Năm nay sẽ tạo sức bật tăng trưởng vững chắc cho các năm sau

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) 2014, tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn mục tiêu đề ra. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, tăng trưởng tín dụng đạt trên 13%, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm, nợ xấu tiếp tục được xử lý… Đây là yếu tố thuận lợi để kéo giảm mặt bằng giá cả nhiều mặt hàng trong thời gian tới, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất của các doanh nghiệp. ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, năm 2015, cùng với giải quyết những vấn đề ngắn hạn thì phải tập trung cho vấn đề dài hạn để có giai đoạn phát triển bền vững từ 2016 trở đi.

Năm nay sẽ tạo sức bật tăng trưởng vững chắc cho các năm sau - Ảnh 1

Đại biểu Trần Du Lịch
Phóng viên: Thưa Đại biểu, năm 2014 tăng trưởng đạt cao hơn kế hoạch đề ra sau hai năm liên tiếp không đạt mục tiêu. Theo Đại biểu, đâu là những nguyên nhân cơ bản khiến cho nền kinh tế đạt được kết quả khả quan này?

Đại biểu Trần Du Lịch: Trước hết phải nói năm 2014 đạt tốc độ tăng trưởng 5,98%, cao hơn dự kiến 5,8% thì không có gì ngạc nhiên, nền kinh tế nước ta đã bắt đầu phục hồi tuy chậm. Ngay từ quý III.2013 đã phục hồi, quý sau tăng hơn quý trước. Từ đầu năm 2014, những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt tập trung tín dụng cho nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cùng với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 của Chính phủ liên quan đến rút ngắn thủ tục thuế, hải quan và đặc biệt các giải pháp thực thi. Kể cả việc Quốc hội sửa đổi các đạo luật liên quan đến đổi mới thể chế kinh tế đã tạo được niềm tin thị trường. Từ quý III, quý IV/2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt mức 6%. Do vậy kết quả đạt được năm 2014 là quá trình trong một số năm, đặc biệt từ 2013, những tháo gỡ khó khăn thị trường, tắc nghẽn tín dụng, tạo được niềm tin do ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cùng với triển vọng nước ta hội nhập trong thời gian tới làm cho thị trường có niềm tin hơn và kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, kinh tế vẫn đứng trước khó khăn của năm 2015.

Xét trên hàng loạt chỉ tiêu quan trọng khác của kinh tế 2014 như tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước… theo Đại biểu, những vấn đề được triển khai trong năm 2014 đã đạt hay chưa, đồng thời có giúp cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế không?

Tôi cho rằng, cần tập trung ưu tiên tái cấu trúc 3 lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vừa qua, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong ba lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; đánh giá khá đầy đủ và đưa ra giải pháp cần tập trung thực hiện cho năm 2015. Ghi nhận những nỗ lực thực hiện tái cấu trúc ba lĩnh vực nhưng rõ ràng kết quả cho thấy còn tương đối hạn chế so với chúng ta mong muốn. Ví dụ, vấn đề tái cấu trúc ngân hàng thương mại làm được bước quan trọng, ổn định hệ thống, giải quyết được thanh khoản, giảm nợ xấu, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá… Tuy nhiên, vấn đề tồn đọng, ngay cả nợ xấu mà đạt được mục tiêu còn 3% trên tổng dư nợ vào cuối 2015 là thách thức rất lớn. Hay giải quyết tình trạng sở hữu chéo, chúng ta đang nỗ lực nhưng tồn tại chưa được giải quyết. Xử lý nợ xấu gắn với thị trường bất động sản còn phải tiếp tục. Mua bán nợ hiện đang tắc nghẽn trong thủ tục mang tính hành chính. Năm 2015 phải làm mạnh hơn và quyết liệt hơn thì mới đạt được mục tiêu. Riêng về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn cao nhưng tiến độ khá chậm. Tôi cho rất khó đạt mục tiêu cổ phần hóa 425 doanh nghiệp trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu quyết tâm và nỗ lực để đổi mới tư duy và quan điểm thì hy vọng sẽ đạt được mục tiêu dài hạn mong muốn.

Vậy, những tồn tại nào sẽ phải tiếp tục xử lý trong năm 2015, thưa Đại biểu?

Năm 2015 là một năm đặc biệt, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và cũng tạo tiền đề phát triển bền vững từ 2016 đến 2020. Từ 2016, chúng ta hội nhập toàn diện, đặc biệt triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương mà chúng ta đã ký kết. Lộ trình là cắt giảm thuế khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, hội nhập sâu theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, đặt doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức rất lớn. Thách thức này gắn liền với thách thức tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Chúng ta mới tập trung vào 3 đột phá nhưng tổng thể nền kinh tế là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp để hội nhập được, cạnh tranh được. Chúng ta phải chuyển công nghiệp gia công sang sản xuất, có công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa. Đây là thách thức lớn. Nói nôm na, chúng ta bắt đầu tương đối có kết quả ở 3 đột phá về tái cấu trúc, nhưng tổng thể nền kinh tế còn nhiều tồn tại, phải thực hiện cho được mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh. Hiện nay, năng suất lao động của chúng ta còn rất thấp, mà trong cạnh tranh thì năng suất là yếu tố quyết định. Về thể chế hành chính có nhiều cải cách nhưng nhiều lĩnh vực còn nhiêu khê. Chưa kể phải triển khai một loạt luật Quốc hội mới thông qua để thực hiện cải cách thể chế. Những việc đó dồn trách nhiệm cho 2015, vừa giải quyết những vấn đề ngắn hạn vừa phải tập trung cho vấn đề dài hạn để có giai đoạn phát triển bền vững từ năm 2016 trở đi.

