Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

PGS., TS. Đỗ Văn Đức Học viện Ngân hàng

(Tài chính) Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, vượt qua những yếu kém trong bản thân nền kinh tế, những bất cập trong hệ thống pháp luật, chính sách, những thiếu hụt về kinh nghiệm quản lý và kinh doanh, cùng những khó khăn vô cùng to lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chúng ta đã gia nhập khá thành công vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ là chìa khóa cho sự hội nhập thành công.

Năng lực cạnh tranh quốc gia là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Nguồn: internet
Năng lực cạnh tranh quốc gia là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Nguồn: internet

1. Các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia

Cho đến nay vẫn còn nhiều khác biệt trong cách hiểu và luận giải khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nhiều quan điểm thống nhất cho rằng yếu tố cốt lõi của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng suất, cụ thể là năng suất sử dụng các yếu tố vốn và lao động. Năng suất là nhân tố quyết định mức sống trong dài hạn của quốc gia, là yếu tố quyết định mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi nước. Năng suất của nguồn nhân lực quyết định tiền lương còn năng suất sử dụng vốn quyết định lợi tức mà mỗi đồng vốn có thể mang lại cho người có vốn. Năng lực cạnh tranh quốc gia là tập hợp những nhân tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của đất nước, nó phản ánh năng lực thu hút đầu tư để đạt được sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, từ đó đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống của nhân dân.

Hội nhập quốc tế, một mặt giúp nâng cao năng suất cho một quốc gia, cho phép phát huy những mặt mạnh và nhập khẩu những sản phẩm sản xuất trong nước kém hiệu quả. Nhưng phải thấy rằng hội nhập quốc tế cũng có thể làm giảm tăng năng suất của mỗi quốc gia khi các quốc gia không vượt qua được thử thách về các tiêu chuẩn quốc tế của năng suất, khi đó mức sống của đất nước đó sẽ giảm sút. Năng suất và tốc độ tăng năng suất là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia bao gồm:

Đất đai và tài nguyên thiên nhiên: Theo lý thuyết cổ điển thì lợi thế so sánh của mỗi nước dựa vào việc các nước phát triển các ngành sử dụng nhiều nhân tố sản xuất mà mình dư thừa. Đối với các nước đang phát triển, tài nguyên thiên nhiên lại là điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển. Đặc điểm của tài nguyên thiên nhiên là phân bố không đồng đều. Nhiều nước đang phát triển được thiên nhiên rất ưu đãi khi sở hữu phần lớn những tài nguyên quý hiếm, với trữ lượng lớn. Để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, các nước đang phát triển chú ý nhiều đến các chính sách khai thác, sử dụng các nguồn lực của mình, đặc biệt những nguồn lực sẵn có của quốc gia là tài nguyên và lao động. Trong giai đoạn đầu, việc khai thác và sử dụng tài nguyên đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này.

Nguồn tài nguyên nhân lực: Trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển, kinh tế tri thức được coi là chìa khóa cho sự phát triển thì lao động chất lượng tốt dựa trên hao phí đào tạo hợp lý sẽ là lợi thế để phát triển và ngược lại. Điều đó được thể hiện ở năng suất, sản phẩm cận biên của lao động cũng như sự thích ứng của con người sau khi được đào tạo trước đòi hỏi của kinh tế thị trường.

Nguồn nhân lực mà hạt nhân của nó là lao động kỹ thuật là toàn bộ thể lực, trí lực với trình độ chuyên môn, kỹ năng mà con người tích luỹ được, có khả năng đem lại thu nhập vượt trội trong tương lai. Theo đó, có ba loại nhân lực chủ yếu quyết định sự phát triển là: người lao động thể lực, chuyên gia lành nghề và những người có ý tưởng sáng tạo.

Các điều kiện nhu cầu: Thị trường nội địa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, nó giúp các công ty nhận thức, lý giải và phản ứng tốt và nhanh hơn với các nhu cầu của người tiêu dùng, tiên liệu và định hình các nhu cầu trên thị trường thế giới.

Các yếu tố do con người tạo ra: Thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, khoa học, công nghệ, cơ chế hoạt động và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năng lực cạnh tranh quốc gia được đánh giá theo mô hình của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), dựa trên cơ sở chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) được lượng hóa từ 12 chỉ tiêu, chia thành ba nhóm chỉ tiêu thành phần. Trong đó, nhóm các yếu tố cơ bản có bốn chỉ tiêu là: thể chế, kết cấu hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục phổ thông; nhóm các yếu tố cải thiện hiệu quả có 10 chỉ tiêu là: đào tạo và giáo dục bậc cao, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường lao động, trình độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường; nhóm nhân tố sáng tạo có hai chỉ tiêu là: sự tinh tế của doanh nghiệp và đổi mới. Mỗi chỉ tiêu trên lại bao gồm một số chỉ tiêu chi tiết, tổng số có 111 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu chi tiết được tính toán chuyển đổi sang thang đo từ 1-7.

2. Tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2007 - 2012

Năng lực cạnh tranh quốc gia là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay. Khi năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện có nghĩa là năng suất của nền kinh tế tăng lên, các nguồn lực lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn được sử dụng hợp lý và hiệu quả, kết cấu hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ đảm bảo được nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế, kết quả là năng lực sản xuất của nền kinh tế được cải thiện. Ngược lại, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định lại là điều kiện hết sức thuận lợi để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Số liệu bảng 1 cho thấy từ sau khi gia nhập WTO đến nay Việt Nam có sự thay đổi song hành giữa tốc độ tăng trưởng GDP và năng lực cạnh tranh toàn cầu thông qua chỉ số GCI.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức 6,27% bình quân cho thời kỳ 2007 - 2012. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp cho giai đoạn kinh tế khó khăn, và Việt Nam được xếp vào nhóm các nước tăng trưởng cao tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và đứng hàng thứ ba về tăng GDP bình quân đầu người. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm 2007 - 2011 là 19,25%/năm, cao hơn mức 18,1%/năm của thời kỳ 5 năm 2001 - 2005 trước khi nước ta gia nhập WTO. Sau 5 năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 97,7%, từ 48,56 tỷ USD năm 2007 lên 96,3 tỷ USD năm 2011(1).

Đồng thời, Việt Nam đã thu hút mạnh đầu tư nước ngoài: năm 2006 vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD, năm 2008 đạt 64 tỷ USD, năm 2009 đạt 23 tỷ USD, năm 2010 đạt 18 tỷ USD, năm 2011 đạt 15 tỷ USD(2). Vốn ODA tăng cao và giải ngân nhanh. Năm 2009 vốn ODA cam kết đạt 7,3 tỷ USD, năm 2010 là 8,063 tỷ USD, năm 2011 là 7,9 tỷ USD và năm 2012 là 6,486 tỷ USD. Đến năm 2012, Việt Nam đã thu hút nguồn vốn ODA với tổng giá trị vốn cam kết của các nhà tài trợ đạt hơn 80 tỷ USD; tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt 37 tỷ USD(3).

Nhưng các nhân tố nòng cốt tạo ra sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian vừa qua là tăng đầu tư, lao động và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bằng việc gia tăng vốn đầu tư, Việt Nam đã phải thu hút một lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, nhưng các nguồn vốn huy động được lại phát huy hiệu quả rất thấp, dẫn đến gánh nặng nợ nước ngoài ngày càng tăng lên, trình độ công nghệ tăng chậm, năng suất của vốn trong nền kinh tế giảm mạnh, hệ số gia tăng vốn - đầu ra (ICOR) tăng nhanh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2000-2005 hệ số ICOR là 4,9, giai đoạn 2006-2010 hệ số này tăng lên 7,4 và năm 2012 là 7,56. Điều này cho thấy năng suất của vốn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam ngày càng giảm.

Chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là phần còn lại của tăng trưởng sau khi trừ đi phần đóng góp của các nhân tố có thể lượng hóa được (lao động và vốn), phản ánh sự đóng góp của sự tiến bộ về công nghệ, quản lý, năng suất lao động,.. trong nền kinh tế trong những năm qua đã giảm rất mạnh. Nếu trong những năm 2000-2005, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là 22% thì trong thời kỳ 2006-2010 chỉ còn 8,8%(4). Một yếu tố khác cấu thành nhân tố sáng tạo là tri thức, chỉ số kinh tế tri thức của nước ta được WB đánh giá năm 2012 là 3,4, rất thấp so với các nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới là 4,1 và mới bằng một nửa của các nước NIEs(5). Năng suất lao động thấp, nhưng tốc độ tăng bình quân (4,12% trong thời kỳ 2006-2010) chậm hơn so với các nước xung quanh (5%)(6). Đây chính là những yếu tố làm cho mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư kém đi và năng lực cạnh tranh quốc gia giảm bậc xếp hạng.

Có thể thấy chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam không được cải thiện, có sự giảm sút vị trí xếp hạng trong những năm gần đây.

