Ngân hàng thâu tóm doanh nghiệp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Phạm Hoài Huấn, Lương Đình Tuệ - Công ty tư vấn TDH Bros

Cùng với khủng hoảng kinh tế và sự suy giảm của thị trường bất động sản, các ngân hàng đang đối mặt với những khoản nợ khổng lồ từ các doanh nghiệp (DN). Đứng trước nguy cơ DN phá sản, ngân hàng sẽ mất đi khoản tiền cho vay hàng ngàn tỉ đồng. Làn sóng thâu tóm DN để thu hồi nợ được khởi xướng.

Ngân hàng thâu tóm doanh nghiệp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ảnh minh họa. Nguồn: delalcpa.com
Tình trạng cấn nợ hay phát mại diễn ra khá phổ biến vào thời điểm cuối năm 2012 và có thể còn tiếp diễn. Tuy nhiên, cấn nợ hay phát mại không phải lúc nào cũng thành công. Nhiều ngân hàng không đánh giá hết mức độ “bong bóng” của thị trường bất đống sản vừa qua và đây là lý do khiến các tài sản thế chấp hiện (hoặc trong tương lai) thấp hơn nhiều so với các khoản nợ.

Thâu tóm DN để trừ nợ

Hoạt động ngân hàng, luôn gắn liền với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nói đơn giản là các ngân hàng luôn đặt ra câu hỏi “làm sao để khách hàng không xù nợ”. Vì có một thực tế là không phải khách hàng nào cũng luôn trả nợ đúng hạn. Vậy tốt nhất là phải có tài sản bảo đảm, nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn, ngân hàng xử lí tài sản bảo đảm này việc xử lí tài sản bảo đảm thông thường vẫn phải thực hiện thông qua thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài.. Như vậy là quyền lợi của ngân hàng không bị ảnh hưởng.

Nhưng chuyện gì xảy ra, nếu tài sản bảo đảm không xử lí được hoặc sau khi xử lí mà vẫn không đủ để thanh toán các khoản nợ ngân hàng? Có rất nhiều lí do để dẫn đến cơ sự trên. Đánh giá không đúng giá trị của tài sản, bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, tài sản bị sụt giảm giá trị... Trong đó, sự sụp đổ của thị trường bất động sản cũng góp phần không nhỏ trong khối nợ ngàn tỉ của các ngân hàng.

Dù lí do có là gì, chung qui lại các khoản nợ của ngân hàng đã không còn được bảo đảm nữa. Động thái thâu tóm DN con nợ được coi như một cố gắng tuyệt vọng của các ngân hàng trong việc thu hồi khoản nợ từ các DN đang gặp khó khăn về tài chính. Cách thức đơn giản nhất trong trường hợp này là sử dụng kĩ thuật hoán đổi nợ. Nói dễ hiểu, ngân hàng tiến hành định giá DN. Sau đó dùng khoản nợ mà DN đang nợ ngân hàng để “mua” chính DN đó.

Trong mối quan hệ với DN con nợ, ngân hàng là bên có ưu thế trong quá trình thỏa thuận hoán đổi nợ, vì đơn giản họ là chủ nợ. Cũng chính từ ưu thế này, các ngân hàng thường có cơ hội mua các DN con nợ với giá rẻ.

Rồi sao nữa?

Nhìn từ quá trình trên, ngân hàng vẫn chưa có tiền. Vì cho dù có hoán đổi nợ thành công với một mức giá hời, bản chất của câu chuyện thâu tóm này chỉ mang lại cho ngân hàng thêm một vài tờ giấy mang tên “cổ phiếu”. Nói cách khác, tổng giá trị sổ sách của ngân hàng có thể sẽ “đẹp” hơn với thương vụ mua lại DN con nợ, nhưng thực tế thì chưa hẳn đã như vậy.

Vì như trên đã phân tích, các DN con nợ bị ngân hàng siết nợ cũng chính là các DN đang gặp khó khăn hoặc đang đứng trên bờ vực của sự phá sản. Do vậy, nếu DN mà ngân hàng mua với giá hời bị phá sản thật sự, tất cả những gì ngân hàng đang làm cũng trở nên vô nghĩa. Đây là một quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng ngân hàng không có lựa chọn khác. Vì thâu tóm DN, ít ra còn có hi vọng thu hồi nợ, hơn là chấp nhận đưa mắt nhìn khoản nợ khổng lồ của mình cũng tan vỡ theo bong bóng của thị trường.

Việc tự thâu tóm DN và tiến hành tái cấu trúc, vực dậy DN được thực hiện một cách đơn độc tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho ngân hàng nếu nhìn từ góc độ quản trị.

Đối diện với những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thâu tóm DN để trừ nợ, ngân hàng bắt buộc phải biến các DN này thành tiền. Giải pháp là:

Thứ nhất, tái cấu trúc DN và khôi phục hoạt động kinh doanh cho DN.

Thứ hai, bán DN mình vừa mua với giá rẻ cho người khác có nhu cầu.

