Năm mới: liệu có mô hình tăng trưởng “mới”?

TS. Phạm Đỗ Chí

Cuối tuần qua các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng mới. Trước đó, một số nhà kinh tế cũng đề xuất Việt Nam nên chuyển đổi mô hình kinh tế, chú trọng ổn định vĩ mô thay vì tăng trưởng cao, như một chiến lược khắc phục hậu quả cho năm 2013 hoặc xa hơn nữa.

Năm mới: liệu có mô hình tăng trưởng “mới”?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Thực tế mà nói đây không phải là một mô hình tăng trưởng mới, mà chỉ là một bước trung gian để khôi phục lại trạng thái cân bằng tài chính vĩ mô trước khi đạt tăng trưởng cao hơn sau này. Một sự thay đổi trong chiến lược phát triển phải liên quan đến một sự thay đổi trong vai trò tương đối của các yếu tố sản xuất khác nhau.

Chiến lược tăng trưởng hay được nói tới phụ thuộc vào ba yếu tố chính: vốn (K), lao động (L), và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Chiến lược khác nhau chỉ đơn giản là tập trung vào việc lựa chọn chính sách dựa trên các biến số về phía đầu vào.

Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Mục tiêu tổng thể của đề án là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Việt Nam được biết đến như một trường hợp phát triển theo hướng dựa nhiều vào vốn, đặc biệt là đầu tư công thông qua ngân sách cũng như vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều chỉ trích nhắm tới sự hồi sinh của các tập đoàn kinh tế lớn cùng các doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là về tính hiệu quả của nền kinh tế khi ICOR tăng nhanh chóng lên 7-8 (trước đó là 3-4), cao hơn nhiều khi so sánh với các nền kinh tế khác trong khu vực. ICOR cao và gia tăng chỉ ra sự đóng góp còn thấp và suy giảm của TFP trong quá trình tăng trưởng.

Bài viết này bàn về mô hình tăng trưởng “mới” tập trung chủ yếu vào các chiến lược dẫn tới giảm vai trò của K, tăng cường vai trò của L, nhất là gia tăng vai trò của TFP.

Đáng chú ý nhất là sự suy giảm trong TFP do ưu đãi cho khu vực công như là “đầu tàu” của sự tăng trưởng, đã gây thiệt hại cho đóng góp của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân, mặc dù đóng góp khoảng 50% GDP và sử dụng gần 90% lực lượng lao động, chỉ được tiếp cận tín dụng một cách có giới hạn, trong sân chơi không bình đẳng khi so với doanh nghiệp nhà nước. Mô hình mang tính thiên vị này, trong sản xuất và đầu tư, gây ra hạn chế nghiêm trọng đối với hiệu quả kinh tế. Chúng cũng là nguyên nhân gây ra biến dạng nghiêm trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực phân bổ tín dụng tổng thể.

Nhằm cải thiện mạnh mẽ và lâu dài nhân tố TFP, nâng cao chất lượng giáo dục thường hay được đề cập nhằm cung cấp lao động có tay nghề, giúp nâng cao năng suất. Cả hai yếu tố này đều cần thời gian. Chúng chỉ xảy ra khi có sự cải cách cơ bản trong hệ thống giáo dục, để từ đó tác động tới nền kinh tế.

Chủ đề cần quan tâm hiện giờ cho “mô hình mới” là để ý đến khu vực kinh tế tư nhân, dùng chúng như là động lực chính để đưa Việt Nam ra khỏi giai đoạn trì trệ kinh tế hiện nay.

Nhiều năm qua, chiến lược phát triển thường dựa vào chính sách kích cầu mạnh bạo nhằm cổ vũ và duy trì các khoản đầu tư của Chính phủ và đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Kể từ năm 2007, chính sách này đã được đẩy mạnh hơn bởi các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn nhưng lại “thoát khỏi” sự giám sát và kiểm soát tài chính của các bộ chủ quản. Khi các doanh nghiệp nhà nước được dễ dàng tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi, chính sách tiền tệ được “gọt đẽo” để làm sao tạo ra tăng trưởng nhanh chóng của nguồn tiền với mở rộng tín dụng. Hậu quả là lạm phát tăng cao, lên tới hai con số và nền kinh tế đã phải trả giá.

Trong năm 2012, mặc dù tổng phương tiện thanh toán tăng trên 20%, tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng khoảng 9%. Hiện tượng nổi bật là nhiều doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nhiều biện pháp hành chính đã được áp dụng và còn tiếp tục cho thời gian trước mắt, hệ thống tín dụng bị bóp méo nghiêm trọng, trong khi lĩnh vực ngân hàng không còn có thể đóng vai tích cực để giúp TFP, như người ta thường thấy trong một nền kinh tế hiện đại. Nếu các công ty được coi như các tế bào trong cơ thể, khu vực ngân hàng đã không bơm được máu đến các tế bào.