Ngân hàng quyết liệt giảm nợ xấu

Theo Thông tin Tài chính

Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% vào cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của Các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xuống các ngân hàng thương mại và đẩy mạnh xử lý nợ xấu… Song, trong khi xử lý nợ xấu vẫn khó khăn, nợ xấu mới vẫn phát sinh do khâu phát mãi tài sản khó thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng đến đâu?

Trái ngược với sự quyết liệt của NHNN trong việc xử lý nợ xấu, tình hình thực tế tại từng ngân hàng cho thấy, tiến độ này đang diễn ra rất chậm. Trong 4 tháng đầu năm 2015, nợ xấu đã được xử lý gần 26.000 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2012 đến nay đạt khoảng 337.000 tỷ đồng, tương đương 73% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Còn từ đầu năm đến cuối tháng 6/2015, VAMC đã duyệt mua hơn 33.000 tỷ đồng nợ xấu (tổng dư nợ theo hồ sơ đề nghị đã tiếp nhận gần 50.000 tỷ đồng), lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 6/2015, VAMC đã mua tổng cộng khoảng 158.000 tỷ đồng nợ xấu.

Theo Chỉ thị số 02 của NHNN, đến ngày 30/6/2015, tổ chức tín dụng phải xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó, chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách mảng xử lý nợ xấu cho biết, nếu tính đến thời điểm cuối năm 2014, nợ xấu của ngân hàng vào khoảng 5%, thì thời điểm hiện tại, con số nợ xấu mới giảm được khoảng 1% trên tổng dư nợ. Đến cuối tháng 6/2015, số nợ xấu bán cho VAMC mới đạt khoảng 1/4 kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Lý giải vì sao việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm, vị lãnh đạo này cho biết, xử lý nợ xấu không phải là câu chuyên riêng của bộ phận xử lý nợ mà đó là hoạt động cần sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều phòng, ban khác trong toàn ngân hàng, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng; phát triển sản phẩm dịch vụ; trích lập dự phòng và siết chặt hơn nữa quản trị rủi ro, đề phòng nợ xấu mới phát sinh…

“Liên quan đến bán nợ xấu cho VAMC chậm một phần do hồ sơ bán nợ phải được thẩm định tại ngân hàng rất kỹ mới chuyển lên VAMC. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là nguồn nhân lực của VAMC cũng hạn chế trong khi khối lượng công việc lớn nên quá trình xét duyệt hồ sơ tại cơ quan này cũng có những chậm trễ nhất định”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.

Trên thực tế, việc ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro 20%/năm giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC cũng khiến lợi nhuận ngân hàng bị giảm mạnh, nên nhiều ngân hàng không quan tâm với việc bán nợ xấu.

Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu chậm còn có một nguyên nhân nữa là việc thu hồi tài sản của ngân hàng, đặc biệt là tài sản liên quan đến các vụ án, cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan đến xử lý nợ, tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều rào cản.

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng giảm bớt áp lực tài chính và phục hồi sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên, điều kiện cơ cấu lại nợ đã được thắt chặt hơn theo quy định của Thông tư số 09/2014/TT-NHNN. Tính đến cuối tháng 4/2015, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ xấp xỉ là 310.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 12/2014. “Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 9.000 tỷ đồng và một trong những nguyên nhân chính là Quyết định 780 hết hiệu lực, các khoản nợ “chuyển nhóm”, khiến nợ xấu bị dồn ứ”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Có lẽ, với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, những bất cập về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm chậm được tháo gỡ, sản xuất - kinh doanh và thị trường bất động sản phục hồi chậm, năng lực của VAMC còn hạn chế…, nợ xấu vẫn là mối đe dọa, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Giảm nợ xấu bằng cách đẩy nhanh M&A ngân hàng

Ngay từ đầu năm 2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cùng các văn bản chỉ đạo xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm 2015.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, ngân hàng ông thường xuyên nhận được các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, kèm theo áp dụng các biện pháp hỗ trợ (như quản lý cấp phép, kiểm soát tăng trưởng tín dụng…) để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. “NHNN cũng đã có biện pháp hỗ trợ về việc trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và trái phiếu đặc biệt phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng trong một số trường hợp khó khăn hoặc đang thực hiện cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt”, vị Tổng giám đốc trên nói.

