Nền kinh tế việt nam dưới góc nhìn kinh tế tri thức

NGUYỄN PHƯƠNG LINH - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Taichinh) - Kinh tế tri thức là cánh cửa mở ra cho các nền kinh tế đang phát triển tiếp cận và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Nếu chần chừ, chậm chạp, không kiên quyết, bỏ lỡ cơ hội, đất nước sẽ tụt hậu xa hơn nữa và khó tránh khỏi sự lệ thuộc… Từ thực trạng nền kinh tế nước ta, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ nước kém phát triển đến nay, Việt Nam đã đạt mức của nước có thu nhập trung bình thấp (năm 2014 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.030 USD/người). Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/ năm giai đoạn 2001-2010 và khoảng 5,7%/năm giai đoạn 2011-2014. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, nông nghiệp còn khoảng 20% trong GDP và khoảng 47% trong tổng số lao động xã hội. Vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh và chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Lao động qua đào tạo đạt khoảng 49,0%. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-19 biết chữ là trên 98%. Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 35% dân số, mức trung bình trên thế giới và đứng thứ 7 ở châu Á. Bên cạnh đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp (DN) chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ theo cả hai phương thức, sản nghiệp hóa các tri thức khoa học và công nghệ trong nước và các công nghệ mới nhập từ nước ngoài, tạo ra những sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh cao, ví dụ như Tập đoàn Thái Hương, Tập đoàn Sơn Kova, Tập đoàn Viettel…

Tuy nhiên, xét toàn diện nền kinh tế cho đến nay vẫn đi theo lối mòn, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Nhiều vấn đề bất ổn trong kinh tế vĩ mô nảy sinh: Nợ xấu tăng cao, thanh khoản kém, DN gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh… Nền kinh tế về cơ bản vẫn là kinh tế gia công, bán tài nguyên, nhập công nghệ, chưa phát huy được năng lực khoa học công nghệ quốc gia… So với các nước hoặc nền kinh tế có điểm xuất phát tương tự, họ đã phát triển vượt lên hiện đại hóa và có khoảng cách khá xa với Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan…

Hàm lượng chất xám trong sản phẩm của Việt Nam là rất thấp, “đến 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao dự kiến đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản phẩm công nghiệp” (Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam). Đầu tư cho khoa học, công nghệ ở Việt Nam so sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực cũng ở mức thấp. Hiện nay, Việt Nam chỉ dành khoảng 0,5% - 0,6% GDP cho hoạt động khoa học, công nghệ, trong khi đó con số này ở Malaysia là 1%, Singapore là 3%...

Theo xếp hạng về chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của World Bank, Việt Nam xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ trong năm 2012, tăng so với 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình kém. Việt Nam đạt mức này chỉ do yếu tố công nghệ thông tin có tiến bộ nhanh, còn lại các yếu tố khác của kinh tế tri thức đều chưa có đóng góp đáng kể. So sánh với những nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số KEI của Việt Nam năm 2012 mới chỉ đạt 3,4 điểm, trong khi Singapore là 8,26 (đã được xếp vào nước có nền kinh tế tri thức hay kinh tế sáng tạo); Malaysia là 6,10; Thái Lan là 5,21; và Philippine là 3,94… Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2012-2013 là 4,11 xếp thứ 75/144 nước, trong khi Philippine xếp thứ 65, Indonesia thứ 50, Thái Lan thứ 38, Malaysia thứ 25. Đáng chú ý, Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (đánh giá toàn diện về độ sáng tạo/đổi mới của mỗi quốc gia), Việt Nam mặc dù đã đứng thứ 51/125 nước trong năm 2011 nhưng đến năm 2012 lại bị tụt sâu xuống thứ 76/141 nước… Như vậy, nếu xét theo 12 trụ cột, ba giai đoạn phát triển của các nền kinh tế, thì Việt Nam vẫn là nước đang giẫm chân tại chỗ trong giai đoạn 1. Những chỉ báo ở trên đã cho thấy, khoảng cách và sự tụt hậu của Việt Nam với thế giới còn rất lớn.

Cần đổi mới toàn diện và triệt để hơn

Với nền tảng phát triển kinh tế ở trên, việc hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt, vận dụng tri thức và công nghệ mới để đẩy nhanh và rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, để tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức, đó là tư duy tổng thể toàn cầu, tư duy về thời đại mới và tiến cùng thời đại: Toàn cầu hóa – hội nhập quốc tế, phát triển bền vững. Tư duy và nhận thức về tri thức, thông tin, sức sáng tạo là nguồn lực và động lực quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội; đầu tư cho vốn tri thức là đầu tư quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Từ đổi mới tư duy, nhận thức đi tới đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế; đổi mới cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị DN; đổi mới giáo dục đào tạo, đổi mới hoạt động khoa học công nghệ…

Thứ hai, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và tri thức. Sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện cần để hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Theo đó, cần đầu tư hơn nữa cho khoa công nghệ…. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nước ta hiện nay, bảo vệ lợi ích của nước mua công nghệ, đồng thời khuyến khích mạnh sự sáng tạo từ trong nước…

Thứ ba, cần có chính sách đặc biệt thu hút những trí thức Việt Nam được đào tạo, sinh sống và làm việc ở nước ngoài; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức. Nghiên cứu khoa học được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hình thành kinh tế tri thức. Do đó, cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và nghiên cứu cơ bản có định hướng, cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, cho đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản vô hình. Đổi mới hệ thống thống kê theo xu thế mới của thế giới về sự phát triển bền vững, phản ánh đúng và đầy đủ chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế; có tính đến sự biến động của tổng tài sản quốc gia, ảnh hưởng của suy thoái môi trường, tiêu hao tài nguyên…

Thứ tư, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến việc phát huy vai trò của khoa học, công nghệ, hướng đến kinh tế tri thức; Tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền... Cụ thể là cần sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh dựa trên hiệu quả bằng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... Phát huy cao quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện trên thực tế khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thứ năm, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu. Cần kết hợp hợp lý phát triển kinh tế theo hai mô hình này, một mặt khai thác những lợi thế sẵn có về lao động, tài nguyên; mặt khác phải “đi tắt, đón đầu”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình “hiện đại”, “rút ngắn” để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Tăng thu hút FDI, thương mại quốc tế có chọn lọc, hướng vào chuyển giao tri thức, nâng cao trình độ công nghệ trong nước, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…