát hành liên tục thành công.

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư của các ngân hàng lại phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh chính là cho vay, khiến nguồn vốn này không có tính ổn định, có thể giảm xuống đột ngột bất cứ lúc nào và không đem lại sự phát triển bền vững như mong muốn cho thị trường.

Công ty bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ được coi là một nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường trái phiếu. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có kỳ hạn dài, cộng thêm nhu cầu cần phải giữ tỷ lệ an toàn vốn cao, nên các công ty bảo hiểm luôn có một tỷ lệ nhất định TPCP trong cơ cấu vốn đầu tư của mình.

Nhưng vấn đề ở đây là quy mô thị trường bảo hiểm còn thấp, doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt khoảng 1,4% GDP vào năm 2012 khiến cho nguồn vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu chưa cao. Tổng lượng TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh mà các công ty bảo hiểm nắm giữ tính đến năm 2012 cũng chỉ khoảng 33.945 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% tổng dư nợ trái phiếu).

Nhóm nhà đầu tư được quan tâm tiếp theo là các quỹ đầu tư. Các quỹ này hiện nắm giữ khoảng 6 - 7% dư nợ trái phiếu, phân bổ tới những loại hình quỹ khác nhau trong và ngoài nước. Rào cản lớn nhất ngăn các nhà đầu tư nước ngoài (đầu tư nước ngoài) tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam có lẽ là sự hạn chế về mặt sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm phái sinh liên quan đến tỷ giá.

Một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam

Để đạt được những mục tiêu như Quyết định 261/QĐ-BTC đã đề ra đòi hỏi cần phải có một chiến lược nhất quán, đồng thời phát triển thị trường sơ cấp cũng như thứ cấp, hệ thống khuôn khổ pháp lý và các dịch vụ trung gian tài chính nhằm đưa thị trường hướng tới chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến những vấn đề sau:

Hoàn thiện cấu trúc thị trường TPCP

TPCP đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường vốn Việt Nam. Tỷ lệ của TPCP (bao gồm cả TPCP bảo lãnh và TPCQĐP) trên tổng dư nợ trái phiếu của Việt Nam lên tới 85%, tương đương với thị trường một số nước đang phát triển trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan5#. Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu đã được cải tiến và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình đăng ký, lưu ký, giao dịch và niêm yết trái phiếu trên thị trường thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu.

Từ ngày 18/3/2013, hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 2 và hệ thống Đường cong lợi suất TPCP đã được đưa vào vận hành và hoạt động ổn định về cơ bản, không ghi nhận lỗi phát sinh, thành viên đã tham gia chào mua, chào bán trên cả hai hệ thống (giao dịch và Đường cong lợi suất).

Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thị trường nợ và tạo tiêu chuẩn cho cả thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa các công cụ nợ, Bộ Tài chính đã thí điểm phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm (tổ chức định kỳ 1 lần/tháng) từ năm 2012 và đã bắt đầu phát hành TPCP kỳ hạn 15 năm trong năm 2013. Mặc dù vậy, thị trường TPCP vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: (i) Trái phiếu có kỳ hạn ngắn (dưới 5 năm) chiếm tỷ trọng chi phối; (ii) Thanh khoản thấp trên thị trường trái phiếu thứ cấp; (iii) Cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu là các NHTM.

Vì vậy, để tiếp tục phát triển thị trường TPCP theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020, cần hoàn thiện cấu trúc thị trường TPCP, trước hết, cần tăng tỷ trọng trái phiếu trung và dài hạn trong cơ cấu thị trường, kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành TPCP trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng từ 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng từ 6 - 8 năm. Để thực hiện được điều này, thị trường trái phiếu cần phải phát triển ở mức cao hơn, đồng thời có sự ổn định về kinh tế vĩ mô, giúp các nhà đầu tư có niềm tin vào trái phiếu có kỳ hạn dài. Ban đầu có thể phát hành thí điểm trái phiếu có kỳ hạn dài lên tới 30 năm, hướng tới các nhà đầu tư là công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí để thị trường làm quen với loại trái phiếu này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Về mặt nền tảng, có thể tiến hành cải tiến hệ thống giao dịch TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phù hợp với bản chất của giao dịch trái phiếu. Về mặt kỹ thuật, cần nghiên cứu ban hành những chuẩn mực về giao dịch như hợp đồng Repo mẫu, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư trên thị trường tiến hành giao dịch.

