Năm 2020, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỷ USD

PV.

Năm 2017, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2017. Đặc biệt, Việt Nam có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động trong toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động. Dự kiến, đến năm 2020, toàn ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu phát triển ngành gỗ thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại. Nguồn: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu phát triển ngành gỗ thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại. Nguồn: Chinhphu.vn

Năm 2017, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đạt gần 8 tỷ USD 

Phát biểu tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” tổ chức sáng ngày 8/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2017. Mức tăng trưởng bình quân của ngành gỗ 18 năm qua đạt 15% mỗi năm, cao hơn 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động trong toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động. Theo dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dịp để xem xét, đánh giá ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua và cần làm gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Malaysia (109% với giá trị: 52,3 triệu USD, mặt hàng chủ yếu là gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép - Mã 4412), Hàn Quốc (52,8%), Pháp (24,8%), Hoa Kỳ (12,5%) và Úc (14,8%)...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, cần khắc phục một số tồn tại, bất cập khi mà dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn. Chẳng hạn, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Cam kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao. Công nghệ trồng rừng, chế biến và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm còn mang tính thủ công, năng suất thấp.

Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu. Chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới...

Phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu phát triển ngành gỗ thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt, phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic tốt hơn nữa trong phát triển ngành gỗ...

Thủ tướng cho rằng, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới. Theo đó, toàn ngành cần phấn đấu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu...

Thủ tướng khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cần và các hiệp định thương mại tự do… là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới.