Nâng tầm pháp lý về đầu tư công

TS. Vũ Nhữ Thăng - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

(Tài chính) Dự thảo Luật Đầu tư công cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư; đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn... Tuy vậy, vẫn cần phải làm rõ một số khía cạnh trong dự thảo quan trọng này.

 Nâng tầm pháp lý về đầu tư công
Luật Đầu tư công phải phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thông qua việc rà soát và hệ thống hóa các quy định về đầu tư công. Nguồn: internet

Trong thời gian qua, đầu tư công bằng các nguồn vốn của Nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư công còn góp phần phục vụ cho việc giải quyết các nhu cầu bức thiết trong đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư công và quản lý đầu tư công cả về mặt thể chế cũng như tổ chức thực hiện. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công là thực sự cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư công.

Sự ra đời của Luật Đầu tư công cũng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thông qua việc rà soát và hệ thống hóa các quy định về đầu tư công, giảm thiểu các quy định, hướng dẫn đầu tư công nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Qua đó, góp phần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các chương trình, dự án, từ lập kế hoạch, phê duyệt đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quá trình quản lý đầu tư công.

Việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công phù hợp với các nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về thực hiện tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.

Nội dung dự thảo Luật Đầu tư công cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công. Nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đầu tư công đã thể chế hóa công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn được đổi mới và tăng cường. Việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn; khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, nội dung Luật Đầu tư công cũng cần được tiếp tục thảo luận và làm rõ một số khía cạnh sau đảm bảo cho việc quản lý, đầu tư và sử dụng nguồn lực công hiệu quả.

Thứ  nhất, về mối quan hệ giữa Luật Đầu tư công với các luật có liên quan khác như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Đấu thầu… để xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như tránh những chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đầu tư công với các luật liên quan khác.

Thứ  hai, vấn đề phân cấp quản lý đầu tư công. Trên cơ sở phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, phân cấp quản lý đầu tư công thời gian qua đã được xác định nhưng trên thực tế còn tạo ra những bất cập, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý đầu tư công hiện hành.

Bên cạnh đó, tính đồng bộ, gắn kết giữa phân cấp quyết định chủ trương đầu tư với quyết định đầu tư, cân đối nguồn lực đầu tư và thực hiện đầu tư, quản lý giám sát đầu tư còn chưa nhịp nhàng, đồng bộ nên tính hiệu quả trong đầu tư công chưa cao.

Do vậy, Luật Đầu tư công cần phải có các quy định cụ thể trong phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị liên quan trong từng khâu của quy trình quản lý đầu tư công để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể.

Thứ  ba, cần định vị lại vai trò đầu tư công trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như định vị lại quy mô đầu tư công, cơ cấu đầu tư công theo từng ngành, lĩnh vực, gắn với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đi kèm với đó là tăng cường chế tài và tính kỷ luật trong các quy định liên quan tới đầu tư công nhằm đảm bảo tính hiệu lực trong các quy định về đầu tư công và quản lý đầu tư công cũng như đảm bảo việc thực hiện quản lý, sử dụng nguồn lực công hiệu quả.