Nâng tầm phát triển ngành công nghiệp dịch vụ

Theo Tin tức

Dịch vụ là một trong những nhóm ngành quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Dù đang có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực lao động dồi dào, thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân, vị thế xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới… nhưng ngành dịch vụ hiện chưa khai thác được tiềm năng để nâng tầm giá trị trở thành một ngành công nghiệp hiệu quả, đóng góp lớn cho tỷ trọng GDP quốc gia.

Hoạt động sản xuất tại xưởng dệt áo len xuất khẩu
Hoạt động sản xuất tại xưởng dệt áo len xuất khẩu
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành Dịch vụ có mối liên hệ chặt chẽ với sản xuất, sản xuất phát triển thì dịch vụ mới “ăn nên làm ra”. Do đó trong năm 2013, các giải pháp phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm thúc đẩy ngành Dịch vụ phát triển.

Tập trung giải phóng hàng tồn cho doanh nghiệp


Tại buổi tọa đàm “Những giải pháp đẩy mạnh ngành Công nghiệp Dịch vụ” được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, năm 2012 là một năm đặc biệt khó khăn vì chưa có năm nào thu ngân sách đạt tương đương kế hoạch đề ra, các năm trước đều vượt 17 - 20% so với mức thu trong kế hoạch. Đây là tín hiệu cho thấy việc sản xuất của các DN gặp nhiều khó khăn nên việc nộp thuế và các nguồn thu cho ngân sách cũng khó khăn không kém. Đặc biệt là đối với nhiều địa phương trước đây có nguồn thu ngân sách rất lớn thì năm 2012 cũng giảm sút, điều này phản ánh sự ảnh hưởng từ nguồn thu thuế đất do thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng. Thêm vào đó là ảnh hưởng bởi các chính sách giãn, hoãn thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng; sức sản xuất của DN, sức mua thị trường giảm sút.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng: Tuy có xu hướng giảm dần trong các tháng gần đây nhưng hàng tồn kho của nền kinh tế đang còn rất lớn (khoảng 20% tùy ngành). Chỉ số hàng tồn kho cao tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ô tô, xe máy, sắt thép, cơ khí, thủy sản, dệt may, sản xuất phân bón… và ở khu vực DN ngoài nhà nước, DN vừa và nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính sách điều tiết kinh tế không ổn định, việc thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thắt chặt ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, công trình. Sức giảm mạnh của tổng cầu trong nước và quốc tế là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho các DN ngừng hoạt động hoặc giải thể. Để xử lý được lượng hàng tồn kho này thì không thể ngay trong quý I/2013 xử lý được mà lượng hàng tồn này sẽ “bám” theo các DN đến hết nửa đầu của năm 2013 mới quay lại mức bình thường. Vấn đề chính của DN hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, để DN tiếp cận với các khoản vay mới, vấn đề không dừng lại ở hạ lãi suất hay khoanh nợ, mà còn phải hỗ trợ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho cho DN.

Riêng tình trạng hàng tồn kho trong lĩnh vực BĐS, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, các chính sách cần dồn vào cấu trúc lại nguồn cung, làm cho cung thoáng hơn, từ đó có thể tăng cầu bằng cách giảm lãi suất, tăng kỳ hạn cho vay; giảm thuế đất (chiếm rất lớn trong chi phí nhà ở hiện nay, làm giá nhà ở tăng gấp đôi) để giảm chi phí nhà ở; đơn giản hóa thủ tục cấp nhà ở…

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, để giải phóng hàng tồn kho, DN phải tính toán hạ giá, bán được sản phẩm để có thể trả được nợ ngân hàng và tiếp tục sản xuất, đồng thời tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Giải pháp để doanh nghiệp “vượt bão”

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, ba vấn đề tồn tại của năm 2012 cần đặc biệt lưu ý trong điều hành vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năm 2013. Đó là, cuối tháng 5/2012 ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong xây dựng cơ bản mới được phân bổ xong nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai của các địa phương và DN. Kỷ luật tài chính chưa nghiêm, thu khó khăn nhưng chi vượt dự toán (vẫn trên 2 con số). Thứ ba là “bệnh” ứng vốn và ứng trái phiếu Chính phủ của năm 2012 cho năm 2013. Điều này khiến nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư chứ không phải từ tăng năng suất lao động.

Năm 2012 lĩnh vực xuất nhập khẩu đạt những thành tựu ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra 13% nhưng phải nhìn nhận nghiêm túc là chủ yếu tăng từ các sản phẩm của các DN FDI, còn các DN trong nước so với năm 2011 tiếp tục giảm. Nhập khẩu liên tục giảm, riêng khối DN trong nước nhập siêu khoảng 11,7 tỷ USD, trong khi đó khối DN FDI xuất siêu khoảng 12 tỷ USD.

Trước đây, chúng ta nhập siêu lớn, trung bình 10 - 13 tỷ USD/năm nhưng năm 2012 chúng ta đã trở thành một nước xuất siêu. Đây là tín hiệu mừng cho thấy việc thu hút vốn FDI trong thời gian qua có kết quả nhất định. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế không đánh giá cao vì đây sẽ là mối đe dọa, thể hiện sự khó khăn của khu vực sản xuất trong nước vì năm trước nhập khẩu thấp thì trong các năm tiếp theo sẽ có ít nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, năm 2013 dự báo là một năm đầy sóng gió nhưng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2012, Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, nếu nỗ lực sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng này. “Tôi cho rằng, tiền đề là làm cho nền kinh tế phục hồi trở lại thì phải xử lý vấn đề lãi suất. Năm 2013 phải phấn đấu để các ngân hàng thống nhất lãi suất cho vay khoảng 9% để tháo gỡ khó khăn cho DN. Do đó những DN không có khó khăn lớn thì nên bắt đầu tìm hiểu thị trường tiềm năng, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng phát triển những sản phẩm công nghệ cao, phát triển công nghệ để có thể sống sót trong dài hạn, đặc biệt chú trọng bảo vệ thương hiệu…”, ông Nghĩa nhận định.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2012 dịch vụ chỉ chiếm 38% trong tăng trưởng GDP do sản xuất không phát triển được nên kéo dịch vụ giảm. Do đó, để dịch vụ phát triển trước hết phải phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Việc xử lý nợ xấu chưa thể có kết quả ngay trong những tháng đầu năm, tín dụng chưa tăng ngay được, tài khóa có tác động tạo cầu, giải phóng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để DN tiếp tục quá trình kinh doanh, tạo tiền trả nợ cũ. Trong khi chờ công ty quản lý tài sản hoạt động, khoanh nợ cho những DN sản xuất và kinh doanh nông sản, DN xuất khẩu, DN chế tác có khó khăn tạm thời để các DN này tiếp tục được vay vốn, còn những DN làm ăn yếu kém thì phải để thị trường đào thải.