Việc phát triển thị trường mua bán lại với TPCP làm tài sản thế chấp cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển trên thị trường trái phiếu sơ cấp. Ngoài ra, cũng có thể tiến hành nghiên cứu phương thức giao dịch trái phiếu trước khi đấu thầu (When - issued) giống như tại một số thị trường phát triển như Nhật, Mỹ, Singapore cho phép nhà đầu tư xác định được một mức giá hợp lý trước khi tham gia vào thị trường sơ cấp.

Phát triển thị trường TPDN

Thị trường TPDN là một thị trường bộ phận quan trọng của thị trường trái phiếu với chức năng chính là một kênh huy động vốn “dự trữ” cho doanh nghiệp, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong thời gian gần đây, mặc dù thị trường tín dụng đang được siết chặt lại, nhưng thị trường TPDN vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Năm 2012, chỉ có 43 doanh nghiệp đăng ký phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 33.737 tỷ đồng và phát hành thành công 24.328 tỷ đồng, chỉ bằng xấp xỉ 15% lượng vốn mà TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh huy động được.

Các đợt phát hành thành công cũng tập trung vào những doanh nghiệp lớn như Vingroup hay NHTM cổ phần Công thương. Vì vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp để trước mắt là tăng tỷ trọng dư nợ TPDN/GDP lên 7% GDP vào năm 2020 theo Lộ trình phát triển và xa hơn nữa là xây dựng thị trường TPDN thực hiện hiệu quả vai trò của mình.

Từ quá trình phát triển thị trường TPDN của các quốc gia như Malaysia (dư nợ TPDN chiếm 42% GDP) hay Hàn Quốc (dư nợ TPDN chiếm 75% GDP) có thể thấy một số điểm quan trọng mà Việt Nam cần tập trung trước tiên như:

Trước hết, phải minh bạch hóa thông tin về doanh nghiệp, các đợt phát hành, cách thức sử dụng vốn huy động thông qua một hệ thống thông tin trái phiếu (tương tự Hệ thống công bố thông tin trái phiếu BIDS - Bond Information Dissemination System của Malaysia). Để thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi trên thị trường phải có những tổ chức định mức tín nhiệm hay công ty giám sát độc lập.

Kinh nghiệm của các quốc gia ASEAN chỉ ra rằng sự có mặt của những tổ chức định mức tín nhiệm tốt là một yếu tố quan trọng trong việc định giá. Tuy nhiên, những tổ chức định mức tín nhiệm địa phương lại sử dụng phương pháp đánh giá có nhiều khác biệt so với quốc tế, chưa xây dựng được những chi tiết như lịch trình hoạt động của doanh nghiệp, trong khi các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế chỉ thực hiện đánh giá các doanh nghiệp lớn phát hành ở phạm vi quốc tế.

Vì vậy, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu việc áp dụng một chuẩn mực chung về phương pháp đánh giá cho các tổ chức định mức tín nhiệm, giúp các nhà đầu tư dễ dàng có cơ sở đánh giá, so sánh việc đầu tư vào các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu xây dựng một tổ chức định mức tín nhiệm khu vực. Việc giám sát các công ty kiểm toán (CTKT) bởi một tổ chức độc lập cũng đang được thực hiện tại nhiều quốc gia. Tại Malaysia, một đạo Luật được thông qua năm 2009 đã thành lập Hội đồng Giám sát Kiểm toán, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2010. Hội đồng này sẽ trực tiếp giám sát các CTKT, hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán trong việc quản lý chất lượng báo cáo của các CTKT.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm trên thị trường ngoài trái phiếu trả lãi định kỳ và trái phiếu chuyển đổi. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu phát triển thêm các loại chứng khoán có đảm bảo như chứng khoán hóa nợ vay bất động sản (MBS), chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS)…

