Nâng cao hệ thống chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công tại Việt Nam

Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Vấn đề nợ công trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay là một chủ đề mà dư luận đang rất quan tâm. Bộ Tài chính cũng thường xuyên phải giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tất cả những vấn đề xung quanh nợ công và quản lý nợ công. Như vậy, công tác giám sát an toàn nợ công có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nâng cao hệ thống chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công tại Việt Nam
Trong thời gian qua, công tác giám sát nợ đã thực hiện một cách chủ động và tích cực. Nguồn: internet

Sự cần thiết giám sát an toàn nợ công

Thứ nhất, giám sát nợ công xuất phát từ thực trạng các hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Thứ hai, đáp ứng đòi hỏi đối với công tác quản lý nợ theo yêu cầu của Luật Quản lý nợ công.

Thứ ba, phù hợp quan điểm và mục tiêu của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian vừa qua, công tác giám sát nợ đã thực hiện một cách chủ động và tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt là tính thủ công trong giám sát nợ. Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có các phần mềm chuyên biệt để xử lý công việc một cách tự động trong một số khâu cần thiết. Việc tự động hóa một số công đoạn trong quy trình giám sát vẫn đang ở giai đoạn triển khai bước đầu.

Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác giám sát nợ. Việc giám sát tình hình tuân thủ của các chương trình/dự án, người vay, người được bảo lãnh vẫn còn nhiều khiếm khuyết như không phát hiện ra các sai phạm hay phát hiện không kịp thời do chưa có phần mềm để quản lý, kiểm tra, đánh giá rủi ro.

Giải pháp nâng cao hệ thống chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ: tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đối với nguồn vốn vay nợ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng các công cụ quản lý nợ, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện bộ máy cơ quan quản lý nợ, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện công tác giám sát nợ.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay: khắc phục bất hợp lý trong tổ chức huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý, trả nợ; Xây dựng chương trình đầu tư công trên cơ sở rà soát lại các chương trình mục tiêu.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ: chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay đối với các dự án cấp bách, các công trình trọng điểm quốc gia và đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể đối với dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ đến hạn.

Thứ năm, tăng cường công tác giám sát và quản lý rủi ro về nợ công như: nghiên cứu, xây dựng và triển khai phương án xử lý rủi ro (chuyển đổi nợ thành viện trợ/đầu tư, mua bán nợ, hoán đổi nợ); đặc biệt thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước rất thành công trong việc hoán đổi nợ đối với trái phiếu Chính phủ nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tiến hành phân loại nợ bị rủi ro tín dụng, ban hành tiêu chí đánh giá, xếp hạng về khả năng trả nợ của người vay lại, người được bảo lãnh để từ đó đưa ra các ứng xử phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó vẫn chủ động trích lập, bố trí nguồn dự phòng để trả nợ.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu trong nước: trong đó, việc phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp cần được Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt lưu tâm và ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải song song phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng cường tính thanh khoản và minh bạch của thị trường trái phiếu.

Thứ bảy, chú trọng công tác quản lý nợ chính quyền địa phương (CQĐP): hoàn thiện cơ chế huy động vốn vay và trả nợ vốn vay CQĐP; đa dạng hóa hình thức huy động vốn đầu tư phát triển: phát hành trái phiếu CQĐP, BOT, BTO, BT, PPP…; tập trung nguồn vốn đầu tư vào những công trình trọng điểm/cấp bách/có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thành trong giai đoạn 2011 – 2015; không huy động thêm vốn để đầu tư các công trình mới/không thực sự cấp bách.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan quản lý nợ: đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai quy trình, thời hạn trách nhiệm xử lý các thủ tục liên quan đến thực hiện các chương trình/dự án sử dụng nguồn vốn vay; rà soát và loại bỏ những quy định về thủ tục xét duyệt không cần thiết trong phê duyệt dự án, trình tự, thủ tục rút vốn.

Thứ chín, tăng cường hệ thống quản trị trong quản lý nợ công: tăng cường thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quản lý nợ công; tăng cường thông tin đối ngoại về nợ công của Việt Nam.

Theo Kiểm toán Cuối tháng