Mua bán nợ xấu: Chọn thỏa thuận hay định giá?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã có danh sách gửi xuống những ngân hàng có khoản nợ buộc phải bán.

 Mua bán nợ xấu: Chọn thỏa thuận hay định giá?
NĐT nước ngoài hiệnđang rất quan tâm đến món nợ xấu tại VAMC.. Nguồn: internet

Xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu sau khi VAMC chính thức ra đời, một số ý kiến đưa ra các quan điểm khác nhau phù hợp điều kiện của từng tổ chức về việc mua bán nợ theo giá thỏa thuận hay định giá tài sản.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần (xin được giấu tên) cho biết, trên thực tế, VAMC đã có danh sách gửi xuống những ngân hàng có khoản nợ buộc phải bán. Hiện nay, gần như các ngân hàng bị bán nợ không dám lên tiếng bởi trước đây chính các ngân hàng này kêu than khó khăn, buộc Chính phủ phải thành lập VAMC. Nay khi VAMC đi vào hoạt động thì không có lý do gì mà ngân hàng được từ chối bán nợ.

Do đó, việc mua bán nợ trên thị trường sắp tới dù còn nhiều vướng mắc nhưng chắc chắn chuyện ngân hàng phải bán nợ cho VAMC là hiện thực. Các ngân hàng này, phần lớn sẽ phải thực hiện việc bán mức giá do VAMC xác định. Chỉ có những món nợ tự nguyện bán thì mới được thỏa thuận giá với VAMC.

Có điều, chuyện tự nguyện bán sẽ ít xảy ra vì những ngân hàng chưa bị VAMC đưa vào danh sách bán nợ hiện đang nỗ lực rà soát lại mọi khoản nợ có khả năng quá hạn để xử lý trước khi bị VAMC tìm tới. Cụ thể, các ngân hàng một mặt cam kết với Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất có thể, mặt khác tìm cách đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp (DN) – là những DN đang có tài sản đảm bảo vay nợ tại ngân hàng.

Theo đó, những DN đang có khoản nợ vay tại ngân hàng, đa số các ngân hàng đều cử nhân sự tham gia vào bộ máy hoạt động của DN để giúp DN tái cơ cấu, quản lý trực tiếp, giúp DN quản trị dòng tiền hiện đang còn tồn đọng. Thậm chí, có trường hợp nhân sự của ngân hàng phải tham gia điều hành trực tiếp tại DN đang hoạt động trên địa bàn.

Điều này vừa giúp DN ổn định sản xuất, vừa giúp ngân hàng có thể kiểm soát chặt DN, không để DN có cơ hội tẩu tán tài sản. Bởi trên thực tế, ngân hàng đã gặp phải trường hợp khi xử lý DN thì không nhận được tài sản nguyên vẹn như thế chấp ban đầu. Dự kiến, sắp tới mô hình này sẽ được nhân rộng, bởi ngân hàng đang cố gắng bảo vệ lợi ích của mình, và cũng là của khách hàng khi VAMC tham gia quá trình xử lý nợ xấu.

Với mục đích truyền tải những tâm tư của “người trong cuộc”, chúng tôi trích đăng ý kiến của lãnh đạo một số ngân hàng khi VAMC bắt đầu triển khai hoạt động.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ - Tổng Giám đốc Nam A Bank:

Định giá thế nào khi thị trường đóng băng

Đối với nợ xấu, hiện nay các ngân hàng cố gắng tự thân vận động và tự xử lý trước khi nghĩ đến chuyện bán lại nợ xấu cho VAMC. Nói như thế vì việc bán nợ lại cho VAMC dù là công cụ tốt nhưng một chính sách nào cũng mang tính hai mặt. Mặt tốt đây là công cụ duy nhất có thể giải quyết được “cục nợ” xấu trên thị trường. Tuy nhiên, công cụ này khi đi vào thực tế thì vướng rất nhiều vấn đề, đặc biệt là cách định giá.

