Năm 2014: Đầu tư vào đâu để sinh lợi?

Thu Huyền

(Tài chính) Năm 2014, trong khi sức hấp dẫn của vàng vẫn chưa cao, thị trường bất động sản dự đoán vẫn còn trầm lắng thì chứng khoán lại được coi là kênh đầu tư chiếm ưu thế và được rất nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.

Việc lựa chọn một phương thức đầu tư vào thời điểm cuối năm đang là câu hỏi đặt ra với nhiều người. Nguồn: internet
Việc lựa chọn một phương thức đầu tư vào thời điểm cuối năm đang là câu hỏi đặt ra với nhiều người. Nguồn: internet

Chứng khoán: Hấp dẫn

Trong đầu tháng 12/2013, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tương đối khả quan khi chỉ số VN-Index vươn lên 510 điểm. Dòng tiền vẫn được luân chuyển đều đặn theo phân lớp cổ phiếu theo nhóm ngành. Giá trị giao dịch được cải thiện qua từng ngày khi từ mức 1.000 tỉ đồng/ ngày đã lên 1.500 tỉ đồng/ngày và có phiên đạt hơn 2.000 tỉ đồng/ngày. Điều này cho thấy chứng khoán đang là kênh đầu tư đáng được lựa chọn nhất trong bối cảnh hiện tại.

Bước sang năm 2014, khi mà các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi và triển khai thì kênh chứng khoán và có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý và tài sản các thị trường này có cơ hội tăng giá do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên.

Tuy nhiên, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng cần cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro. “Nếu chúng ta cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh tiết kiệm có thể vẫn là kênh lựa chọn của phần đông. Nếu bạn thực sự là người muốn tìm kiếm các cơ hội sinh lời tốt hơn thì hai kênh này là phù hợp nhưng tôi ưa thích kênh chứng khoán hơn vì kênh này có mức thanh khoản cao hơn”, ông Hào nói.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nếu người dân có nhiều tiền thì nên để một phần ở ngân hàng, một phần đầu tư chứng khoán, vì nếu kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư chứng khoán, lãi suất cũng tăng, đó cũng là cơ hội để bảo toàn vốn. “Vấn đề là bạn phải biết cách để đầu tư chứng khoán có hiệu quả”, ông Nghĩa nói.

Gửi tiết kiệm: An toàn

Kể từ năm 2008, lãi suất ngân hàng tăng vọt do Nhà nước áp dụng một số chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát thì doanh nghiệp, người dân đổ xô đi gửi tiền vào ngân hàng.

Về nguyên tắc, đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng bởi vì người ta cho rằng, đồng tiền đó để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi. Tất nhiên, đầu tư vào các lĩnh vực khác bao giờ cũng được lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng nhưng lại đối mặt với không ít rủi ro và chuyện mất trắng cũng không phải là ít. Đối với những nhà đầu tư "ăn chắc mặc bền" hay "chậm mà chắc" thì gửi tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn ưu tiên.

Bên cạnh đó, hiện nay việc các ngân hàng liên tục đưa ra các gói ưu đãi hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được người dân. Các “thượng đế” cho rằng gửi tiền vào ngân hàng tuy an toàn nhưng khả năng sinh lời không cao nên họ tỏ ra khá thờ ơ với việc gửi tiền tiết kiệm. Đó là chưa kể, theo TS. Võ Trí Thành, việc nỗ lực phục hồi thông qua tăng đầu tư công, nếu không được quản trị phối hợp chính sách tốt, vẫn sẽ là nhân tố tiềm tàng gây bất ổn. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của đồng tiền trong nước.

Bất động sản: Trầm lắng

Về kênh bất động sản, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp vẫn chưa tỏ ra hiệu quả, sức mua vẫn rất yếu nên dự báo khả năng thị trường nhà đất còn tiếp tục đóng băng vẫn rất cao.

Vào cuối năm 2013, một số phân khúc như nhà ở, vị trí tốt, đã hoàn thành… bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Theo nhiều chuyên gia, diễn biến này vẫn có thể tiếp diễn trong năm tới. Về tổng thể, do vấn đề nợ xấu lớn và khả năng xử lý chưa hình thành, chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn rất thận trọng để duy trì kinh tế vĩ mô, cho nên sự đi lên ít nhiều có thể có, nhưng để được gọi là bùng nổ hay hồi phục rõ rệt của thị trường bất động sản thì còn khó khăn.

GS.,TS. Đặng Hùng Võ nhận định, thị trường bất động sản năm 2013 đã đi đúng hướng, mặc dù còn nhiều hạn chế, nhiều vướng mắc nhưng tạo nên một động lực mạnh mẽ hơn cho thị trường bất động sản 2014 hồi phục.

Thực tế, nhiều lúc đầu tư vào bất động sản sẽ có lãi nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Ví dụ như trước năm 2008, đầu tư vào bất động sản luôn luôn có lãi thậm chí có những lúc thu lãi tới 4 hoặc 5 lần. Trường hợp xấu nhất cũng ngang với gửi tiền vào ngân hàng.

Vàng: Tiềm ẩn rủi ro

Trong năm nay, giá vàng giảm liên tục với vàng thế giới chỉ còn quanh 1.230 USD/ounce tương đương 31 triệu đồng/lượng trong khi vàng trong nước chỉ trên 35 triệu đồng/lượng – thấp nhất kể từ tháng 2/2011.

Đối với vàng, một tài sản đầu tư truyền thống, thì các dự báo đều cho rằng xu hướng của vàng là sẽ tiếp tục giảm. Ông Đặng Đức Thành, CEO của Dream House cho rằng giá vàng thế giới có thể xuống 1.000 USD/ounce, tương đương 30 triệu đồng/lượng. Ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank cũng dự báo giá vàng sẽ giảm tiếp. “Trong khi vàng thế giới đang giảm, nhà đầu tư thế giới vẫn đẩy mạnh bán ra thì không dại gì đầu tư vào vàng”, ông Hưởng nói.

Với việc phục hồi kinh tế ít nhiều, nhất là của các nền kinh tế phát triển, và với việc Mỹ có thể dừng gói QE 3 làm tăng giá đồng USD, độ hấp dẫn của vàng vẫn chưa hẳn là cao.