Thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách giai đoạn 2011-2013

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 cho thấy, nhiệm vụ tài chính - ngân sách giai đoạn này là hết sức nặng nề. Chính sách tài khóa phải đồng thời thực hiện mục tiêu huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển bền vững với mức tăng trưởng hợp lý, vừa phải giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Trước những định hướng chính sách trên, tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2011 - 2013 có những điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, thực hiện chính sách thu theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu NSNN. Cụ thể, thực hiện miễn, giảm hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các khoản thu ngân sách (thuế môn bài, tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường…) cho từng đối tượng doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất cụ thể nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng về nghĩa vụ tài chính trước mắt của DN đối với Nhà nước cũng như gánh nặng về chi phí sản xuất kinh doanh của DN, tạo điều kiện để DN hạ giá thành và tiêu thụ được sản phẩm, thúc đẩy DN phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách thuế, phí và chế độ thu phù hợp với tình tình thực tế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, chống thất thu thuế cũng được tăng cường, đặc biệt là đối với hàng hóa biên mậu, các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản…; Các biện pháp khác cũng được triển khai là xử lý kịp thời vi phạm, gian lận, trốn thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới; thu NSNN kịp thời các khoản thu theo kết luận của thanh tra; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thủ tục kê khai trong lĩnh vực Thuế và Hải quan, tăng cường sự liên kết giữa các cơ quan thu ngân sách với hệ thống ngân hàng nhằm giảm thiểu thời gian kê khai, nộp thuế cho DN, tăng hiệu quả quản lý thu ngân sách.

Thứ hai, đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Xem xét mức độ động viên ngân sách trong 3 năm gần đây có thể thấy rằng mức độ động viên ngân sách có xu hướng giảm. Tổng thu NSNN năm 2011 đạt 721.804 tỷ đồng, bằng 26% GDP; thu NSNN năm 2012 ước đạt 743.190 tỷ đồng, bằng 22,9% GDP; thu NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, bằng 20,4% GDP. Bình quân ba năm 2011-2013, thu NSNN ước đạt 22,8% GDP; thu từ thuế và phí đạt khoảng 21,1% GDP, thấp hơn so với tỷ lệ huy động bình quân giai đoạn 2001-2010 với thu NSNN đạt 26,6% GDP; thu từ thuế và phí đạt 24,2% GDP. Đây cũng là xu hướng phù hợp với Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 yêu cầu giảm dần tỷ lệ động viên vào NSNN so với GDP.

Xét về cơ cấu thu ngân sách, thu nội địa chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN và có xu hướng tăng. Thu NSNN từ các sắc thuế gắn trực tiếp với sản xuất, kinh doanh trong nước như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT trong tổng thu NSNN ngày càng tăng. Nhờ đó, thu nội địa (không kể dầu thô) trong tổng thu NSNN đã tăng từ 50,7% năm 2001 lên 61,5% năm 2011, ước đạt 62,9% năm 2012 và 66,3% năm 2013. Điều này, cho thấy tác động hiệu quả của chính sách thu đến tháo gỡ khó khăn cho DN.

Mục tiêu kép cho giai đoạn 2011-2015 - Ảnh 1

Thứ ba, điều hành chính sách chi tiết kiệm, linh hoạt, hiệu quả. Hoạt động chi ngân sách trên cơ sở tiết kiệm chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ chi đầu tư từ NSNN nhưng vẫn có tính linh động. Tái cơ cấu chi NSNN được thực hiện, bảo đảm chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch trên cơ sở rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách chi NSNN; xây dựng tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên chi NSNN; hoàn thiện chính sách chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước; ưu tiên đảm bảo các chính sách chế độ đã ban hành cho con người, chi an sinh xã hội, chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thông tin, y tế, bảo vệ môi trường; đảm bảo chi cho quốc phòng an ninh; đảm bảo chi cho đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, chống thất thoát, lãng phí...

Thứ tư, NSNN vẫn đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi đầy đủ, kịp thời (chi an sinh xã hội, chi điều chỉnh tăng lương tới thiểu). Chi NSNN năm 2011 đạt 787.554 tỷ đồng, khoảng 28,3% GDP, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; năm 2012 ước đạt 905.790 tỷ đồng, khoảng 27,9% GDP, tăng 15%; năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, khoảng 26,7%, tăng 8,9%. Quy mô chi NSNN so với GDP cũng như tốc độ tăng chi NSNN trong giai đoạn năm 2011- 2013 có xu hướng giảm thể hiện hiệu quả của việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ.

Thứ năm, đảm bảo thực hiện cân đối NSNN theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Công tác thu, quản lý thu, tránh thất thu ngân sách được tăng cường, kết hợp với chính sách chi tiết kiệm hiệu quả. Mức bội chi NSNN năm 2011 và 2012 vẫn giữ được mục tiêu Quốc hội quyết định dự toán. Bội chi NSNN năm 2011 đạt 112.034 tỷ đồng, bằng 4% GDP; năm 2012 ước khoảng 140.200 tỷ đồng, bằng 4,3% GDP. Riêng năm 2013, do dư địa của chính sách tài khóa không còn rộng, tình hình thu NSNN khó khăn, hoạt động sản xuất của DN chưa phục hồi nên mức bội chi NSNN năm 2013 được điều chỉnh từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP (GDP ước thực tế) khoảng 195.500 tỷ đồng.

Hiệu quả quản lý nợ công, nợ quốc gia đã được nâng cao thông qua việc rà soát, hoàn thiện các quy định chắt chẽ các khoản nợ để đảm bảo ở mức giới hạn an toàn, giảm thiểu phát sinh nghĩa vụ nợ rủi ro. Dư nợ công năm 2011 là 54,9% GDP; năm 2012 là 55,7% GDP; năm 2013 khoảng 56,2% GDP, vẫn ở ngưỡng an toàn dưới 65% GDP.

Vấn đề đặt ra

Từ thực tế tình hình thu, chi NSNN 2011-2013, có một số vấn đề đáng lưu ý sau đây:

Một là, áp lực đảm bảo thu NSNN lớn, tính bền vững của các khoản thu chưa cao. Xem xét mức độ động viên ngân sách cho thấy xu hướng giảm từ 26% GDP năm 2011 xuống 20,4% GDP năm 2013, đồng thời, tốc độ tăng thu NSNN những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh cho thấy khả năng huy động NSNN trên GDP dự kiến 2 năm 2014 - 2015 khó đạt được mục tiêu 23-24%. Trong khi đó, chi NSNN so với GDP đã có xu hướng giảm nhưng vẫn giữ ở mức cao trên 26% giai đoạn 2011-2013. Đây là vấn đề đáng lưu ý bởi ngân sách chịu cả áp lực về thu nhằm đảm bảo nhiệm vụ chi tương đối cao.

Tuy tỷ trọng của các khoản thu từ sản xuất trong thu NSNN có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ khoản thu “không thường xuyên” vẫn còn cao (dầu thô, giao quyền sử dụng đất, bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước), chiếm khoảng ¼ tổng thu NSNN. Điều đó chứng tỏ độ bền vững của thu NSNN chưa cao.

Hai là, áp lực chi NSNN gia tăng, chính sách chi NSNN vẫn còn phân tán, gây lãng phí nguồn lực. Xét về cơ cấu chi NSNN, trong ba khoản chi lớn là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, viện trợ thì chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng tăng lên qua các năm.

Mục tiêu kép cho giai đoạn 2011-2015 - Ảnh 2
Áp lực tăng chi NSNN để thực hiện các chính sách chi an sinh xã hội đang có xu hướng mở rộng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn trong năm 2012-2013 và có xu hướng tiếp tục phải thực hiện vào năm 2014-2015. Năm 2011, chi thường xuyên khoảng 59,3% tổng chi đã tăng lên 69,8% năm 2013, trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư từ NSNN có xu hướng giảm từ 26,4% năm 2011 xuống 20,4% năm 2013. Tỷ trọng này có tác động nhất định đến đầu tư toàn xã hội, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu đầu tư công cũng như tái cơ cấu nền kinh tế.