Trong 4 trụ cột của nền kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dân doanh và nông nghiệp, thì chỉ có doanh nghiệp FDI là tiếp tục sống khỏe. Việc này đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo Đại biểu, có cách gì khắc phục không?

Đúng như nhận định của một số chuyên gia, từ khi bất ổn vĩ mô kéo dài trong mấy năm vừa qua, đặc biệt tới năm 2013, trong 4 khu vực kinh tế thì có 3 khu vực khó khăn là nông nghiệp, nhà nước và tư nhân trong nước. Năm 2014, tình hình có cải thiện hơn, khu vực tư nhân trong nước có phát triển hơn, phục hồi và tăng xuất khẩu. Nông nghiệp cũng phục hồi, tốc độ tăng trưởng khá hơn. Riêng doanh nghiệp nhà nước thì đang tái cấu trúc nên phát triển còn yếu hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh giống nhau mà FDI tồn tại phát triển được, đây chính là vấn đề doanh nghiệp trong nước phải nhìn nhận lại mình. FDI có lợi thế, họ có sẵn thị trường, làm tốt đầu ra, họ có nguồn tín dụng rẻ bởi họ vay bằng dollar của ngân hàng nước ngoài, và họ quản trị tốt hơn. Các yếu tố đó trong quá trình bất ổn ngoại cảnh thì họ tồn tại và phát triển được. Doanh nghiệp trong nước cần rút kinh nghiệm trong hoạt động để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể phát triển kinh tế bền vững nếu chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI, mà cần dựa vào doanh nghiệp dân doanh. Quan điểm của Đại biểu như thế nào?

Không có nước nào phát triển thành quốc gia công nghiệp mới, bền vững mà chỉ dựa vào FDI. Chúng ta không phủ nhận FDI đóng góp quan trọng cho nhiều lĩnh vực đối với nước ta trong gần 30 năm qua. Nhưng chúng ta chưa thu hút FDI để tạo lan tỏa cho phát triển công nghiệp trong nước, chưa tạo được chuyển giao công nghệ. Đây là điều chúng ta phải rút kinh nghiệm trong thu hút FDI. FDI là một bộ phận kinh tế Việt Nam nhưng muốn phát triển bền vững thì phải dựa vào nguồn trong nước. FDI là xúc tác chứ không làm thay vai trò của doanh nghiệp nội địa.

Năm 2014 nhiều luật quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh… đã được Quốc hội thông qua. Điều này có tạo cú hích mới cho doanh nghiệp trong năm 2015 không, thưa Đại biểu?

Những luật này sẽ tạo được môi trường kinh doanh rất tốt nhưng nó sẽ tác động từ năm 2016 trở đi. Vì luật có hiệu lực từ tháng 7.2015 nên hiện những chi phối pháp lý vẫn ở những luật hiện hành. Như vậy 2015 tác động trực tiếp thì chưa, nhưng về mặt tâm lý thị trường, trên nền tảng các luật này sẽ góp phần tạo niềm tin để các doanh nghiệp phát triển. Chính các luật đã tạo được niềm tin, rằng chúng ta hội nhập về thể chế kinh tế với các nước, những luật vừa thông qua và nỗ lực phấn đấu là đặt trên tiêu chí thông thường về quản trị, về thị trường để quản lý phát triển các doanh nghiệp trong nước, trên chuẩn mực quốc tế thì nó kích thích được doanh nghiệp. Như vậy, tôi nhắc lại, tác động trực tiếp từ những luật mới thì chưa, nhưng gián tiếp nó tác động từ năm 2014 chứ không phải chờ đến 2015.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng theo đại biểu, kinh tế 2015 có thể bật tăng mạnh hơn dựa trên kết quả của năm nay không hay vẫn phải đối mặt với thách thức, biến động mới?

Việc đối diện thách thức tôi đã phân tích ở trên. Nhưng xu hướng phục hồi và với mục tiêu mà Quốc hội thông qua, tăng trưởng khoảng 6,2% bình quân cả năm, xuất khẩu tăng trên 10%, tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 32%... tôi cho rằng những chỉ tiêu đó hoàn toàn đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhưng cái khó của năm 2015 là làm sao tạo được tiền đề, để giai đoạn từ 2016 trở đi phát triển cao hơn và bền vững hơn, đấy mới là khó khăn.

Năm 2014, lạm phát qua các tháng liên tục ở mức thấp và cả năm tăng 3%, thấp hơn kế hoạch đề ra. Chúng ta có thể phát huy kết quả này cho tăng trưởng kinh tế năm 2015 như thế nào, thưa Đại biểu?

Lạm phát thấp là cơ hội để chuyển giá cả tiêu dùng sang thị trường và giảm mạnh việc Nhà nước kiểm soát một số loại giá hiện nay, trả lại cho thị trường điều tiết. Nhà nước sẽ làm chức năng của Nhà nước, như chống đầu cơ, chống lũng đoạn… còn lại để cho thị trường. Đây là cơ hội để Nhà nước chuyển cho thị trường những giá cả hiện Nhà nước đang kiểm soát.

Xin cám ơn Đại biểu!