Mua bán nợ chéo: Một giả thiết xử lý nợ xấu

Thu Hằng - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Đang có hiện tượng một số ngân hàng mua bán nợ chéo của nhau, thông qua các công ty AMC của chính các ngân hàng ấy. Vốn để mua nợ chéo là vốn "ảo" qua con đường ủy thác đầu tư, mua trái phiếu... Sẽ là thú vị khi phân tích mô hình mua bán nợ chéo giữa các ngân hàng, như là giả thiết cho giải bài toán xử lý nợ xấu!

Giả thiết đặt ra là: nếu có 4 ngân hàng cùng với 4 công ty AMC (ngân hàng sở hữu 100% vốn) hình thành một liên minh thực hiện các hoạt động mua bán nợ, thì sẽ đem lại đáp số nào cho bài toán xử lý nợ xấu?

Có thể hình dung sơ đồ mua bán nợ như sau: mỗi ngân hàng A, B, C, D đều sở hữu và chi phối một công ty AMC - chỉ thực hiện nghiệp vụ chính là thu hồi nợ, hoặc nghiệp vụ định giá tài sản.

Hệ số nhân hiệu quả

Một khoản nợ trị giá 2.000 tỷ đồng của ngân hàng A được giao cho công ty AMC 1 ký hợp đồng bán cho AMC 2 của ngân hàng B với kỳ hạn trung bình là 9 tháng, lãi suất thỏa thuận.
Hết thời hạn này, AMC 2 tiếp tục bán khoản nợ cho AMC 3 của ngân hàng C, sau đó nợ được bán cho AMC 4 của ngân hàng D... Với giá trị khoản nợ, lãi suất, các chi phí khác… được thỏa thuận sao cho tổng giá trị mua bán nợ cuối cùng luôn ngang giá nợ cũ là 2.000 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc vòng quay - qua ít nhất 4 lần mua bán nợ - khoản nợ 2.000 tỷ đồng của ngân hàng A vẫn còn nguyên vẹn. Thời điểm bắt đầu mua nợ là quý IV hàng năm và kết thúc vào quý III năm sau cũng nhằm tránh thời điểm chốt số liệu ngày 31/12 hàng năm.

Khi ấy, nợ xấu của ngân hàng đương nhiên sẽ nằm trong khoản mục "nợ phải thu" của báo cáo tài chính, thay vì nằm trong con số và tỷ lệ nợ xấu. Vòng quay này có thể kéo dài 3 - 4 năm, giúp cho khoản nợ luôn "đẹp" trên sổ sách. Dĩ nhiên, nếu chia nhỏ khoản nợ và áp dụng hệ số nhân, hoàn toàn có thể gia tăng số đầu mối mua bán nợ từ 1 thành 2, 2 thành 4, 4 thành 8...

Mua bán nợ chéo: Một giả thiết xử lý nợ xấu - Ảnh 1

Nếu quả thực các ngân hàng vận dụng cách mua bán nợ chéo giữa các AMC, thì có thể thấy "mạng nhện" này cũng "nhằng nhịt", khó gỡ không thua kém gì sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng.

Hiện nay, nhóm các ngân hàng thương mại như Techcombank, VPbank, VIB… có quy mô tín dụng, đầu tư trái phiếu trên 60.000 - 100.000 tỷ đồng mỗi năm. Số liệu nợ xấu trong kỳ báo cáo gần nhất lại có xu hướng tăng, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận chung.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu 3,77% dư nợ; VPbank là 2,93%, VIB là 2,9% với số tuyệt đối trên 1.500 tỷ đồng. Riêng Maritimebank chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014 nên không rõ chất lượng nợ biến chuyển ra sao.

Tiền mua nợ ở đâu?

Lâu nay, các ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp "dọn dẹp" nợ xấu. Một trong số đó là chọn cách mua bán nợ với ngân hàng khác, thông qua các AMC.

Thực tế, hiện Techcombank có xu hướng đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ, khi chỉ số nợ xấu lên rất cao (quý II/2013: tỷ lệ gần 5,93%). Năm 2012, số tiền phải thu từ các hợp đồng bán nợ lên tới 8.937 tỷ đồng (thanh toán trong 6 - 12 tháng), giảm xuống 7.656 tỷ đồng (cuối 2013, gồm 1.228 tỷ đồng phải thu từ các công ty AMC của ngân hàng khác).

Đến hết quý II/2014, chỉ còn 7.208 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Techcombank cũng tăng mua nợ của các AMC và còn nợ hơn 597 tỷ đồng (giảm so với 668 tỷ đồng cuối 2013).

Khi nợ xấu tăng nhanh thì hoạt động mua bán nợ của VIB cũng được đẩy mạnh thông qua công ty AMC. Năm 2013, công ty VIB-AMC đã tăng mua 4.455 tỷ đồng nợ từ các tổ chức tín dụngnhưng còn thiếu nợ hơn 3.883 tỷ đồng (nợ khoảng 87%, được trả nợ gốc trong 7 - 12 tháng).

Trong khi đó, ngân hàng lại tăng cường bán nợ cho các AMC của ngân hàng khác với số nợ phải thu hơn 4.023 tỷ đồng (trả nợ gốc trong vòng 7-12 tháng). Tính đến cuối quý II/2014, VIB ghi nhận khoản phải thu từ các hợp đồng bán nợ hơn 3.939 tỷ đồng và không còn khoản thiếu nợ 3.883 tỷ đồng.

Tại Maritime Bank, từ năm 2012 - 2013, ngân hàng đã tiến hành bán số nợ rất lớn cho các tổ chức tín dụngkhác, làm phát sinh khoản phải thu lần lượt là 3.242 tỷ đồng và 5.639 tỷ đồng (thời điểm chốt năm)…

Theo một số chuyên gia, hoạt động mua bán nợ giữa các ngân hàng, các AMC thực chất chỉ là luân chuyển nợ trên sổ sách, giữ cho nợ luôn "tươi mới", không thành nợ xấu. Các bên mua nợ cũng có thể thỏa thuận để trả trước dưới 10% giá trị hợp đồng mua nợ, dẫn tới phát sinh các khoản phải thu rất lớn.

Vậy các công ty AMC - với vốn điều lệ ít ỏi chỉ vài chục tỷ đồng, lấy tiền từ đâu để thực hiện mua nợ hàng nghìn tỷ đồng nợ?

Có một số cách để tạo nguồn cho công ty AMC thông qua nhận ủy thác đầu tư từ ngân hàng (trước thời điểm Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 2/5/2012 – siết hoạt động này).

Chẳng hạn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay vốn ngân hàng khác… Tất nhiên, trong đó bao gồm cả vay vốn từ các ngân hàng có tham gia vòng quay mua bán nợ chéo.
Khi ấy, vấn đề chỉ đơn giản là vận dụng của mỗi ngân hàng khi đáp ứng quy định về giới hạn mua trái phiếu, ủy thác đầu tư, xử lý khoản nợ mua lại…