Mua sắm tài sản tập trung: Tiết kiệm, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đã gần 5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, đến nay việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo phương thức tập trung đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động mua sắm công. Song, để được chính thức thực hiện, hình thức mua sắm này còn phải vượt qua nhiều khó khăn.

 Mua sắm tài sản tập trung: Tiết kiệm, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí
Việc mua sắm tập trung cũng đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nguồn: internet
Giảm chi, đảm bảo thống nhất

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả lớn nhất cần ghi nhận của việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ NSNN theo phương thức tập trung tiết kiệm tối đa nguồn NSNN. 

Nhìn rộng hơn, hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản.

Việc tập trung đầu mối thực hiện mua sắm, tổ chức mua sắm với khối lượng tài sản lớn thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước.

Tổng hợp báo cáo trong 5 năm thực hiện thí điểm tại 23 bộ, ngành, địa phương, số tiền chênh lệch giữa số dự toán và số thực tế mua sắm là hơn 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng). Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung thì kết quả này không dừng lại ở con số 467 tỷ đồng mà còn cao hơn rất nhiều.

Việc mua sắm tập trung cũng đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Y tế, Giáo dục; góp phần hạn chế tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả...

Đồng thời, do mua sắm tập trung nên các bộ, ngành Trung ương và địa phương có nhiều thời gian cho công tác chuyên môn hơn cũng như có điều kiện rà soát, thực hiện sắp xếp, điều chuyển, sử dụng có hiệu quả tài sản trong quá trình quản lý, sử dụng.

Còn e ngại

Hiệu quả của việc mua sắm tập trung đã rõ nhưng chỉ với 23 bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia thể hiện nhận thức của các cấp, các ngành về phương thức mua sắm tập trung với vị trí là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính, tài sản công chưa đầy đủ; còn có tâm lý e ngại, chưa chủ động và tích cực khi áp dụng phương thức này. Nhiều bộ, ngành, địa phương có số lượng tài sản mua sắm lớn chưa tham gia vào quá trình thí điểm.

Ngay trong việc áp dụng của các đơn vị thí điểm, mức độ triển khai cũng chưa đồng đều, có đơn vị triển khai được nhiều như Bộ Tài chính (Tổng cục thuế; Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước,...); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các tỉnh Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá... nhưng cũng có đơn vị chưa triển khai hoặc triển khai chưa nhiều trong tổng số tài sản thực hiện mua sắm hàng năm.

Một tồn tại lớn đang được Bộ Tài chính tập trung tìm giải pháp khắc phục là việc tổ chức mua sắm và đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hoá. Do có sự đa dạng về chủng loại thiết bị nên Hội đồng đấu thầu đòi hỏi phải có nhiều chuyên gia am hiểu về chuyên môn và kỹ thuật của thiết bị. Quy định các thành viên của Hội đồng chấm thầu phải có Chứng chỉ đấu thầu nên việc mời chuyên gia am hiểu về chuyên môn và kỹ thuật của thiết bị tham gia Hội đồng đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu với những tài sản là phương tiện như ô tô, xe máy, trang thiết bị chuyên dùng đặc dụng gặp khó khăn trong xây dựng giá gói thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vì các loại tài sản này đã đăng ký giá với cơ quan Nhà nước hoặc chỉ có số ít sản phẩm cung cấp trên thị trường.

Về nguồn vốn mua sắm và giao dự toán mua sắm, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, các đơn vị sử dụng ngân sách hầu hết đã thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí. Trong quá trình tổ chức thực hiện đơn vị hành chính nhà nước sẽ có nguồn tiết kiệm chi dùng vào việc mua sắm, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu, nguồn tiết kiệm, nguồn qũy phát triển sự nghiệp,... dùng để mua sắm, nên việc quy định mua sắm tập trung rất khó khăn trong thanh toán.

Ngoài ra, việc bảo quản, nghiệm thu, bàn giao tài sản sau khi mua sắm gặp khó khăn do nhiều đơn vị ở xa địa điểm giao nhận; vấn đề bảo hành, bảo trì, sửa chữa còn chưa kịp thời do nhiều nhà cung cấp chỉ có trung tâm hỗ trợ dịch vụ khách hàng tại các địa bàn lớn; việc theo dõi tiến độ thực hiện các hợp đồng trong mua sắm chưa được quan tâm đúng mức, chưa tổng kết, đánh giá, phân loại nhà cung cấp tốt, xấu để cảnh báo cho các lần mua sắm tiếp theo...

Trong khi tình hình thu NSNN đang gặp nhiều khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu công trở thành yêu cầu cấp thiết, phương thức mua sắm tập trung được triển khai chính thức một cách đồng bộ có thể coi là một trong những giải pháp hiệu quả để tiết kiệm ngân sách và ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.