Ba là, mức bội chi bình quân giai đoạn 2011-2013 là 4,6%, với xu hướng thu NSNN vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn trong giai đoạn tới cũng như áp lực chi NSNN mở rộng thì việc đảm bảo đạt được mức bội chi NSNN dưới 4,5% GDP vào năm 2015 sẽ là một thách thức không nhỏ.

Bốn là, kỷ luật tài khóa thấp, đặc biệt, tình trạng chi NSNN vượt dự toán còn xảy ra phổ biến ở nhiều bộ, ngành và địa phương cũng như trong từng đơn vị ngân sách. Đồng thời, vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương hiện vẫn là vấn đề nổi cộm.

Các đề xuất chính sách tài khóa năm 2014-2015

Căn cứ tình hình thực hiện tài chính – ngân sách 3 năm đầu kế hoạch 5 năm 2011-2013 và định hướng kế hoạch kinh tế - xã hội cho 2 năm cuối của kế hoạch, chính sách tài khóa 2014-2015 cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó tạo nguồn thu ngân sách; hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và thu NSNN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh, nhất là thủ tục về thuế và hải quan.

Hai là, tăng cường chỉ đạo công tác thu NSNN, chống thất thu, gian lận thuế, giảm các khoản nợ đọng thuế.

Ba là, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng đảm bảo chi cho con người, ưu tiên chi an sinh xã hội; bố trí chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công, ưu tiên bố trí đảm bảo đủ chi trả nợ nước ngoài (cả gốc lẫn lãi), một phần chi trả nợ trong nước và kết hợp với phát hành đảo nợ (tăng cường bền vững nợ công).

Bốn là, tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và tín dụng ưu đãi. Xác định lộ trình và thứ tự ưu tiên hợp lý để xử ký nợ đọng xây dựng cơ bản, theo Chỉ thị 27/CT-TTg và Chỉ thị 14/CT-TTg. Rà soát lại các chương trình, dự án đầu tư để xác định thứ tự ưu tiên, đảm bảo nguồn lực giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những dự án quan trọng, cấp bách, những dự án có thể hoàn thành sớm

Năm là, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, tăng quyền chủ động thực hiện, sử dụng NSNN của địa phương, tăng tính tự chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý chương trình.

Sáu là, rà soát lại tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo hướng thu gọn các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên cho phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Bảy là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập về cả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công và nguồn lực phát triển sự nghiệp công.

Tám là, thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô, tăng cường sự liên thông, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc ổn định nền kinh tế; Nâng cao chất lượng công tác điều hành dự báo vĩ mô.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách hàng tháng của Bộ Tài chính;

2. Báo cáo số 183/BC-CP ngày 09/05/2013 của Chính phủ trình Quốc hội về “Quyết toán NSNN năm 2011”;

3. Báo cáo số 197/BC-CP ngày 18/05/2013 của Chính phủ trình Quốc hội về “Đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện NSNN năm 2012, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2013”;

4. Báo cáo số 428/BC-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ trình Quốc hội về “Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2013 và dự toán NSNN năm 2014”;

5. “Số liệu công khai ngân sách”: http://mof.gov.vn/portal/page/portal/ mof_vn/1351583.

Mục tiêu kép cho giai đoạn 2011-2015

TS. LÊ QUANG THUẬN - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

(Tài chính) Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2011 - 2015 là hết sức nặng nề, đặt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; chính sách thu liên tục được điều chỉnh theo hướng giảm mức huy động; nhu cầu chi ngân sách, nhất là chi đảm bảo an sinh xã hội có xu hướng tăng cao....

Xem thêm

Video nổi bật