Trong khi đó, về phía NHNN, thông qua các buổi làm việc với các tổ chức tín dụng, NHNN đã tổng hợp các vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý. NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường… và hiện đang khẩn trương hoàn thiện, ban hành các thông tư hướng dẫn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC và các tổ chức tin dụng.

Ngoài việc bán nợ cho VAMC, việc giảm nợ xấu bằng cách đẩy nhanh M&A ngân hàng cũng là một giải pháp hữu hiệu. Theo đó, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng đã “nóng” trở lại ngay từ đầu năm 2015 với hàng loạt các cuộc sáp nhập như MDB về Maritime Bank, MHB vào BIDV, PGBank vào Vietinbank hay Southern Bank vào Sacombank… được công bố.

Theo giới chuyên môn, với việc các ngân hàng thương mại ồ ạt tìm đến nhau không chỉ giúp ngân hàng tăng quy mô, lợi thế, mà còn đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu và giúp hệ thống ngân hàng lành mạnh và tăng tính cạnh tranh.

Nếu như những năm trước đây, thị trường M&A ngân hàng Việt Nam đã từng “nóng” với các cặp tiêu biểu như Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua lại 15% cổ phần của Eximbank với giá 225 triệu USD từ năm 2007, tiếp đó là Habubank sáp nhập vào SHB, 3 ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB… Trong khi đó, việc Mizuho Financial bỏ ra khoảng 567,3 triệu USD để mua lại 15% cổ phần phát hành thêm của Vietcombank vào năm 2011 được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong ngành Ngân hàng Việt Nam trước đến nay.

Sau làn sóng M&A trên, năm 2015 tiếp tục chứng kiến làn sóng M&A tiếp theo, chỉ có điều lần này không dựa trên tinh thần tự nguyện của các ngân hàng mà có sự can thiệp từ cơ quan quản lý. Cụ thể, theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, năm 2015, NHNN sẽ triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 tái cơ cấu, M&A và xử lý nợ xấu theo cả 3 kênh nổi bật là: Mua lại ngân hàng với giá 0 đồng; M&A trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng tổ chức tín dụng và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật; M&A bắt buộc một số (khoảng 6 - 7 vụ) tổ chức tín dụng “dưới chuẩn” vào các tổ chức tín dụng khác, với sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại nhà nước và mở cửa nhiều hơn thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm mục tiêu đến năm 2017 - 2020 hệ thống chỉ còn lại trên dưới 20 ngân hàng mạnh.

Tuy nhiên, dù M&A tự nguyện hay bắt buộc, dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của VAMC, thì hoạt động M&A ngân hàng sẽ là một trong những lời giải cho bài toán nợ xấu hiện nay. “Hoạt động M&A ngân hàng dường như đang trở thành một công cụ xử lý nợ xấu và giữ ổn định hệ thống ngân hàng khá đắc lực và hiệu quả”, ông Trí nhấn mạnh.

Có thể kể đến các thương vụ như Maritime Bank được chấp thuận nhận sáp nhập MDBank, sau khi đã hoàn tất mua lại 100% công ty tài chính Dệt may. Techcombank cũng đã hoàn tất mua đứt Công ty tài chính Hóa chất. Sacombank được chấp thuận nhận sáp nhập Southern Bank về mặt chủ trương, cả hai đang chuẩn bị tiến hành đại hội cổ đông bất thường để thông qua các thủ tục cần thiết. Hay như VietinBank cũng nhận sáp nhập PGBank và đang chuẩn bị hoàn tất các công đoạn cuối cùng. BIDV chỉ trong vòng 55 ngày nhận sáp nhập xong MHB. Bên cạnh đó còn thêm nhiều thương vụ “sáp nhập cũng được thị trường nhắc đến trong 6 tháng qua, đó là giữa Eximbank với Nam A Bank, giữa Dong A Bank với ABBank hay SaiGonBank về Vietcombank…

