Ngân hàng thương mại và câu chuyện “đường tới sàn“!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Taichinh) - Đến cuối năm 2014 cũng mới chỉ có vỏn vẹn 9 ngân hàng niêm yết trên TTCK Việt Nam, cho dù việc niêm yết đều được cơ quan quản lý khuyến khích, thậm chí yêu cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vai trò của TTCK đối với NHTMCP niêm yết

Đối với các ngân hàng cổ phần, việc niêm yết trên TTCK vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, nhất là đối với các ngân hàng xuất thân từ ngân hàng thương mại nhà nước được cổ phần hóa.

Việc niêm yết giúp ngân hàng có cơ hội thuận lợi tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu, giao dịch cổ phiếu quỹ. Thị giá cổ phiếu càng cao thì sức hấp dẫn của ngân hàng càng lớn, đồng nghĩa với việc dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý hay nhu cầu phát triển của chính ngân hàng.

Niêm yết đáp ứng tốt hơn yêu cầu công khai minh bạch, đặc biệt trong chuyển dịch sở hữu, trong tiến trình cơ cấu lại, sáp nhập, hợp nhất, dễ dàng xác định tỷ lệ trao đổi giữa các loại cổ phiếu của các ngân hàng có liên quan. Hơn nữa, thông qua TTCK, ngân hàng có điều kiện thuận lợi để kiểm soát giao dịch cổ phiếu của cổ đông, kể cả giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn biến giá cổ phiếu của ngân hàng trên TTCK là một thông tin quan trọng để ngân hàng tự đánh giá được thực trạng hoạt động của mình, quan hệ của ngân hàng với thị trường và xã hội. Từ đó có thể lựa chọn các biện pháp tác động vào giá và tính thanh khoản cổ phiếu nhằm tăng cường vị thế cũng như khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Các yêu cầu nghiêm ngặt về công khai minh bạch thông tin khi niêm yết trên TTCK giúp cho ngân hàng nhanh chóng phát hiện những khiếm khuyết, hạn chế. Đồng thời, thúc đẩy ngân hàng niêm yết hoàn thiện quản trị ngân hàng, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn niêm yết và tiệm cận với các chuẩn mực quản trị ngân hàng quốc tế.

Đặc biệt, ngân hàng niêm yết được kiểm tra, giám sát không chỉ của NHNN, mà còn của UBCKNN và Sở GDCK nơi ngân hàng niêm yết, nhờ vậy có thể sớm phát hiện và ngăn ngừa những rủi ro phát sinh.

Tuy nhiên, những lợi ích cơ bản nêu trên ngay lập tức sẽ trở thành thách thức đối với các ngân hàng đã niêm yết và là rào cản khiến các ngân hàng chưa niêm yết e ngại, thậm chí né tránh niêm yết nếu thực chất hoạt động của ngân hàng còn có khoảng cách xa so với tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK. Đặc biệt là việc phải thực hiện công khai minh bạch trong khi ngân hàng vẫn muốn che dấu những thông tin tiêu cực của mình, né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Diễn biến giá cổ phiếu trồi sụt bất thường cũng có thể khiến cho không ít ngân hàng e ngại khi không dám hoặc không muốn đối mặt với hạn chế về sức cạnh tranh hay/và khả năng xử lý các tin đồn, thông tin bất lợi.

Nhận diện các NHTMCP đang niêm yết

Hiện chỉ có 9 ngân hàng niêm yết trên TTCK, song tính chất của các ngân hàng này cũng không đồng đều. Nhóm thứ nhất thuộc về 3 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm đa số là BIDV (mã: BID), VietinBank (mã: CTG) và Vietcombank (mã: VCB) với đặc trưng là có quy mô lớn về cả vốn điều lệ, hệ thống chi nhánh, bộ máy nhân sự, sức cạnh tranh cao trên thị trường tín dụng. Chỉ còn lại duy nhất Agribank do chưa cổ phần hóa nên chưa thực hiện niêm yết.

Tỷ lệ cổ phiếu có khả năng giao dịch của nhóm 3 ngân hàng trên chiếm tỷ lệ nhỏ so với vốn điều lệ, do phần lớn vốn vẫn do Nhà nước nắm giữ nên lượng giao dịch không phản ánh hết quy mô vốn của các ngân hàng này.

Nhóm thứ hai bao gồm 6 ngân hàng không xuất phát từ cổ phần hóa là Eximbank (mã: EIB), Quân đội - MB (mã: MBB), Sacombank (mã: STB), Á Châu - ACB (mã: ACB), Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHB) và Quốc dân - NCB (mã: NVB).

Nếu nhóm thứ nhất có chất lượng đồng đều và triển vọng phát triển tốt, thậm chí có ngân hàng được lựa chọn trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, có tầm cỡ khu vực thì chất lượng nhóm thứ hai lại rất không đồng đều và có nhiều biến động.

Cả Sacombank và ACB đều niêm yết rất sớm từ năm 2006 khi có vị thế vững chắc trong hệ thống ngân hàng, song vài năm gần đây phải đối mặt với nhiều biến động và có lúc tuột khỏi nhóm ngân hàng dẫn đầu.

Dường như việc niêm yết không những không tác động tích cực nhiều tới việc củng cố và duy trì vị thế dẫn đầu, mà các ngân hàng này còn chịu tác động không ít tiêu cực. Đó cũng chính là lý do khiến không ít ngân hàng chần chừ trước quyết định niêm yết.

Cũng trong nhóm thứ hai, nếu như MB và SHB phát triển khá ổn định và lọt vào tốp những ngân hàng hàng đầu kể từ khi bắt đầu niêm yết, thì Eximbank và NCB (tiền thân là Ngân hàng Nam Việt) lại liên tục được nhắc tới trong giai đoạn tái cấu trúc hệ thống. Thậm chí, NCB còn thuộc nhóm đội sổ về quy mô vốn điều lệ khi chỉ nhỉnh hơn một chút theo yêu cầu: 3.010 tỷ đồng.

Nhìn sang nhóm chưa niêm yết, có thể thấy không ít ngân hàng có điều kiện tốt hơn nhiều NCB, chẳng hạn Maritime Bank, VPBank,… hay hàng loạt ngân hàng chỉ có số vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, đang chịu áp lực tăng vốn, nhưng lại chưa có phương án huy động qua niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Một trong những nguyên nhân là chưa xử lý được vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Ngoại trừ NCB nêu trên, 8 ngân hàng còn lại đã niêm yết không có nhu cầu tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý, mà nhu cầu đó chỉ căn cứ vào chiến lược phát triển của bản thân ngân hàng.

Năm 2014, tổng quy mô vốn tự có toàn hệ thống chỉ tăng 4,36%, đạt 496.573 tỷ đồng, còn tổng quy mô vốn điều lệ chỉ tăng 3,29%, đạt 435.649 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng này không chỉ thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng hai con số giai đoạn 2006-2007 hay năm 2011 khi các ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng, mà còn thấp hơn hẳn so với năm 2012 (các con số tương ứng tăng 8,97% và 11,24%) và năm 2013 (tăng tương ứng 9,61% và 8,12%).

Do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên hầu hết các ngân hàng đã niêm yết và chưa niêm yết đều chưa mặn mà phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, mà chủ yếu tăng qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và sử dụng lợi nhuận.

So với thời điểm bắt đầu niêm yết, thị giá của đại đa số cổ phiếu niêm yết của các ngân hàng đều tụt giảm mạnh. Nhiều thời điểm còn xuống dưới mệnh giá như trường hợp của SHB và NCB. Sự sụt giảm giá cổ phiếu của khối ngân hàng được giải thích bởi sự “xì hơi” chung của TTCK sau giai đoạn bùng nổ quá nóng 2006-2008 đi đôi với bùng nổ tín dụng ngân hàng, khiến cổ phiếu ngân hàng được coi là “cổ phiếu vua”.

