Một số ý kiến về hoàn thiện quy định hoạt động của Quỹ hoán đổi danh mục tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Phương Thảo - Học viện Ngân hàng

Một trong những sản phẩm được các nhà đầu tư Việt Nam cũng như nước ngoài khá quan tâm hiện nay đó là chứng chỉ của các Quỹ hoán đổi danh mục được (gọi tắt là quỹ ETF). Sự tồn tại của các quỹ ETF không phải là một điều quá mới lạ trên thị trường chứng khoán thế giới nhưng ở Việt Nam các cơ quản lý nhà nước và các nhà đầu tư mới bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm này trong khoảng 5 năm gần đây. Để quỹ ETF hoạt động và phát triển một bền vững, cung cấp những sản phẩm hấp dẫn, cạnh tranh cho thị trường thì điều quan trọng hơn cả là cần có một khung pháp lý đầy đủ và vững chắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hệ thống văn bản pháp luật về Quỹ ETFtại Việt Nam

Ngay từ những năm 2007 – 2008 ở Việt Nam đã chứng kiến sự có mặt của các quỹ hoán đổi chứng khoán nước ngoài như: Quỹ FTSE Vietnam Index ETF - Quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên tại Việt Nam được Deutsche Bank AG thành lập vào ngày 15/01/2008. Quỹ này mô phỏng FTSE Vietnam Index, một trong hai chỉ số do FTSE Group xây dựng từ ngày 26/04/2007; Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) được công ty quản lý đầu tư Van Eck Global thành lập. VNM đầu tư ít nhất 80% tổng tài sản vào các cổ phiếu tạo nên chỉ số Market Vectors Vietnam Index do công ty Asset-management thành lập ngày 24/11/2008….

Tuy nhiên, phải đến năm 2012 cùng với sự ra đời của thông tư 229/2012/TT-BTC thì khung pháp lý cho sự ra đời, hoạt động và phát triển của Quỹ hoán đổi chứng khoán tại Việt Nam mới chính thức được xác lập. Được Bộ Tài chính ban hành vào ngày 27/12/2012, Thông tư 229/2012/TT-BTC bao gồm 5 chương và 28 điều quy định cụ thể về: việc thành lập, quản lý quỹ ETF; hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán, ngân hàng giám sát; nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ... Thông tư 229/2012/TT-BTC có một vai trò vô cùng quan trọng là mở đường cho sự ra đời của các quỹ hoán đổi chứng khoán nội địa, đồng thời tạo cơ sở cho việc xây dựng một loạt các văn bản hướng dẫn cho hoạt động của quỹ ETF tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 229/2012/TT-BTC quỹ ETF là một loại hình quỹ mở, do đó bên cạnh việc tuân theo các quy định của Thông tư 229/2012/TT-BTC thì trong quá trình thành lập và hoạt động của mình các quỹ ETF cũng phải tuân thủ các quy định về quỹ mở nói chung. Cụ thể là các quỹ ETF phải thực hiện theo quy định tại thông tư Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và quản lý quỹ mở ban hành ngày 16/12/2011 được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 15/2016/TT-BTC ban hành ngày 20/1/2016.

Chi phối sự hình thành và hoạt động của các quỹ ETF còn phải kể đến một loạt các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật chứng khoán; Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 26/6/2015 (có bổ sung một số quy định cho phù hợp với hoạt động của quỹ ETF); Thông tư số 155/2015/TT-BTC ban hành ngày 6/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thay thế Thông tư số 52/2012/TT-BTC…

Dựa trên cơ sở các quy định của thông tư 229/2012/TT-BTC và các văn bản pháp luật có liên quan, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quyết định 212/QĐ-VSD ngày 18/12/2015 về việc ban hành Quy chế hoạt động giao dịch hoán đổi, đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, thực hiện quyền đối với chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục kèm theo là nội dung của bản quy chế.

Theo đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sẽ cung cấp những dịch vụ liên quan đến việc phong tỏa danh mục chứng khoán cơ cấu dùng để góp vốn thành lập quỹ của các thành viên lập quỹ, nhà đầu tư; đăng ký chứng chỉ quỹ, lưu ký, thanh toán bù trừ và thực hiện quyền liên quan đến chứng chỉ quỹ ETF niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán; thực hiện hoạt động hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại; cung cấp dịch vụ vay và cho vay chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ ETF trong các giao dịch hoán đổi…

Hiện nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thiện hạ tầng giao dịch và hoàn tất, ban hành Quy chế Tổ chức và quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ ETF (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định số 383/QĐ-SGDHN kèm theo Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ ETF tại Sở GDCK Hà Nội ngày 16/07/2014; Sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 286/QĐ-SGDHCM kèm theo quy chế niêm yết về Quỹ hoán đổi danh mục tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ngày 29/07/2014 ).