Ngoài ra, còn có thể phát hành Kỳ phiếu trung hạn (MTN - Medium Term Note). Tại Trung Quốc, sau khi MTN được phát hành lần đầu tiên vào năm 2008, doanh số phát hành của loại sản phẩm này đã tăng nhanh chóng, đạt 689 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2009, tăng trưởng hơn 300% so với năm trước6#. Tỷ trọng của MTN trong tổng dư nợ TPDN cũng tăng từ 21% vào năm 2008 lên tới 44% vào năm 2009. Ngoài ra, nhu cầu về sản phẩm phái sinh, nhất là phái sinh tỷ giá rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi kinh tế càng khó khăn thì nhà đầu tư sẽ tìm đến với các kênh đầu tư an toàn như TPCP thay vì TPDN. Do vậy, để có thể phát triển thị trường TPDN, cần phải tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả bởi nếu doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế, hoạt động kinh doanh thua lỗ và không tạo dựng được lòng tin đối với giới đầu tư thì việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu của doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn, thị trường TPDN theo đó cũng sẽ không thể phát triển được.

Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư

Hệ thống nhà đầu tư đa dạng là một yếu tố quan trọng trên thị trường, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tại các quốc gia khác trong khu vực, đối tượng tham gia trên thị trường trái phiếu bao gồm nhiều loại hình nhà đầu tư như tổ chức an sinh xã hội, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính... với NHTM là trụ cột đầu tư chính. Chẳng hạn như tại Malaysia, các NHTM nắm giữ tới 43% dư nợ TPCP, tiếp đến là nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức an sinh xã hội (lần lượt nắm giữ 31% và 20% dư nợ TPCP). Các công ty bảo hiểm và cơ quan Nhà nước chỉ nắm giữ một phần nhỏ trái phiếu phát hành7#.

Để phát triển cơ sở nhà đầu tư, nhiệm vụ đầu tiên đối với Việt Nam là cần tăng cường tính chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư hiện có, sau đó là mở rộng thị trường tới các nhà đầu tư mới; giảm dần sự phụ thuộc của thị trường vào khối nhà đầu tư là các NHTM, tăng tỷ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, Công ty Quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).

Từ mục tiêu đó, có thể đưa ra một số giải pháp phù hợp như sau: (i) Sửa đổi Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg cho phép Bảo hiểm xã hội được đầu tư vào TPDN theo một tỷ lệ nhất định; (ii) Tăng cường việc đầu tư vào thị trường trái phiếu của công ty bảo hiểm và Công ty Quản lý quỹ; (iii) Khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư khác như Bảo hiểm tiền gửi, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân; (iv) Tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn của các định chế tài chính khác (SCIC, DATC) bằng cách đặt ra quy định hạn chế các tổ chức này gửi tiền mà phải đầu tư vào trái phiếu.

Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư khá quan trọng mà trên thị trường trái phiếu Việt Nam còn thiếu, đó chính là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Theo kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu của các quốc gia ASEAN, trong năm loại sản phẩm phái sinh chính (tỷ giá, lãi suất, cổ phiếu, hàng hóa, tín dụng), sản phẩm phái sinh tỷ giá có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư tổ chức thường lo ngại về rủi ro tỷ giá mỗi khi đầu tư ra nước ngoài.

Vì vậy, nếu muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài một số ưu đãi về thuế để khuyến khích họ tham gia, cần tập trung phát triển thị trường về chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, cũng như dịch vụ trên thị trường nhằm giúp các nhà đầu tư tổ chức giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam.

Hoàn thiện cơ chế chính sách cho sự phát triển của thị trường TPCP và TPDN

Tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu của Việt Nam vẫn còn rất lớn, do vậy, để khơi thông thị trường này, cần hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng:

Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước; quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và TPCQĐP theo hướng thống nhất địa điểm đấu thầu TPCP tại HNX, thiết lập cơ chế nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP và cơ chế thanh toán trái phiếu qua Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất của thị trường.

Sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về phát hành TPDN theo hướng rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu trên cơ sở xem xét việc quy định bắt buộc có hệ số tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước sau khi cơ chế về xếp hạng tín nhiệm được ban hành.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa việc phát hành tín phiếu NHNN và phát hành tín phiếu kho bạc nhằm đảm bảo sự phát triển thống nhất của thị trường và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.