Khó khăn chưa tháo gỡ của ngân hàng hiện nay là hàng tồn kho nhiều và cho vay tín chấp trước đó. Tài sản đảm bảo thường là tài sản bất động sản. Nay thị trường bất động sản đóng băng thì việc định giá như thế nào hợp lý là vấn đề cần giải quyết. Nếu định giá quá chặt thì cả DN và ngân hàng đều chịu thiệt, nếu định giá thoáng thì Chính phủ chịu thiệt.

Ví dụ, một DN vay 50 tỷ đồng tại Ngân hàng A, tài sản đảm bảo là bất động sản thời điểm đó giá trị tài sản là 100 tỷ đồng. Nay thị trường bất động sản đóng băng, VAMC định giá món chỉ khoảng 60 tỷ đồng, bao gồm tài sản đảm bảo. Sau đó, VAMC có quyền đấu giá bán lại khoản nợ trên cho nhà đầu tư (NĐT) khác. Điều này sẽ thiệt thòi cho cả ngân hàng A và DN đó. Vậy, chỉ khi nào giải quyết được cách định giá hợp lý thì việc mua bán nợ mới diễn ra suôn sẻ được.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank:

NĐT nước ngoài phải được sở hữu nợ

Hiện nay, NĐT nước ngoài đang rất quan tâm đến món nợ xấu tại VAMC. Do đó, tôi cho rằng việc bán nợ cho nước ngoài là nên làm, vì họ dồi dào tài chính. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn rất nhiều vướng mắc từ thủ tục, đến tài sản nợ, thậm chí thỏa thuận theo giá nào cũng đang là vấn đề lớn giữa bên mua và bên bán. Vậy, muốn bán được tài sản nợ cho NĐT nước ngoài thì chúng ta phải mở một số cơ chế, như cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, sở hữu nợ và xử lý nợ như một công ty mua bán nợ Việt Nam.

Cụ thể hơn, chúng ta phải thay đổi được khung pháp lý để cho người mua nợ có thể thanh lý được nợ, nhất là những tài sản đảm bảo là bất động sản. Nhà đầu tư nước ngoài họ cần những khoản nợ minh bạch, họ không quan tâm nhiều đến sự mất giá của giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản. Điều họ quan tâm đối với khoản nợ là không có sở hữu chồng chéo đối với tài sản đảm bảo. Không chỉ các NĐT nước ngoài, kể cả NĐT trong nước họ cũng đang rất quan tâm đến những món nợ xấu có khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, chúng ta hay gặp phải những trường hợp kiểu ngân hàng này mua hộ nợ cho ngân hàng kia theo giá thỏa thuận, mục đích che giấu nợ xấu của nhau rồi công bố bản thành tích. Trường hợp này đã từng xảy ra trên thị trường tài chính trong nước. Theo đó, nếu muốn bán được nợ thì bắt buộc phải minh bạch. Hơn nữa, việc định giá phải được một tổ chức độc lập định giá khách quan.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso):

Tạo kênh dữ liệu “chào” bán nợ xấu

Sau khi nhận được nội dung quy định về hoạt động của VAMC, tôi rất muốn mua các tài sản nợ xấu nhưng cho đến hiện nay vẫn không có thông tin và không biết phải tìm kiếm thông tin nợ xấu ở chỗ nào. Theo tôi nhà nước cần xây dựng một kho dữ liệu để tạo ra một kênh thông tin mọi thành phần kinh tế trong xã hội, có nhu cầu mua nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đều có thể tiếp cận được. Khi đó, từ cá nhân, đến tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có thể tham gia giải quyết nợ xấu với nhà nước chứ không riêng một ai tự giải quyết có thể nó sẽ khó khăn hơn.

Theo quan sát của tôi thì hiện có nhiều DN trong nước có đủ tiềm lực tài chính và khả năng mua lại những khoản nợ xấu. Bởi bản thân những khoản nợ, xấu đối với người này nhưng có thể lại là cơ hội đối với người khác. Theo đó cần tạo ra một thị trường cho giao dịch nợ xấu để tạo tính thanh khoản cho những khoản tài sản thế chấp đã rơi vào nợ không thể thu hồi.