Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa

ThS. VŨ THANH HƯƠNG - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Mục tiêu cổ phần hóa 389 doanh nghiệp đến cuối năm 2015 là nhiệm vụ cấp bách, do đó ngay đầu năm 2015, Chính phủ đã xác định cụ thể thời hạn từng bước trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở khảo sát thực tế, bài viết nhận diện một số tồn tại nhằm góp phần nâng cao công tác quản trị và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Tạo đà cơ bản song vẫn còn chậm

Khảo sát cho thấy, những đổi mới về cơ chế, chính sách cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã và đang được triển khai và phát huy tác dụng, tiến độ CPH DNNN từng bước được đẩy mạnh. Về cơ bản, đa số DNNN sau khi tiến hành CPH có kết quả hoạt động tài chính tốt hơn, lợi nhuận sau thuế tăng, năng suất lao động, tiền lương bình quân của người lao động tăng đáng kể. Theo Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, dự kiến cả năm 2014 CPH khoảng 200 DN, gấp 3 lần so với cả năm 2013. Kế hoạch DNNN thoái vốn khỏi các lĩnh vực rủi ro ngoài ngành cũng đã đạt được những kết quả bước đầu. Tính đến nay, các DNNN đã thoái được 5 nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, đạt gần 21% kế hoạch. Tổng hợp số liệu báo cáo của các DN cho thấy, sau 1 năm CPH (2013- 2014), vốn điều lệ tăng bình quân 68%, doanh thu tăng 34%, lợi nhuận sau thuế tăng 99,9%, nộp ngân sách tăng 47%, thu nhập bình quân đầu người tăng 76,9%. Gần đây, “đường đua” CPH đã “tăng nhiệt” hơn khi có thêm sự nhập cuộc của các DNNN lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)…

Những DN này đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và đã có nhiều DN hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng giao dịch lớn. Sau khi CPH, niêm yết trên thị trường phần lớn các DN đều hoạt động hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận cao, góp phần bảo toàn và tăng trưởng vốn nhà nước. Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2013 là 959.796 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2012; Giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2013 đạt 2.387.150 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2010; Thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012; Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối DNNN đạt mức 34,72% (năm 2009) và đạt 32,4% (năm 2013); Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) tương đối ổn định, doanh thu năm 2013 đạt 1.471.018 tỷ đồng; Tạo việc làm cho khoảng trên 1,2 triệu lao động.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa - Ảnh 1

Theo kế hoạch đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành CPH 389 DN và dự định sẽ có 5 công ty mẹ của các TĐ, TCT được CPH. Đó là công ty mẹ của Vietnam Airlines, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), TCT Sông Đà, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị, TCT Công nghiệp Xi măng. Tuy nhiên, không phải DNNN nào cũng thuận lợi trong việc CPH, thoái vốn để tái cơ cấu. Trong số trên, hiện mới chỉ có Vietnam Airlines là được phê duyệt phương án CPH và tiến hành IPO vào cuối năm 2014… Trong số 24 công ty mẹ của các TĐ, TCT 91 sẽ chỉ có 9 công ty mẹ được CPH nhưng ngay tại các công ty mẹ CPH, Nhà nước cũng áp đặt những mức nắm giữ rất cao 51%, 65%, 75%, thậm chí 97%. Như vậy, những TĐ, TCT dự định tiến hành CPH trong thời gian tới cũng sẽ chưa thật sự có những chuyển biến mạnh mẽ về chất… Ngoài ra, việc yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước cũng khiến cho việc thoái vốn khó khăn…

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và sắp xếp, CPH DNNN, thời hạn từng bước trong lộ trình tái cơ cấu DNNN trong năm 2015 đã được Chính phủ xác định theo từng tốc độ tái cơ cấu một cách rõ ràng và cụ thể ngay từ đầu năm. Theo đó, đối với DN chưa thành lập Ban chỉ đạo, cần phải thành lập Ban chỉ đạo CPH và xác định giá trị DN trong quý I/2015, quý III/2015 công bố giá trị DN và quý IV/2015 phê duyệt xong phương án CPH; Đối với DN đã thành lập Ban chỉ đạo thì công bố giá trị DN trong quý II/2015 và quý III/2015 phê duyệt xong phương án CPH; Đối với DN đang xác định giá trị DN thì công bố giá trị DN trong quý I/2015 và phê duyệt xong phương án CPH vào quý II/2015; Đối với DN đã công bố giá trị thì buộc phải hoàn thành phê duyệt phương án CPH trong quý I/2015.

Lợi ích thấy rõ từ cổ phần hóa

Trong năm 2014, nhiều TĐ, TCT đã rất nỗ lực trong sắp xếp, thoái vốn, CPH như: TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản, bên cạnh chuyển đổi sắp xếp các công ty từ 2 cấp sang 1 cấp, TĐ đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 1.600 trong số 1.800 tỷ đồng và phấn đấu cuối quý I/2015 sẽ hoàn thành. TĐ Điện lực Việt Nam cũng vậy, riêng 9 tháng năm 2014 đã thoái vốn ngoài ngành được hơn 373 tỷ đồng… và mới nhất là Vinatex, sau phiên IPO ra công chúng, TĐ đã thu về hơn 1.200 tỷ đồng, khối lượng giao dịch thành công đạt hơn 110 triệu cổ phần.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa - Ảnh 2

Đối với Vinatex, CPH không những tạo cơ hội thu hút nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị tiên tiến và kinh nghiệm thị trường từ các đối tác trong và ngoài nước cũng như tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác để phát triển bền vững mà còn giúp TĐ chủ động hơn trong cải thiện thị trường, làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp đối với từng lĩnh vực (sợi, dệt, nhuộm, may…) cũng như xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện để tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và xuất khẩu, doanh thu nội địa. Dự kiến trong năm 2015, sau khi CPH, doanh thu của công ty mẹ sẽ đạt 1.260 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 288 tỷ đồng. Qua đó, đưa tổng doanh thu hợp nhất toàn TĐ năm 2015 đạt khoảng 19.575 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế đạt 572 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2014 (năm 2014, trước khi CPH, doanh thu và thu nhập của TĐ đạt 576,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 247 tỷ đồng).

Tương tự Vinatex, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Bảo Việt cũng đã trở thành một trong những phiên đấu giá ấn tượng nhất trong lịch sử đấu giá cổ phần tại Việt Nam, khi mà việc bán đấu giá công khai 8,74% vốn điều lệ của Bảo Việt đã thu hút 20.368 nhà đầu tư. Sau khi CPH, TĐ này đã tập trung đổi mới quản trị, tăng cường minh bạch thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi ích cho khách hàng và nhà đầu tư. Nhờ đó, từ sau CPH, mặc dù hoạt động trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức song TĐ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, vững chắc về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh doanh qua các năm. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt là một trong 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất với giá trị vốn hóa tại ngày 15/12/2014 đạt xấp xỉ 25.245,49 tỷ đồng. Cùng với đó, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định và các chỉ tiêu sinh lời luôn ở mức cao: EPS năm 2013 đạt 1.623 đồng, ROC đạt 16,2%, cổ tức 15% bằng tiền mặt. TĐ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ thêm 10%, từ 6.800 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào cuối quý I/2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Mùa thu 2014;

2. Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII về tái cơ cấu nền kinh tế;

3. Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước;

4. Các website: tapchitaichinh.vn, vietstok.vn, baoviet.com.vn, decelso.com.vn…