Theo ông Trí, M&A có tác dụng giảm nhanh nợ xấu không chỉ trực tiếp nhờ nguồn vốn và tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh “mở hầu bao” giúp thanh toán nợ xấu, mà còn giúp giảm nợ xấu về kỹ thuật dù quy mô nợ xấu không đổi nhưng được tính trên một tổng dư nợ tín dụng mới “hậu” M&A.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, M&A trong hoạt động ngân hàng cũng là một công cụ quan trọng để xử lý nợ xấu. “Việc buộc các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn sẽ giúp giãn nợ xấu.

Theo NHNN, qua M&A, hệ thống quản trị và mức độ an toàn của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện đáng kể, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và nợ xấu. Thông qua M&A, số lượng tổ chức tín dụng cũng đã giảm đi đáng kể. Quá trình tái cơ cấu cũng đã hình thành trong hệ thống tổ chức tín dụng một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và mức độ chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng tích cực cơ cấu lại hoạt động theo hướng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực rủi ro, hiệu quả thấp.

Đột phá chính sách

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nợ xấu, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, ông Trí cho rằng, thực tế cho thấy cần nhiều hơn những đột phá chính sách về xử lý nợ xấu ngân hàng như cho VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quyền cưỡng chế như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố và quyền đấu giá tài sản bảo đảm của những khoản nợ xấu mà VAMC đã mua. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh quy định buộc các ngân hàng thương mại sau khi bán nợ cho VAMC vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm và gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát, cũng như các quy định liên quan khi xử lý nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại để vừa phát triển mạnh thị trường mua bán nợ xấu vừa không bán rẻ tài sản bảo đảm, gây thất thoát tài sản doanh nghiệp và tài sản của đất nước vào tay nhà đầu tư - đầu cơ nước ngoài.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, cũng cho biết, việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua của VAMC vẫn nhiều khó khăn, do đó, công ty cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết những khó khăn vướng mắc đang tồn tại. “Nếu như Quốc hội có thể ra một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu, trong đó tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay như xử lý tài sản bảo đảm, thi hành án… thì sẽ giúp việc xử lý nợ xấu của VAMC trở nên thông thoáng hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Ngày 6/7/2015, NHNN đã ban hành Văn bản số 5057/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ. Theo đó, định kỳ hàng tháng, các tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02 cho đến khi có thông báo mới của NHNN; Văn bản số 5056/NHNN-TTGSNH về việc tạm ngừng cấp phép mở rộng mạng lưới của tổ chức tín dụng.

Theo văn bản này, để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 1/10/2015, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không xem xét, chấp thuận đề nghị của tổ chức tín dụng Việt Nam mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới (trừ trường hợp đặc biệt được Thống đốc chấp thuận vì mục đích an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội) cho đến khi hoàn thành các chỉ tiêu xử lý nợ xấu năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng trước ngày 1/10/2015.

Tổ chức tín dụng Việt Nam không hoàn thành được kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 và đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1/10/2015 cũng sẽ không được xem xét, chấp thuận các đề nghị tương tự nói trên ít nhất đến ngày 31/12/2015; Văn bản số 5055/NHNN-TTGSNH yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% trước ngày 1/10/2015,… Các văn bản này đã thể hiện quyết tâm của NHNN giảm nợ xấu xuống dưới 3% ngay trong quý III/2015, trước thời hạn cuối năm 2015 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Có thể nói, bức tranh ngân hàng tài chính nửa đầu năm nay có nhiều điểm nổi bật, nhưng bao phủ toàn bộ bức tranh đó là quyết tâm điều hành chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống của NHNN. 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, vì vậy những tháng còn lại của năm chắc chắn hoạt động ngân hàng sẽ thêm nhiều dấu ấn đáng chú ý.