Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của các Đại biểu Quốc hội, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Để tránh đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém cần nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cho đến nay chưa có văn bản pháp luật chế định đầy đủ quá trình đầu tư công từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công. Việc ban hành Luật Đầu tư công là rất cần thiết nhằm tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để hướng tới thực hiện mục tiêu đột phá xây dựng hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới.

Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (Lai Châu), cần đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Muốn đạt được điều này, phải đổi mới thẩm quyền quyết định đầu tư theo hướng cá thể hóa trách nhiệm. Từ đó mới có thể áp dụng chế tài xử phạt.

Phạm vi điều chỉnh Luật bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, từ các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, công trái nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trong nước và nước ngoài.

Riêng về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sẽ được trình QH trong Kỳ họp thứ Bảy tới. Dự thảo luật cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công. Nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Về vấn đề này, ĐBQH Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, một nội dung quan trọng trong Luật Đầu tư công là tái cơ cấu đầu tư công. Trong dự án luật cũng dành điều kiện thuận lợi hơn để khu vực tư nhân có thể tham gia đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội.

Theo đó, trong luật cũng quy định về hình thức hợp tác công tư có nhiều vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Vì vậy, phải có những quy định chặt chẽ và tôi cũng kỳ vọng trong luật này quy định chặt chẽ đối với những hợp đồng dài hạn với sự tham gia của nhiều bên. Trong Luật Đầu tư cũng cần có những quy định rõ ràng về hình thức đầu tư hợp tác công tư.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên. Yêu cầu thẩm định nguồn vốn sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Về nội dung này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong Dự án Luật đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn. Mặt khác, dự thảo luật cũng tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.