Theo đó, chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên hệ thống giao dịch tương tự cổ phiếu niêm yết đối với các quy định về phương thức giao dịch; nguyên tắc khớp lệnh; xác định giá khớp lệnh; xác lập và hủy bỏ giao dịch; lệnh giao dịch; nội dung lệnh giao dịch; nội dung xác nhận kết quả giao dịch; ký hiệu lệnh giao dịch; sửa, hủy lệnh giao dịch; sửa lỗi sau giao dịch; ký quỹ giao dịch; giá tham chiếu…

Như vậy, khung pháp lý cho hoạt động của các Quỹ hoán đổi danh mục tại Việt Nam tương đối đầy đủ, tạo sự thuận lợi không nhỏ cho hoạt động của loại hình quỹ này trên thị trường. Tuy nhiên, do đây là một sản phẩm còn khá mới nên các quy định pháp luật về quỹ ETF cũng chưa được áp dụng nhiều trên thực tế, bản thân các nhà đầu tư Việt Nam cũng chưa thực sự nắm bắt cụ thể về các quy định của pháp luật. Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh và sửa đổi các quy định này cho phù hợp với thực tế là một yêu cầu cấp thiết.

Một số ý kiến hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động của Quỹ ETF

Một là, về chủ thể tính toán và quản lý chỉ số tham chiếu của quỹ ETF. Theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Thông tư 229/2012/TT-BTC: “Chỉ số tham chiếu là chỉ số thị trường đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này do Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam xây dựng và quản lý”. Như vậy có thể thấy, các Sở giao dịch chứng khoán là đơn vị duy nhất được tính toán và quản lý chỉ số làm cơ sở cho Quỹ đầu tư ETF.

Có một số ý kiến cho rằng, việc quy định như vậy là hợp lý vì Sở giao dịch Chứng khoán là chủ thể có đủ chuyên môn và có được cái nhìn tổng quan nhất về thị trường chứng khoán và nên giao cho chủ thể này xây dựng cũng như quản lý chỉ số tham chiếu là hợp lý. Bài viết cũng nhận định, trong giai đoạn đầu xây dựng cơ sở hoạt động của các quỹ ETF việc để Sở giao dịch Chứng khoán là chủ thể duy nhất xây dựng và quản lý chỉ số tham chiếu là phù hợp.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển hoạt động của các quỹ ETF nên bổ sung thêm các chủ thể được xây dựng và quản lý chỉ số tham chiếu, ví dụ như tổ chức nước ngoài đang quản lý các bộ chỉ số tham chiếu của các quỹ ETF quốc tế. Thiết nghĩ, đây cũng là các chủ thể có đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm cũng như uy tín để xây dựng được các bộ chỉ số phù hợp và hấp dẫn với thị trường Việt Nam.

Hai là, nên bổ sung thêm các loại tài sản vào danh mục đầu tư của quỹ ETF để làm tăng tính hấp dẫn và lợi nhuận cho Quỹ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 229/2012/TT-BTC, ngoài việc đầu tư vào các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của chỉ số tham chiếu, các quỹ ETF có thể đầu tư vào các tài sản tài sau:

a) Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật về ngân hàng; công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tiền và đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ tại các ngân hàng thương mại đã được ban đại diện quỹ phê duyệt;

b) Trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; tín phiếu Kho bạc Nhà nước;

c) Cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

d) Chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại các Sở Giao dịch Chứng khoán của Việt Nam. Việc đầu tư vào chứng khoán phái sinh chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu;

e) Các tài sản khác phát sinh từ việc sở hữu các chứng khoán có trong danh mục của quỹ ETF.

So sánh danh mục đầu tư của quỹ ETF với các quỹ mở thông thường có thể thấy, danh mục đầu tư của các quỹ mở thông thường đa dạng hơn so với quỹ ETF. Ví dụ, đối với các quỹ mở thông thường có thể lựa chọn đầu tư vào ngoại tệ hay các cổ phiếu, trái phiếu chuẩn bị niêm yết, chuẩn bị đăng ký giao dịch phát hành (khoản 9 Điều 1 Thông tư 15/2016/NĐCP sửa đổi, bổ sung thông tư 183) tuy nhiên đối với các quỹ ETF điều này lại bị cấm.