Việt Nam gia nhập WTO được 6 năm, nhưng dường như chỉ số cạnh trạnh toàn cầu về cơ bản không được cải thiện (Xem bảng 2). Nếu năm 2007 GCI của Việt Nam là 4,04, năm 2008 tăng lên 4,1 thì đến năm 2012 lại trở về mức 2008 là 4,11. Cũng với tình trạng tương tự đối với các nhóm chỉ số thành phần - điểm số của các yếu tố căn bản năm 2008 là 4,23, năm 2012 là 4,22.

Các yếu tố cải thiện hiệu quả tăng nhẹ từ 3,94 lên 4,02, còn các yếu tố sáng tạo thì số điểm lại giảm từ 3,59 xuống 3,32. Mặc dù về điểm số GCI và các nhóm chỉ số thành phần thay đổi không nhiều, nhưng vị trí xếp hạng của Việt Nam lại thay đổi mạnh, cho thấy có sự dừng lại trong khi các quốc gia khác lại vươn lên. Vị trí xếp hạng của Việt Nam về năng lực cạnh tranh sau 6 năm gia nhập WTO tụt hạng 7 bậc, đặc biệt trong hai năm 2011 và 2012 tụt tới 16 bậc.

Từ năm 2008 đến nay, điểm số của các nhóm tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của nước ta đều giảm và ở mức dưới trung bình, trừ tiêu chí giáo dục tiểu học và y tế. Các nhóm tiêu chí hạn chế nhiều nhất việc cải thiện vị trí của Việt Nam về năng lực cạnh tranh trong thời gian qua là giáo dục và đào tạo bậc cao, cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, Việt Nam được WEF xếp vào nhóm các nước đang phát triển ở giai đoạn đầu. Đối với các nước thuộc nhóm này thì 60% năng lực cạnh tranh được quyết định bởi các nhóm chỉ tiêu thể chế, cơ sở hạ tầng, kinh tế vĩ mô và chất lượng sức khỏe và giáo dục cơ bản.

Ổn định kinh tế vĩ mô thấp là do hiệu quả của chính sách tài khóa bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực nhà nước. Chính sách tiền tệ đã bộc lộ những bất cập như: áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn đầu tư vào hạ tầng rất lớn nhưng hiệu quả thấp, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Thực tế trong những năm qua cho thấy một tỷ trọng lớn vốn đầu tư hạ tầng đã được dùng để bù đắp cho sự tăng trưởng kém hơn của một số địa phương chứ không phải nhằm tạo ra hiệu quả và tác động cao nhất có thể. Kinh tế vĩ mô của nước ta trong 2 năm gần đây với mức lạm phát cao hơn tăng trưởng 1,73 lần, nên việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt đã làm cho việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khó khăn hơn, sức sản xuất kinh doanh sa sút.

Nguyên nhân của tình hình này bắt nguồn từ thực trạng hệ thống tài chính kém năng động, các nguồn thu vào ngân sách còn chứa đựng những yếu tố bất ổn định, nhất là khi các khoản thu từ thuế xuất nhập giảm làm cho mức thâm hụt càng lớn so với nhu cầu có thể giải quyết đồng bộ các vấn đề kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng thương mại về cơ bản chưa phải là các ngân hàng đầu tư mà chủ yếu vẫn thực hiện chức năng là các tổ chức tín dụng. Hơn 60% tín dụng cấp cho các doanh nghiệp là ngắn hạn. Hệ thống tài chính được tổ chức theo kiểu trực tuyến với các cấp của hệ thống ngân sách, hệ thống các tổ chức tài chính trung gian như: các công ty thuê mua, công ty nhận nợ, công ty chứng khoán... còn rất yếu kém. Lượng tiền trong lưu thông còn quá lớn, nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống tài chính công.

Kết cấu hạ tầng phát triển chậm so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, sự yếu kém và thiếu đồng đều giữa các vùng là nguyên nhân trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bởi từ đó chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp tăng cao. Tình trạng quá tải ở nhiều đô thị đang là gánh nặng cho ngân sách vì các vấn đề xã hội và sinh thái.

Giáo dục và đào tạo bậc cao là lĩnh vực đáp ứng cho nền kinh tế đội ngũ chuyên gia và cán bộ quản lý. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý đang bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là kiến thức về thị trường và tài chính. WB đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng.

