Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện công trong cơ chế tự chủ tài chính

TS. Nguyễn Thị Lan Anh, ThS. Hoàng Thị Hải Yến - Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên)

Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập thay thế Nghị định 43/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP về hướng dẫn cụ thể áp dụng riêng đối với ngành Y tế và hướng dẫn Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện trong điều kiện áp dụng cơ chế tự chủ tài chính mới của Nghị định 16/2015/NĐ-CP đối với các đơn vị sự nghiệp nói chung và các bệnh viện công lập nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quản lý bệnh viện trong cơ chế tự chủ tài chính

Quản lý bệnh viện là một phạm trù đòi hỏi người quản lý phải có cách nhìn tổng quan, bao quát cả về môi trường ngành Y tế cũng như các nhân tố tác động trực tiếp đến hệ thống quản lý bệnh viện. Tự chủ tài chính là quyền tự quyết định mọi hoạt động về việc sử dụng nguồn tài chính của chủ thể ra sao, các hình thức huy động và phân bổ tài chính để đạt được mục tiêu đề ra của đơn vị tự chủ.

Trong điều kiện Nhà nước còn bao cấp cho các bệnh viện công lập thì hoạt động quản lý chỉ đơn thuần là tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Mọi hoạt động của bệnh viện đều dưới sự giám sát và quản lý của Nhà nước.

Bởi vậy, các bệnh viện chưa đa dạng hóa được các hoạt động sự nghiệp, chưa mở nhiều hình thức khám chữa bệnh (nội trú, ngoại trú, khai thác nguồn thu từ dịch vụ, xây dựng các giải pháp tiết kiệm chi phí trong chi tiêu); chưa tạo điều kiện các kỹ thuật cao được triển khai tới từng bệnh viện.

Nguồn từ ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế nên các bệnh viện chưa đẩy mạnh được công tác xã hội hóa, nhiều loại máy móc thiết bị hiện đại chưa được lắp đặt gây khó khăn trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân; các bệnh viện tuyến huyện không có cơ hội triển khai thực hiện các kỹ thuật mới mà phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, trong cơ chế tự chủ tài chính, các bệnh viện công không còn được Nhà nước bao cấp mà phải tự chủ về tài chính cũng như tự tổ chức sắp xếp lại bộ máy sao cho hiệu quả và phải hoàn thành chỉ tiêu do Nhà nước đề ra. Vậy, tự chủ tài chính trong các bệnh viện công diễn ra như thế nào?

Các bệnh viện công tự chủ về tài chính nhưng có sự tham gia một phần của Nhà nước trong điều phối hoạt động thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Theo cơ chế tự chủ, các bệnh viện được linh động trong tổ chức và hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người bệnh cũng như giải quyết được nhiều khó khăn của bệnh viện.

Tự chủ tài chính giúp các bệnh viện xác định phát triển theo hướng cung cấp các dịch vụ y tế tốt nhất. Các bệnh viện sẽ thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động y tế thông qua chủ trương xã hội hóa y tế.

Đồng thời, việc thực hiện tự chủ giúp cho các bệnh viện vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vừa tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên. Chất lượng khám chữa bệnh thể hiện ở cải cách thủ tục rút ngắn thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh, giảm tiêu cực, khắc phục thái độ ban ơn, hách dịch từ một bộ phận cán bộ bác sỹ.

Để nâng cao năng lực quản lý bệnh viện công lập khi thực hiện tự chủ tài chính

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Dự thảo trình Chính phủ của Bộ Y tê,̀ các đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện cơ chế tự chủ theo 4 nhóm: (1) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Và tự chủ tài chính theo các nội dung: (i) Xây dựng quy hoạch phát triển và dự án đầu tư; (ii) Về quản lý, sử dụng tài sản; (iii) Giá, phí dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế - dân số, kế hoạch hóa gia đình; (iv) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Để nâng cao năng lực quản lý bệnh viện công lập trong cơ chế tự chủ mớỉ, bài viết đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất, lập kế hoạch chiến lược: Đây là một quá trình trong đó người lãnh đạo nhìn thấy được tương lai và triển khai những thủ tục và việc thực thi để cần thiết để đạt tới tương lai đó.

Trong kế hoạch chiến lược người lập phải có cái nhìn bao quát không những chỉ là mục tiêu của bệnh viện mà phải có liên hệ môi trường bên ngoài để hiểu được lực lượng và xu hướng sẽ tác động đến việc hoàn thành kế hoạch đó.

Thứ hai, lập và giám sát kế hoạch ngân sách: Đây là khâu yếu trong hoạt động quản lý của bệnh viện hiện nay.

Trong cơ chế tự chủ với những khó khăn của công tác quản lý tài chính bệnh viện cần phải lập và giám sát kế hoạch ngân sách, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách một cách kiện toàn vì việc cân đối tài chính là khó khăn không những về chi phí đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên mà ở cả việc đảm bảo cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Thứ ba, cải cách công tác quản lý bệnh viện: Trong công tác chuyên môn, các bệnh viện tổ chức tốt công tác thường trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú; cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy chế chuyên môn, y đức; nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử văn hóa nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên.

Trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, cần xây dựng kế hoạch hoạt động theo hướng sát thực, làm tốt công tác đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo theo các chuyên ngành, kết hợp mời tuyến trên về đào tạo chuyển giao công nghệ đối với một số chuyên khoa mũi nhọn; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học.

Các bệnh viện cần lập kế hoạch chọn ưu tiên mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị máy móc; thực hiện tốt công tác xã hội hóa y tế, liên doanh liên kết hoặc góp vốn để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ y tế.

Công tác tổ chức hành chính quản trị cần chú trọng triển khai làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, sắp xếp bố trí nhân lực lao động hợp lý phù hợp tình hình thực tế của bệnh viện; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, duy trì hiệu quả đường dây nóng; giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại của nhân dân, gia đình người bệnh.

Lãnh đạo các bệnh viện cần giao bộ phận kế toán xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch viện phí, chỉ tiêu thu các dịch vụ hàng năm; tổ chức tốt công tác thu viện phí và dịch vụ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí các khoản chi tiêu ngân sách; rà soát cân đối xây dựng dự toán các nguồn thu, chi hàng năm; duy trì bảo đảm đáp ứng nhu cầu chi các hoạt động thường xuyên của bệnh viện; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với việc xây dựng phần mềm “Quản lý bệnh viện” và phần mềm “Quản lý bệnh nhân” nhằm đáp ứng được các yêu cầu quản lý nghiệp vụ của bệnh viện và quản lý tốt hồ sơ hành chính, quá trình điều trị và các xét nghiệm đối với bệnh nhân; tăng cường chất lượng thông tin của bệnh viện...

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường hợp tác quốc tế; duy trì mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa y tế trên các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao kỹ thuật…

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Các bệnh viện tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ nhân viên bệnh viện nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi trong công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, mang lại hiệu quả đích thực cho hoạt động của bệnh viện.           

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2014), Tài liệu đào tạo liên tục quản lý chất lượng bệnh viện, NXB Y học;

3. Chính phủ (2012), Nghị định 85/2012/NĐ-CP, quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;

4. Chính phủ (2015), Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

5. Khoa học tổ chức và quản lý một số vấn đề lý luận và thực tiễn (1999), NXB Thống kê Hà Nội.