Cụ thể là tại khoản 3 Điều 14 Thông tư 229 quy định: d) Không được đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu chưa niêm yết, cổ phiếu chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, trái phiếu phát hành riêng lẻ; trừ trường hợp đó là các tài sản quỹ được hưởng lợi từ các quyền của chủ sở hữu.

Như vậy, theo quy định của Thông tư 229/2012/TT-BTC không cho phép các quỹ ETF được đầu tư vào các chứng khoán chưa niêm yết nhằm đảm bảo tính an toàn của Quỹ, tuy nhiên theo bài viết thì nên bổ sung thêm loại tài sản đó là: “Cổ phiếu, trái phiếu chuẩn bị niêm yết, chuẩn bị đăng ký giao dịch phát hành bởi các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam; trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi tổ chức niêm yết có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc cam kết mua lại của tổ chức phát hành” như trong quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 183/2011/TT-BTC về thành lập và quản lý quỹ mở.

Có thể thấy, đây là những loại chứng khoán chưa niêm yết nhưng đang chuẩn bị niêm yết hoặc đang được chuẩn bị đăng ký phát hành do đó có độ rủi ro không cao, các quỹ có thể lựa chọn đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận.

Ba là, cần xem xét mở rộng cơ chế vay và cho vay trong giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF. Hiện nay, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã xây dựng cơ chế vay và cho vay trong giao dịch hoán đổi chứng chứng chỉ quỹ thông qua việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán tại trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VSD ngày 19/8/2014.

Tuy nhiên, theo quy định tại Quy chế này thì chỉ cho phép thành viên lưu ký tại Trung tâm lưu ký được vay chứng khoán trong trường hợp do sửa lỗi sau giao dịch, dẫn đến tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán và hỗ trợ các tổ chức đủ tiêu chí làm thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn. Ngoài hai trường hợp trên, chưa có bất kỳ trường hợp nào khác được vay và cho vay chứng khoán, trong khi đó đây là một nhu cầu lớn của quỹ ETF. Bởi lẽ, với quỹ hoán đổi danh mục, giao dịch arbitrage là một hoạt động hấp dẫn. Khi giá chứng chỉ quỹ ETF tăng quá giá trị tài sản ròng, lúc này thành viên lập quỹ ngay lập tức mua chứng khoán cơ sở trong danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ ETF để hoán đổi lấy ETF trên thị trường sơ cấp; đồng thời, bán chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá.

Ngược lại, nếu giá của chứng chỉ quỹ ETF thấp hơn giá trị tài sản ròng, thành viên lập quỹ có thể kiếm lợi bằng cách mua chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp và dùng chứng chỉ quỹ ETF để hoán đổi lấy chứng khoán cơ cấu trên thị trường sơ cấp thông qua giao dịch mua lại; đồng thời, bán chứng khoán cơ cấu trên thứ cấp để hưởng chênh lệch giá. Để hoạt động arbitrage diễn ra sôi động thì cần có một cơ chế vay và cho vay chứng khoán thông thoáng hơn, bởi không phải lúc nào thành viên lập quỹ cũng có tiền hay có chứng khoán để thực hiện ngay hoạt động arbitrage. Cần xem xét việc cho phép thành viên lập quỹ được sử dụng tài sản của công ty để vay với mục đích hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF. Có thêm quy định này, sẽ giúp tăng tính thanh khoản và tạo sự thuận lợi cho các giao dịch đối với chứng chỉ quỹ ETF, từ đó đẩy nhanh sự phát triển của các quỹ ETF đặc biệt là các quỹ ETF nội địa.

Bốn là, Bộ Tài chính cần xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực kế toán dành cho quỹ hoán đổi danh mục. Hiện nay thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng cho quỹ hoán đổi danh mục mới chỉ là dự thảo, chưa có các quy định riêng, rõ ràng cho quỹ ETF dẫn đến tình trạng các công ty quản lý quỹ thực hiện việc định giá trị tài sản ròng và hạch toán giao dịch, doanh thu, chi phí, lợi nhuận của quỹ ETF không thống nhất hoặc bị sai. Việc thiếu đi các quy định pháp lý cụ thể liên quan đến hoạt động của quỹ ETF đã tạo ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình hoạt động của quỹ, ảnh hưởng tới việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ này.