Thủ tục hành chính rườm rà vẫn là nhân tố làm cho môi trường kinh doanh kém hấp dẫn và là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

3. Một số định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Sau hơn 20 năm vận hành mô hình tăng trưởng hiện nay, chúng ta đã gặt hái được những những thành tựu hết sức to lớn. Đó là mức tăng trưởng kinh tế 7 - 8%/năm liên tục trong nhiều năm, thu nhập trung bình của người dân tăng lên 1.160 USD/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đã có những dấu hiệu chậm dần, Việt Nam đang mất dần những lợi thế trong cạnh tranh và động lực để có thể nâng cao mức thịnh vượng.

Tăng trưởng của nước ta trong những năm qua chủ yếu dựa vào sự chuyển dịch cơ cấu, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ và đầu tư nước ngoài, trong khi đó tăng trưởng năng suất nội bộ ngành thấp.

Tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô đã giảm, nhưng các sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng chế biến đơn giản hoặc phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu để lắp ráp trong nước, làm cho giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu thấp cùng với nhu cầu nội địa tăng làm gia tăng thâm hụt thương mại. Việt Nam có thị phần xuất khẩu lớn chủ yếu trong các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên. Chiến lược này không mang đến sự cải thiện mức sống của người dân trong tương lai. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu hướng vào xuất khẩu nhưng hầu như không có liên kết giữa các ngành xuất khẩu này, không tạo ra hiệu ứng tràn để thúc đẩy tăng năng suất trong toàn nền kinh tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ làm tăng giá trị gia tăng xuất khẩu, qua đó cán cân thương mại sẽ bớt thâm hụt và tiến tới cân bằng. Việt Nam chủ yếu cạnh tranh và thu hút đầu tư dựa vào giá nhân công thấp. Tỷ lệ tăng trưởng GDP so với đầu tư ngày càng giảm làm tăng sự lệ thuộc vào các dòng vốn bên ngoài để duy trì tăng trưởng. Tăng trưởng đang vượt quá năng lực của nền kinh tế về mặt kỹ năng lao động và hạ tầng kỹ thuật. Ngày càng nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, cả lao động có tay nghề cao lẫn lao động phổ thông và các cấp quản lý trung gian.

Để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần định hướng đồng thời vào những vấn đề căn bản và tích cực giải quyết những hạn chế, cụ thể là:

Một là, thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về năng lực cạnh tranh quốc gia đối với mọi tầng lớp cán bộ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia phải trở thành ý chí, sự khát khao chiến thắng để đạt được sự phồn vinh của cả dân tộc

Hai là, chuyển định hướng chiến lược từ tập trung tăng trưởng nhanh sang định hướng về tạo dựng năng lực cạnh tranh và cải thiện năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, xây dựng và thực thi quy hoạch, các kế hoạch dài hạn, cải cách thể chế, xác định chính xác định hướng đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu lao động và khai thác các lợi thế so sánh của quốc gia.

Ba là, xác định mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp cho thời kỳ mới, với việc đổi mới cấu trúc nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng trong tương lai phải dựa trên nền tảng các doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và thế giới, sự phát triển khoa học và công nghệ, đội ngũ lao động có trình độ cao và kinh tế tri thức.

Bốn là, khắc phục ngay những khâu yếu kém trong nền kinh tế - trở lực của quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng nhất quán các mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường tài chính và hoạt động bình thường của các định chế tài chính nhằm bảo đảm vốn cho nền kinh tế trên cơ sở chính sách tài khóa thận trọng. Quản lý nợ công phù hợp, chính sách tiền tệ hiệu quả, một nền tảng vốn vững mạnh và kỷ luật tài chính chặt chẽ.

Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đào tạo với chiến lược dài hạn, hình thành đội ngũ công chức, chuyên gia, công nhân lành nghề thực sự có chất lượng để lấp lỗ hổng về chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và kinh tế tri thức.

Tăng cường kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng hiệu quả để tháo gỡ các nút thắt trong nền kinh tế và khắc phục những yếu kém về năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm là, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, từng bước thống nhất pháp luật áp dụng đối với với mọi loại hình doanh nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân trong nước phát triển.

Sáu là, tôn trọng và thực hiện các cam kết, các nghĩa vụ với WTO và với các tổ chức kinh tế quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

_________________

(1), (2) Tính toán trên cơ sở số liệu Tổng cục Thống kê

(3) Nguyễn Hòa: Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA, WWW.baomoi.com, ngày 21-12-2012

(4) Bùi Trinh: Hiệu quả đầu tư nhìn từ hệ số ICOR, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (2011)

(5) WB, Knowledge Economy Index (KEI) 2012 Rankings

(6) Trung tâm Năng suất Việt Nam, Báo cáo năng suất Việt Nam 2010