Năm 2013: Kinh tế tăng trưởng nhờ đột phá chính sách

Theo Thời báo Ngân hàng

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải thành lập công ty mua bán nợ xử lý nợ xấu. Khi nợ xấu được xử lý, ngân hàng mới dám đẩy vốn ra và doanh nghiệp (DN) mới có cơ hội được tiếp vốn. Trước mắt, cần tập trung xử lý nợ xấu đối với những ngành, lĩnh vực có nợ tồn đọng cao...

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank chia sẻ với Thời báo Ngân hàng. Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng Việt Nam cũng rất cần nới lỏng định lượng (QE) như nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện để kích thích kinh tế phát triển.

Nhận định của ông về tình hình tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2013?

Năm 2013: Kinh tế tăng trưởng nhờ đột phá chính sách - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank
Theo tôi, tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 sẽ chật vật nếu không có những giải pháp đột phá từ chính sách. Năm 2013 cần phải thành lập công ty mua bán nợ xử lý nợ xấu (VAMC). Khi nợ xấu được xử lý, ngân hàng mới dám đẩy vốn và doanh nghiệp có mới cơ hội được tiếp vốn. Thời kỳ hậu khủng hoảng, việc thành lập Công ty mua bán nợ không phải giải pháp mới, Nhật Bản và Thụy Điển đã cứu nền kinh tế từ mô hình này.

Ở góc độ Việt Nam thì nên mua tài sản tồn đọng (xử lý nợ tương lai), nếu có bảo lãnh của Công ty mua bán nợ thì việc cho vay của ngân hàng với doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn.

Cơ sở nào để ông đưa ra đề xuất trên?

Có một thực tế hiện nay là từ một số ngân hàng thương mại Nhà nước đến các ngân hàng thương mại cổ phần đều đang rất cảnh giác với các món vay. Bởi họ lo ngại rằng có thể ngày hôm nay món nợ này là tốt, nhưng ngày mai có thể xấu. Trong khi những món nợ xấu hiện tại vẫn chưa thể giải quyết được. Và các ngân hàng mà cụ thể là cán bộ tín dụng đều dè chừng trong giải ngân vốn. Do đó, thời điểm này rất cần một nơi đảm bảo mua “món nợ” trong tương lai.

Ý ông là VAMC cần thêm cơ chế “riêng”?

Đúng như vậy. Việc bổ sung thêm cơ chế mua nợ tương lai cũng là giải pháp giúp cho ngân sách không phải chi tiêu nhiều cho công ty này. Và để giảm áp lực về vốn, có thể tạo cơ chế cho VAMC sử dụng một phần nguồn tiền nhàn rỗi từ các ngân hàng thương mại gửi tại Ngân hàng Nhà nước và vốn góp của các ngân hàng thương mại vào công ty này.

Có thể có ý kiến lo ngại là các ngân hàng lớn sẽ không mặn mà với việc góp vốn này. Nhưng giai đoạn này khái niệm ngân hàng to hay nhỏ hay nhà giàu với nhà nghèo không còn quá quan trọng. Bởi trong bối cảnh khủng hoảng các ngân hàng cần phải dựa vào nhau để mà sống.

Hơn thế, nếu ngân hàng bỏ ra lượng tiền để mua món nợ đấy có thể sẽ ít thiệt hại hơn là huy động vốn để đấy trả lãi suất cao cho người gửi tiền trong khi lại không cho vay mở rộng kinh doanh phát triển.

Tất nhiên với số nợ lớn như vậy thì không thể thiếu bàn tay của Chính phủ thông qua việc mua giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc… và bơm tiền cho tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo tôi, đây được coi là “gói” kích cầu hay có thể coi là gói QE của Mỹ trong năm 2013.

Tại sao ông lại cho rằng Việt Nam cần có gói QE?

Bởi, đây là giải pháp cấp bách để kích thích khôi phục kinh tế sau khi việc lãi suất giảm gần như “hết cỡ” mà hiệu quả vẫn chưa tương xứng. Có thể có người lo ngại là việc bơm tiền như vậy sẽ tạo áp lực lạm phát.

