Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017:

Nâng cao năng suất - Đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017 với chủ đề Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là chủ đề mang tính thực tiễn cao, thể hiện sự đồng nhịp về tư duy, quan điểm của Chính phủ và các đối tác đối với sự phát triển của Việt Nam.

Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Internet
Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Internet

Nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị bền vững

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, giai đoạn 1990 - 2000, tăng trưởng bình quân là 7,3%; giai đoạn 2001 - 2010 giảm còn 6,7%, và giai đoạn 2011 - 2016 chỉ tăng bình quân dưới 6%. Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tức dựa vào vốn, khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động. Do vậy, năng suất lao động tăng chậm - nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm theo.

Ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp UNDP tại Việt Nam cho rằng, để không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực, định hướng xuất khẩu.

Chính vì vậy, điều Việt Nam có thể học hỏi là tập trung vào phát triển con người thông qua tăng cường giáo dục về khoa học, công nghệ; tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề; thu hút tài năng, kinh nghiệm từ người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài. Song song với đó là tăng tài trợ cho đổi mới sáng tạo, trong đó có lãi suất ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; tài trợ hoặc có các chính sách tài chính thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Cũng giống như tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra vừa qua, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI bằng cách trở thành một “mắt xích” trong khâu sản xuất, kinh doanh là vấn đề được đặc biệt lưu ý. Cùng với hội nhập sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cao ra thế giới.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, việc hạn chế gia tăng năng suất trong thời gian qua còn bị ảnh hưởng bởi mức độ phát triển của thị trường.

Thị trường chưa phải là nhân tố chủ yếu trong huy động và phân bố nguồn lực trong nền kinh tế. Giá thành của các yếu tố sản xuất như lãi suất, tiền lương, giá quyền sử dụng đất chưa được hình thành theo quan hệ cung cầu thị trường, còn bị chi phối bởi các quyết định hành chính làm méo mó các tín hiệu thị trường.

Giải pháp tăng năng suất

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 tập trung tìm kiếm các giải pháp tăng năng suất. Đây là vấn đề tối quan trọng với Việt Nam trong việc thực hiện ước vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình đến năm 2035.

Ông Ousmane Dione, trong 5 năm qua, sau suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Mức tăng trưởng năng suất như hiện nay sẽ có khả năng giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững, theo con đường phát triển của những nước phát triển hơn như Hàn Quốc, Singapore.

Theo ông Ousmane Dione, hiện nay, có rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, năng lượng trong công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống giao thông và logistics kết nối hiệu quả.

Việc vươn lên trong nấc thang chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng để cải thiện năng suất mà quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ ràng. Cùng với đó là sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất, vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng theo ông Ousmane Dione, những cải cách nhằm phát triển, tăng cường thể chế thị trường hiệu quả cần được đẩy mạnh để đạt tăng trưởng năng suất. Để đạt được điều này, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, đặc biệt là phải bảo đảm phân bổ nguồn lực phù hợp, trong đó chú trọng đến nguồn lực đất đai và vốn. Có như vậy mới tăng cường cạnh tranh và bảo đảm sân chơi bình đẳng cho các đối tác.

Chia sẻ quan điểm với các đại biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế yếu kém, trong đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao. Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác, của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cải thiện năng suất không chỉ là nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ kiên định giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đây là những điều kiện tiên quyết cho thành công của mọi dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh.