Năm 2015, ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

NGUYÊN THIẾT

(Tài chính) Nhiều chuyên gia nhận định, nước ta đang có cặp đôi lý tưởng của nền kinh tế, đó là tăng trưởng cao (5,98%) - lạm phát thấp (1,84%). Đây là cơ hội để Chính phủ thực hiện những chính sách điều hành vĩ mô, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế - điều kiện căn bản để nền kinh tế hồi phục trong dài hạn.

Tăng trưởng cao - lạm phát thấp

Năm 2014 được coi là năm vượt sóng mạnh mẽ nhất của ngành ngân hàng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhất là những biến động chính trị phức tạp ở Biển Đông, nhưng với sự điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, một trong những sự kiện nổi bật nhất của nền kinh tế nước ta trong năm 2014 là mức tăng rất thấp của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đến tháng 12/2014, CPI chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013, mức thấp kỷ lục trong 15 năm qua, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 7% Quốc hội đề ra từ đầu năm. Lạm phát thấp nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng 12,62%, mở ra tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ và kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, lạm phát năm 2014 thấp là tất yếu, do liên tiếp diễn ra các đợt giảm giá xăng, dầu và khí đốt, khiến giá nhóm giao thông giảm 2,75%, đóng góp 0,24% trong tổng mức giảm chung của giá cả năm 2014. Thậm chí, CPI có thể còn thấp hơn nữa nếu giá xăng dầu và vận tải trong nước được giảm nhanh hơn và sát hơn tương ứng mức giảm giá xăng dầu thế giới.

CPI thấp, đồng nghĩa với lạm phát thấp, sẽ mở ra cơ hội để nước ta thực hiện những chính sách điều hành vĩ mô, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế - điều kiện căn bản để nền kinh tế hồi phục trong dài hạn. Theo TS.Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế Tài chính, lạm phát thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là cơ hội để điều hành tỷ giá và lãi suất ở mức hợp lý hơn. Đây có lẽ là thời điểm hợp lý để tiếp tục hạ thêm lãi suất huy động, từ đó giảm tối đa lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cho các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. CPI thấp và ổn định cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm, từ đó góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân (tính riêng tháng 11/2014, so với cùng kỳ 2013, số hộ thiếu đói giảm 77,5%; số nhân khẩu thiếu đói giảm 77,1%).

Bên cạnh việc giữ lạm phát ở mức thấp, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào VND được củng cố, nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, vào thời điểm tình hình biển Đông căng thẳng, nếu không có giải pháp kịp thời và nhất là nền tảng hoạt động ngân hàng không vững chắc thì chắc chắn tác động của sự kiện này đối với hoạt động ngân hàng và nền kinh tế hết sức nặng nề. Nhưng điều này đã không xảy ra. Cùng với nền tảng hoạt động vững chắc, NHNN đã chủ động truyền tải thông điệp điều hành chính sách tiền tệ đối với thị trường. Chỉ sau một tuần, tâm lý người dân được trấn an, thị trường đã ổn định trở lại cho thấy niềm tin của người dân, xã hội được củng cố khá tốt.

Tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - TS. Nguyễn Đức Kiên, hoạt động điều hành của NHNN trong thời gian qua đã dần đi vào nề nếp và đạt được những thành công nhất định. Năm 2015, nhiệm vụ của NHNN sẽ nặng hơn rất nhiều, bởi vì đây là năm tạo tiền đề cho Đại hội Đảng sắp tới. Việc ngành Ngân hàng có hoàn thành trọng trách của mình hay không còn phụ thuộc vào biến động địa chính trị thế giới và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, công tác tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng đóng vai trò trụ cột và then chốt. Nếu tái cơ cấu trong nước làm không tốt thì chúng ta sẽ thất bại dù điều kiện bên ngoài có nhiều lợi thế. Ngược lại nếu làm tốt thì dù có biến động đến đâu, chúng ta vẫn có thể vượt qua được.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, nhìn vào những chỉ số dự báo của nền kinh tế trong nước và quốc tế (như xuất khẩu) thì năm 2015 là năm nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng - năm cuối của chặng đường tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Do đó, ngành lấy việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu làm trọng tâm hoạt động, đồng thời khẳng định về cơ bản điều hành chính sách tiền tệ giữ ổn định nhưng công cụ chính sách tiền tệ sử dụng linh hoạt hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành công cụ phù hợp theo định hướng với hàng loạt chính sách như: giữ mặt bằng lãi suất thấp; mức độ biến động tỷ giá không quá 2%; mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 -15%; đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%...

Thực tế, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cho thấy, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được bảo đảm; nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý; việc tái cơ cấu được tiến hành đồng bộ, quyết liệt với những giải pháp phù hợp trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn lực tư nhân, hạn chế tối đa nguồn lực Nhà nước. Trước đây, quan điểm của NHNN là để các ngân hàng tự nguyện, nhưng thời gian tới, sau khi hệ thống ngân hàng ổn định lại, NHNN sẽ thực hiện theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, và các tổ chức tín dụng lớn cùng tham gia vào quá trình này. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây, NHNN muốn làm mạnh hơn nhưng do tình hình phức tạp chưa có điều kiện triển khai, hiện giờ cả thế và lực đã có đủ để NHNN thực hiện việc này.

Xu hướng ổn định của lạm phát được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2015. Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, CPI năm 2015 có thể dao động trong khoảng 2 - 3% vì 5 lý do: (i) Kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn; (ii) Giá dầu giảm được dự báo sẽ kéo dài trong một vài năm tới; (iii) Chính sách tiền tệ không có nhiều đột biến so với năm 2014; (iv) Chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được Chính phủ duy trì để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế; (v) Giá cả một số sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2015.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, thậm chí có thể sẽ giữ ổn định trong suốt giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.

Với dự báo khả quan về bức tranh lạm phát 2015 như vậy, TS. Nguyễn Thanh Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… nhằm bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.