Muốn tăng trưởng ổn định, phải giải quyết được nợ xấu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Tại họp báo cập nhật Báo cáo Phát triển châu Á 2013 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 2/10, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...

Muốn tăng trưởng ổn định, phải giải quyết được nợ xấu
Hạ lãi suất tiếp tục được thực hiện mà không kèm xử lý nợ xấu có thể gây ra bất ổn. Nguồn: internet

Tuy nhiên, theo ông Tomoyuki Kimura, quản lý nợ xấu chỉ có thể đạt được với sự hợp tác mạnh mẽ liên bộ, liên ngành, và thành công của VAMC phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của NHNN.

Tạo điều kiện hạ thấp lãi suất...

Về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013, ADB vẫn giữ nguyên dự báo hồi tháng 4 là 5,2%, và nhận định những tiến bộ dần dần đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% trong năm tới.

Mặc dù lãi suất chính sách đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi các bản cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng thương mại, những mối quan ngại về tình hình tài chính của khách hàng vay, thị trường bất động sản èo uột và cầu tín dụng thấp. ADB cho rằng đạt được tiến bộ trong xử lý nợ xấu sẽ cho phép tiếp tục hạ thấp lãi suất và tăng thêm nguồn vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Việc Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo liên ngành nhằm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng sẽ hỗ trợ cho quá trình này. Giải quyết được vấn đề nợ xấu sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định mà không làm gia tăng lạm phát.

Dự báo về lạm phát trong báo cáo của ADB được điều chỉnh giảm xuống còn 6,5% trong năm 2013, do lạm phát giá lương thực đã giảm nhanh hơn dự kiến. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên khoảng 7,2% trong năm 2014, do chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn vốn khả dụng tăng.

Ông Tomoyuki Kimura khẳng định: "Những tiến bộ dần dần trong việc xử lý nợ xấu sẽ cải thiện được lòng tin của doanh nghiệp (DN). Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP".

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nhận định nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và DNNN, thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài, dưới mức 7 - 8% đã trải qua trong giai đoạn 2002 - 2007.

Muốn tăng trưởng ổn định, phải giải quyết được nợ xấu - Ảnh 1

Mặc dù đánh giá cao những bước đi tích cực của NHNN trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập VAMC, nhưng ADB cũng nêu rõ hiện tại quy mô cũng như cách thức xử lý nợ xấu của Việt Nam chưa hoàn toàn rõ ràng.

Theo báo cáo của ADB, các tổ chức tín dụng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,5% trên tổng số cho vay trong 6 tháng đầu năm nay, so với 4,1% hồi cuối năm ngoái. NHNN ước tính tỷ lệ nợ xấu vào tháng 2/2013 là 6% dựa trên kết quả của hệ thống giám sát gián tiếp đối với ngân hàng thương mại, nhưng các nhà phân tích độc lập lại cho rằng con số thực tế phải cao hơn từ 3 - 4 lần nếu áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán và trích lập dự phòng.

Cải thiện khuôn khổ pháp lý

Ông Dominic Mellor - Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nói rằng nguồn vốn của VAMC có đủ khả năng xử lý nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Theo ông Mellor, nếu ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, việc chuyển nợ xấu này sang VAMC cũng đồng thời với việc chuyển tài sản thế chấp. Với tài sản là đất, bất động sản thì liên quan đến Luật Đất đai: "Nếu một DN phá sản thì đất phải trả lại cho Nhà nước chứ không phải tài sản thế chấp. Câu hỏi đặt ra là Luật Đất đai đang được sửa đổi có được xử lý vấn đề này không?". Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề, như: việc chuyển tài sản bảo đảm sang cho VAMC; cơ chế định giá các khoản nợ xấu sẽ được thực hiện thế nào khi chưa có các hành lang pháp lý rõ ràng…

"Khi bán nợ xấu sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu không biết rõ giá tài sản được bán so với giá thị trường như thế nào thì sẽ không ai đủ can đảm để mua nợ xấu này", ông Mellor nói.

Ông Mellor cũng khuyến cáo nếu việc hạ lãi suất tiếp tục được thực hiện mà không kèm xử lý nợ xấu có thể gây ra bất ổn: "NHNN cần phải rất thận trọng với các bước đi của mình. Chỉ có thể hạ lãi suất đi cùng xử lý nợ xấu mới là cách đi lâu dài, ổn định, bảo đảm đạt được kết quả tích cực dài hạn".

ADB nhận xét cốt lõi của việc giải quyết nợ xấu liên quan đến khối DNNN. Theo ông Mellor, điều đáng tiếc là Việt Nam chưa đạt được tiến độ cần thiết trong việc tái cơ cấu DNNN…

Theo ông Tomoyuki Kimura, việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.

Ông Tomoyuki Kimura nhận định chỉ riêng Bộ Tài chính không thể giải quyết được việc tái cơ cấu và riêng NHNN cũng không thể giải quyết được nợ xấu. Vì vậy, khi giải quyết tái cơ cấu DNNN, giải quyết tài sản của DN, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ ngành khác, và cũng cần có thêm hành lang pháp lý để xử lý khối tài sản đó…