Đúng là khả năng lạm phát quay lại vẫn có. Nhưng những tháng đầu năm 2013 lạm phát của Việt Nam vẫn cần cao hơn để kích thích kinh tế. Bởi kinh tế Việt Nam đang mấp mé giữa lạm phát và giảm phát. Và tôi lưu ý, nếu tiếp tục một năm giảm phát nữa thì áp lực khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Do đó, phải đặt vấn đề lạm phát và giảm phát lên bàn cân xem thời điểm này đâu là giải pháp cần phải ưu tiên.

Theo tôi, vốn kích cầu đối với Việt Nam tập trung vào 3 nguồn chính, đó là: cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cơ chế đột phá hiệu quả nhất về phát triển kinh tế và quản lý xã hội, kích cầu là: cho phép người Việt Nam vào casino); xử lý và khai thác tài sản tồn đọng liên quan đến nợ xấu mà cụ thể là khẩn trương thành lập VAMC để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau được dễ dàng hơn; và thứ ba là “khoan sức dân” vì đặc thù của Việt Nam nguồn tiền trôi nổi ngoài lưu thông còn rất lớn do các nhà đầu cơ và dân cư tích trữ để dành theo hình thức “bỏ tiền trong ống”.

Đặt giả thiết VAMC sẽ được hoạt động, nhưng hiện con số nợ xấu dàn trải ở các địa phương cũng như các ngành nghề lĩnh vực. Theo ông xử lý nợ xấu nên bắt đầu từ đâu?

Tôi cho rằng, sau khi xác định số vốn dành cho công ty này là bao nhiêu, bước tiếp theo sẽ lên phương án đưa vào đâu trước, từ đó mới xem xét nên “cứu” ngành nào trước, chỉ cần cứu một vài điển hình lớn thì tức khắc có hiệu ứng cho cả nền kinh tế. Có thể nói, hiện các khoản nợ xấu “nằm” chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nên cần làm “điểm” ở hai địa phương này.

Còn đối với ngành nên ưu tiên đưa vốn vào bất động sản. Bởi không chỉ nợ xấu nằm nhiều ở lĩnh vực này mà nếu cứu bất động sản sẽ giải quyết được việc tồn kho vật liệu xây dựng, tạo thêm việc làm, kích cầu thị trường. Nhưng tôi cho rằng, để ngân hàng đưa tiền ra thì cần nhiều giải pháp, trước hết tôn trọng quy luật thị trường theo định hướng thực tiễn của Việt Nam. Theo quy luật thị trường, khó khăn của người này có thể là cơ hội của người khác. Điều quan trọng là chúng ta chọn “điểm rơi” cho tốt, chứ không nên mãi là “người đến sau”.

Trong khi chờ đợi “gói QE”, theo ông có nên tiếp tục hạ lãi suất để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn?

Với mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn có thể giảm tiếp. Tuy nhiên việc hạ lãi suất không dễ khi Thủ tướng giao nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước phải giữ lạm phát ổn định. Do đó, về tổng thể, nếu không có gói QE thì lãi suất trung - dài hạn sẽ không thể giảm được. Vì thế chúng ta cần xác định mục tiêu là gì, phương tiện thế nào để thông qua ngân hàng giải quyết những khó khăn cho nền kinh tế. Trước mắt, trong điều kiện chưa hạ lãi suất thì các ngân hàng vẫn nên dành vốn cho những khách hàng tốt.

Như tại LienVietPostBank, chúng tôi vẫn đẩy mạnh cho vay nông ngiệp nông thôn, đây là đối tượng khách hàng ổn định và chất lượng tín dụng tốt. Năm 2013 LienVietPostBank sẽ tăng gấp đôi tín dụng và cũng sẽ xem xét nới điều kiện cho vay với đối tượng khách hàng này.

Xin cảm ơn ông!