Một số vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam

ThS. Trịnh Thị Hiền - Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc chọn ba khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, kết quả của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế vẫn diễn ra chậm chạp, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quá trình này.

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nguồn: Internet
Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nguồn: Internet

Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua là tiền đề cho việc tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu. Tái cơ cấu đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Quá trình cơ cấu lại cũng đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục được hoàn thiện; cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước.

Tiêu biểu nhất tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này, nhiều mục tiêu cơ bản tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 vẫn chưa đạt được, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.

Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề có lẽ do còn thiếu có động lực tái cơ cấu mạnh mẽ, nên kết quả tái cơ cấu còn nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ chế đầu tư công thực chất chưa thay đổi, vẫn còn tồn tại cơ chế “xin - cho”, trong khi thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công; huy động qua ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bội chi ngân sách rất cao; hiệu quả sử dụng vốn nhà nước chưa được cải thiện.

Hệ thống ngân hàng đã trụ vững qua cơn sóng gió, song nợ xấu vẫn còn cao. Hệ thống ngân hàng mặc dù đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, song đang còn chậm. Hệ thống DN nhìn chung vẫn yếu, nhất là lực lượng DN trong nước, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh.
Sau 5 năm tái cơ cấu, lượng vốn và tài sản Nhà nước tại các DN còn rất lớn trong khi hiệu quả chưa như kỳ vọng. Tình trạng các dự án đầu tư công kém hiệu quả cũng như vấn đề đội vốn đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng do các DNNN làm chủ đang đẩy gánh nặng tài trợ lên ngân sách và góp phần đáng kể vào mức độ gia tăng nợ công trong những năm gần đây.

Tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2016), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN–4). Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội. Hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020.

Đến năm 2020 tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Nghị quyết đã nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm: tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Kế hoạch nói trên không phải là một đề án mới mà là một bước tiếp nối để cập nhật, bổ sung những điểm mới cho giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch tập trung mạnh vào những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình tái cơ cấu kinh tế. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội xây dựng Chương trình hành động, hoàn thành trước tháng 4/2017.

Nhìn nhận triển vọng tái cơ cấu nền kinh tế của nước ta trong thời gian tới có thể thấy, Việt Nam có một số thuận lợi và có cơ hội đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế. Trước hết là yếu tố cam kết chính trị, nhiều mục tiêu, nội dung tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế kinh tế được Đảng và Chính phủ đặt ra đã tạo sức ép rất lớn để đẩy nhanh thực hiện các cam kết hội nhập và lộ trình tái cơ cấu.

Các hiệp định, nhất là hiệp định thế hệ mới như TPP khi đi vào thực hiện sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tiến trình tái cơ cấu và đổi mới thể chế kinh tế, cụ thể như: Thay đổi tư duy, cách hoạch định và thực thi chính sách và pháp luật, quản trị nhà nước và DN theo hướng xây dựng Nhà nước chuyên nghiệp, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, các thể chế dân chủ, thân thiện thị trường, vì lợi ích của DN và người dân…

Nhìn nhận triển vọng tái cơ cấu nền kinh tế của nước ta trong thời gian tới có thể thấy, Việt Nam có một số thuận lợi và có cơ hội đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế. Trước hết là yếu tố cam kết chính trị, nhiều mục tiêu, nội dung tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế kinh tế được Đảng và Chính phủ đặt ra đã tạo sức ép rất lớn để đẩy nhanh thực hiện lộ trình tái cơ cấu.

Tái cơ cấu kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách của nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững vì con người và lấy lợi ích con người làm trọng tâm.

Đồng thời, đây cũng là vấn đề rất khó, phức tạp, phạm vi rộng, từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, đến thể chế, nguồn lực và lợi ích. Nếu không làm với quyết tâm cao thì Việt Nam không thể có động lực để thúc đẩy tái cơ cấu nhanh và quyết liệt được, từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là nợ công, bội chi, cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-7040-dai-bieu-quoc-hoi--mo-xe--ke-hoach-tai-co-cau-nen-kinh-te.html;

2. Tái cơ cấu nền kinh tế: Hiểu đúng để làm đúng, http://baodautu.vn/tai-co-cau-nen-kinh-te-hieu-dung-de-lam-dung-d53968.html;

3. Tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng những thế mạnh quốc gia, http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tai-co-cau-nen-kinh-te-chu-trong-nhung-the-manh-quoc-gia-490873