Ngân hàng Nhà nước đề xuất ba “đặc quyền” cho Công ty quản lý tài sản

PV.

Tại Dự thảo về đề nghị xây dựng dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh hơn nữa việc xử lý nợ xấu, trong đó có việc tháo gỡ các vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo. Đặc biệt NHNN đã đề xuất một loạt đặc quyền cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) và các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, đặc biệt về quyền xử lý tài sản đảm bảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, NHNN cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là xử lý tài sản đảm bảo. Vì vậy, để hoàn thành được mục tiêu, phải có cơ chế đặc thù. Do đó, NHNN đã đề xuất ba “đặc quyền” cho VAMC, cụ thể:

Thứ nhất, NHNN đề xuất có quy định hướng dẫn riêng về trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản cho bên xử lý tài sản theo hướng cho phép VAMC/tổ chức tín dụng được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý trong trường hợp VAMC/tổ chức tín dụng và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm tài sản. Trong đó bao gồm quy định về trách nhiệm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan công an, UBND các cấp...).

Thứ hai, NHNN đề xuất bổ sung quy định theo hướng: chấp hành viên không được kê biên đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp tại VAMC/ tổ chức tín dụng khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm. Thứ tự, sửa thứ tự ưu tiên thanh toán cho VAMC/ tổ chức tín dụng trước khi thu các loại thuế khác.

Theo NHNN, quy định hiện nay cho phép chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp hoặc cầm cố tại tổ chức tín dụng đảm bảo cho khoản vay gây ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, gia tăng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thứ ba, về quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, NHNN cho rằng, đa số các tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do đó, NHNN đề xuất bổ sung quy định cho phép VAMC/bên mua nợ của tổ chức tín dụng và VAMC (đối với khoản nợ được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất) được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua đó đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, tại dự thảo đề xuất về phí thi hành án, Điều 60 Luật Thi hành án dân sự hiện quy định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án.  Về Quy định này, NHNN cho rằng đang vô tình khuyến khích người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của VAMC/ tổ chức tín dụng. Vì vậy, NHNN đề xuất bỏ quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn xử lý nợ xấu tại nước ta.