Với khuynh hướng thứ nhất, ngân hàng đang bước vào một con đường phiêu lưu khác. Nhìn từ góc độ quản trị DN, các ngân hàng của Việt Nam chưa phải là các chủ thể chuyên nghiệp và có nhiều lợi thế về quản trị DN. Bản chất của việc quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng và quản trị một DN rất khác xa nhau. Thêm nữa, trong bối cảnh của một DN đang khủng hoảng việc tái cấu trúc càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Khuynh hướng thứ hai là một lựa chọn khôn ngoan và an toàn hơn so với lựa chọn thứ nhất. Dẫu vậy, việc tìm được DN sẵn sàng mua lại DN con nợ của ngân hàng không phải dễ (sau đây gọi tắt là DN mua). Với mục đích bán DN con nợ để thu hồi tiền vay, ngân hàng đã mất đi ưu thế trong quá trình đàm phán mua bán DN. Lúc này, người có ưu thế trong tiến trình thương thảo mua DN con nợ mới chính là người chiếm ưu thế. “Gió đã đổi chiều” theo hướng bất lợi hơn cho ngân hàng.

Nếu có vấn đề cần quan tâm trong khuynh hướng này chính là nguy cơ nhìn từ góc độ cạnh tranh. Bởi các DN mua trong trường hợp này thường sẽ là các DN hoạt động cùng lĩnh vực với DN con nợ hoặc chí ít cũng có liên quan nhất định về lĩnh vực ngành nghề. Trong bối cảnh khủng hoảng, các DN mua sẽ mua được các đối thủ cạnh tranh với mức giá thấp.

Nói cách khác, chi phí để các DN mua bành trướng, trở thành DN có vị trí thống lĩnh thị trường là không thể thấp hơn. Dường như thực tế thời gian qua, đáng buồn lại đang diễn ra theo khuynh hướng này. Trong bối cảnh đó, rất cần sự giám sát và hoạt động hiệu quả của cơ quản lý cạnh tranh trong việc bảo vệ cấu trúc thị trường.

Những khuyến nghị

Việc ngân hàng thâu tóm các DN để trừ nợ là một khuynh hướng khó tránh khỏi. Dẫu vậy, việc tự thâu tóm DN và tiến hành tái cấu trúc, vực dậy DN được thực hiện một cách đơn độc tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho ngân hàng nếu nhìn từ góc độ quản trị.

Do vậy, lựa chọn tối ưu trong bối cảnh này chính là việc liên kết với DN mua có cùng lĩnh vực và với chính DN con nợ nhìn từ mối quan hệ hỗ tương được coi là giải pháp khả thi cho quá trình tái cấu trúc. Tuy vậy, như trên đã phân tích quá trình này phải đặt dưới sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm loại bỏ những toan tính khuynh đảo thị trường, bảo vệ cấu trúc cạnh tranh.

Câu chuyện thâu tóm, mua bán DN các ngân hàng đình đám nhất năm 2012 phải kể đến chuyện SHB và nhóm các ngân hàng khác chuyển nợ thành vốn góp để giải cứu Bianfishco. Sau thời gian khủng hoảng, đến cuối 2012, Bianfishco đã ra mắt một đội ngũ lãnh đạo mới, chấm dứt vai trò của gia đình bà Diệu Hiền – người sáng lập ra Bianfishco. DN này từ nay đã chuyển qua cho các ông chủ ngân hàng để “trừ” khoản nợ hàng ngàn tỉ của DN.

Bianfishco vốn là một DN mạnh của thủy sản Việt Nam bị khủng hoảng khi mắc nợ 1.886 tỉ đồng, lỗ hơn 834 tỉ đồng. Sự việc càng thêm bức xúc khi DN bi nông dân bao vây, tụ tập đòi khoản nợ mua cá gần 300 tỉ đồng. Trong khi đó, người chủ thực sự của nó – bà Diệu Hiện bệnh trọng phải ra nước ngoài chạy chữa.

Đứng trước nguy cơ DN phá sản, ngân hàng sẽ mất đi khoản tiền cho vay hàng ngàn tỉ đồng, SHB cùng các ngân hàng cho vay và DATC đã vào cuộc lên phương án tái cấu trúc. Các khoản nợ đã được chuyển thành vốn góp. Trong đó, SHB đã trở thành cổ đông sáng lập với quyền việc nắm giữ hơn 50% cổ phần. Bầu Hiển và các thân tín của mình đã thay thế nhà đại gia Diệu Hiền.

Với kế hoạch này, SHB đã thực hiện một cuộc thâu tóm ngoài mong muốn nhưng điều may mắn là hoạt động của DN này còn mang lại một dòng tiền lớn cho các ngân hàng cổ đông trong năm 2013.

Cũng tương tự, 7 ngân hàng khác cũng đã “chia phần” đại gia thủy sản Phương Nam để trừ nợ. Theo đó, các ngân hàng đã ngồi lại để chia phần và tìm cách tái cấu trúc DN thủy sản với các khoản vay không có khả năng thanh toán lên đến cả ngàn tỉ đồng

Cụ thể, bên cạnh các ngân hàng cho vay ít, có những phương án xử lý tài sản đề thu nợ thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, dư nợ trên 328 tỉ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín tại Sóc Trăng, dư nợ gần 147 tỉ đồng và Ngân hàng An Binh sẽ tham giá tái cấu trúc theo hướng góp vốn vào công ty Phương Nam bằng hình thức chuyển nợ thành vốn góp.

 Ông chủ trước đó của Phương Nam – Đại gia Thủy sản Lâm Ngọc Khuân đã cùng gia đình đi ra nước ngoài không còn một cổ phần nào trong DN này.

 Việc chuyển nợ thành vốn cổ phần thực tế đã có những tiền lệ khi đã có những thành công trong việc “giảm nợ tăng vốn” tại Sadico Cần Thơ (SDG), Mía đường Kon Tum (KTS)… với các món nợ xấu đã được loại bỏ và bắt đầu ổn định hoạt động và kinh doanh có lãi.