Năm 2014: Sự trỗi dậy của những ngân hàng nhỏ

Theo motthegioi.vn

(Tài chính) Ngành Ngân hàng đã trải qua năm 2013 đầy sóng gió khi có tới 17% tổ chức tín dụng (TCTD) thua lỗ và hơn 50% TCTD không đạt được lợi nhuận so với năm 2012.

 Năm 2014: Sự trỗi dậy của những ngân hàng nhỏ
Ngành ngân hàng đã trải qua năm 2013 đầy sóng gió. Nguồn: internet

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những khó khăn chung, vẫn có những ngân hàng nhỏ đạt được thành tựu lớn.

Nợ xấu giảm, phát triển bền vững

Hội nghị tổng kết của Ngành Ngân hàng diễn ra vào cuối năm 2013 đã đưa ra nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của hoạt động ngân hàng trong năm qua là do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Điều này dẫn đến việc hệ thống doanh nghiệp hoạt động sa sút, phá sản hàng loạt khiến tín dụng khó tăng, nợ xấu cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Thêm vào đó, việc giảm lãi suất tiền gửi chậm hơn so với việc giảm lãi suất cho vay cũng đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thấp, chỉ còn khoảng 1 – 1,5%/năm (đối với doanh nghiệp) và 2 – 2,5%/năm cho vay cá nhân.

Dù khó khăn là vậy nhưng nhiều ngân hàng nhỏ đã đã có những thành tích đáng kể. Trong báo cáo tài chính của mình trong năm 2013,Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đạt 362 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 15% so với chỉ tiêu năm 2013 đề ra. Đặc biệt vốn huy động dân cư tăng trên 160% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng tăng trên 190% so với 2012, nợ xấu giảm xuống dưới 2%. Số lượng khách hàng của TPBank tăng hơn 3 lần, trong đó số lượng khách hàng sử dụng đa dịch vụ và tỷ lệ tài khoản hoạt động tăng đáng kể.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận khi tính đến 31/12/2013, tổng dư nợ tín dụng là 13.405 tỷ đồng, tăng 6.220 tỷ đồng so với năm 31/12/2012. Tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,35%, giảm 2,41% so với năm 2012; tỷ lệ nợ xấu là 1,48%, giảm 1,23% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Nam Á năm 2013 đạt 183 tỷ đồng. Những con số này đã phần nào phản ánh được hành trình vượt khó của Nam A Bank trong năm qua.

Bên cạnh những thành tích trên, Nam A Bank còn tích cực mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử (eBanking), đầu tư vào các hệ thống xử lý tác nghiệp, phát triển các chương trình ứng dụng cung cấp sản phẩm trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Cùng với Nam A Bank, TPBank, năm 2013 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của những ngân hàng nhỏ khác như ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), hay ngân hàng Mê Kông…

Nói không với M&A

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2014 tiếp tục sẽ là năm khó khăn với ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do cầu nội địa yếu. Đồng thời, chi phí xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro năm 2014 dự báo sẽ tăng mạnh do áp dụng Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đang tích cực mua bán và sáp nhập thì Nam A Bank lại nói không với M&A.

Theo đại diện của Nam A Bank thì những khó khăn trên sẽ trở thành động lực cũng như cơ hội thuận lợi để “ép” các ngân hàng phải lành mạnh hóa sổ sách kế toán, quay trở về với tăng trưởng cốt lõi và tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng.

Tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngô Phước Vũ cho biết, trong năm 2014, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỉ đồng, đồng thời nâng tổng tài sản lên mức 40.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỉ đồng.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, Nam A Bank sẽ chú trọng đầu tư vào công nghệ để đa dạng hơn nữa sản phẩm/dịch vụ ngân hàng, phát triển các dòng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, Nam A Bank sẽ mở rộng phát triển mạng lưới, mang đến sự thuận tiện cho khách hàng khi đến giao dịch trên toàn quốc. Tăng cường chất lượng, hiệu quả công việc kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ một cách kịp thời và hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế. Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân sự hợp lý, phù hợp với yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn đúng với định hướng, chiến lược Nam A Bank. Đồng thời, nâng cao chất lượng về quảng bá thương hiện, sản phẩm đi đôi với hiệu quả mang lại”.

Với định hướng phát triển như thế, Nam A Bank dám nói không với M&A cũng là điều dễ hiểu.