Nên cho ngân hàng thêm thời gian

Theo Thời báo Ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia ngân hàng cho rằng, chưa nên áp dụng Thông tư 02 vào thời điểm này để giảm áp lực cho các tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó hỗ trợ họ cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia ngân hàng nhận định: Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được coi là bước tiến mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong lộ trình hội nhập quốc tế. Điều đó thể hiện phương pháp phân loại nợ mới sẽ phản ánh rõ hơn thực trạng nợ xấu của các TCTD, qua đó góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hệ thống.

PV: Nhưng vừa qua nhiều ý kiến cho rằng, cần phải lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02/TT-NHNN của NHNN. Ông có đồng tình quan điểm này?

Nên cho ngân hàng thêm thời gian - Ảnh 1
TS. Cấn Văn Lực,
Chuyên gia ngân hàng

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, chưa nên áp dụng Thông tư 02 vào thời điểm này để giảm áp lực cho các TCTD, qua đó hỗ trợ họ cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Bởi nếu áp dụng các quy định mới tại Thông tư này, nhiều DN sẽ bị “rớt hạng”, kéo theo khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ trở nên khó khăn hơn; nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên trong khi nợ xấu cũ vẫn chưa được giải quyết. Như vậy, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, tác động trực tiếp đến lợi nhuận và họ sẽ rất thận trọng trong cấp tín dụng.

Chưa hết, chi phí tăng, ngân hàng e dè trong việc giảm lãi suất cho vay. Và như vậy các DN không có nhiều cơ hội tiếp cận vốn rẻ. Qua đó, mục tiêu của Chính phủ, NHNN đẩy tăng trưởng tín dụng 12% đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được. Bởi vậy, theo tôi, việc lùi thời hạn thực thi Thông tư 02 sẽ tốt hơn cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Trong trường hợp đề xuất trên được chấp thuận, theo ông thời gian trì hoãn nên là bao lâu?

Theo tôi có hai phương án. Phương án đầu tiên có thể là Thông tư 02 lùi hết năm nay, nhưng gia hạn đến hết quý II/2014 đối với Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Bởi nếu áp dụng Thông tư 02 thì đồng nghĩa với Quyết định 780 sẽ hết hiệu lực. Như vậy rất nhiều khách hàng “nhảy” nhóm.

Phương án 2, có thể trì hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm, đồng thời hết hiệu lực Quyết định 780. Việc trì hoãn này nhằm cho các ngân hàng thêm thời gian chuẩn bị tinh thần, làm quen với cách tính, phương pháp phân loại nợ mới để khi triển khai Thông tư 02 không gặp vướng mắc.

Nhưng, nếu sang năm 2014 tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa cải thiện nhiều thì liệu có tiếp tục trì hoãn không, thưa ông?

Theo tôi, không đẩy lùi quá lâu, chỉ nên trì hoãn một lần và chỉ nên gia hạn tối đa 1 năm. Điều này vừa thể hiện sự kiên định trong điều hành chính sách cũng như tiến gần đến chuẩn mực quốc tế. Theo thông lệ quốc tế nói chung, đồng thời trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bao giờ các quy định phân loại nợ cũng sẽ phải siết chặt hơn. Còn thời điểm nào áp dụng thì như hai phương án trên tôi đã trình bày.

Cũng có ý kiến cho rằng, những quy định mới tại Thông tư 02 chặt chẽ hơn so với thế giới, liệu áp dụng tại Việt Nam có phù hợp?

Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng, khi soạn thảo Thông tư 02, NHNN đã nghiên cứu kỹ theo thông lệ quốc tế, và đương nhiên có tính đến đặc thù của Việt Nam mới đưa ra những quy định như vậy. Đây được coi là bước tiến dài của NHNN trên lộ trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiệm cận gần hơn với những chuẩn mực quốc tế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!