Một điểm đáng chú ý là tất cả 9 ngân hàng niêm yết đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, mặc dù trong năm 2014 quy mô nợ xấu của cả 9 ngân hàng này đã tăng 4,2%, từ 32.503 tỷ đồng lên 33.871 tỷ đồng.

Việc giữ tỷ lệ nợ xấu thấp một phần do các NHTM này đã chủ động xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Vietcombank đã tăng chi phí trích lập thêm 30% so với năm 2013, còn BIDV tăng 9,27%, chỉ có VietinBank giảm trích lập dự phòng rủi ro so với năm 2013. Riêng Eximbank, tuy chỉ tăng trưởng tín dụng 4,5%, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng gần 30% - từ 300 tỷ đồng năm 2013 lên 869 tỷ đồng năm 2014, trong đó trích tới 588 tỷ đồng chỉ trong quý IV nên riêng trong quý này thua lỗ 677 tỷ đồng và tác động mạnh tới lợi nhuận cả năm của Eximbank.

Dường như sức ép từ điều kiện khắt khe khi niêm yết đã thúc đẩy các ngân hàng này đẩy tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hơn cả yêu cầu của cơ quan quản lý là đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015.

Rõ ràng, số lượng các ngân hàng đã niêm yết chưa tương xứng với vai trò và số lượng của các ngân hàng cổ phần, với quy mô và vai trò của TTCK đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, nguyên nhân nằm ở chính một số ngân hàng đã đủ điều kiện nhưng vẫn chưa niêm yết. Việc tăng số lượng và chất lượng các ngân hàng niêm yết đã, đang và sẽ trở thành nhu cầu tất yếu không chỉ đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng và TTCK, mà còn của cả nền kinh tế nói chung.

Thúc đẩy ngân hàng niêm yết trên TTCK

Để các ngân hàng tích cực chuẩn bị đủ điều kiện và mạnh dạn niêm yết trên TTCK trong thời gian tới thì chỉ kêu gọi hay khuyến khích thôi sẽ chưa đủ, rất cần các biện pháp chính sách hữu hiệu.

Thứ nhất là gắn cơ cấu lại, sáp nhập - hợp nhất với niêm yết trên cơ sở chính TTCK tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng, đồng thời tạo môi trường cho các ngân hàng sau khi được cơ cấu lại. Với số lượng các ngân hàng thương mại còn lại sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu thì 100% các ngân hàng sẽ hội đủ điều kiện niêm yết trên TTCK.

Thứ hai là xử lý dứt điểm sở hữu chéo để tạo sức ép và động lực thúc đẩy các ngân hàng tăng vốn một cách thực chất. Trong đó, kênh quan trọng nhất là thông qua huy động vốn trên TTCK chính thức. Tiếp tục triển khai lộ trình bắt buộc tăng vốn điều lệ để loại bỏ bớt những ngân hàng yếu kém, tăng chất lượng cho các ngân hàng đã và sẽ niêm yết trên TTCK.

Thứ ba, xúc tiến kế hoạch giảm dần phần vốn Nhà nước nắm giữ trong các ngân hàng đã cổ phần hóa, tạo điều kiện nâng cao trình độ quản trị cho các ngân hàng này, đồng thời tạo thêm lượng cổ phiếu được giao dịch có chất lượng cho TTCK, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, yêu cầu và tạo điều kiện cho tất cả các ngân hàng nâng cao khả năng quản trị, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động ngân hàng, mà còn phù hợp với chuẩn mực niêm yết trên TTCK.

Thứ tư là tăng cường công, khai minh bạch thông tin trong hoạt động ngân hàng để thu hẹp tới mức thấp nhất khoảng cách yêu cầu về công khai, minh bạch giữa ngân hàng đã niêm yết và chưa niêm yết.

Thứ năm là giảm bớt sự phân hoá giữa các ngân hàng niêm yết thông qua việc mạnh dạn huỷ niêm yết đối với ngân hàng không còn đủ tiêu chuẩn, đồng thời yêu cầu ngân hàng đủ tiêu chuẩn phải niêm yết.

Cuối cùng là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư chiến lược quay trở lại tham gia đầu tư vào các ngân hàng. Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng niêm yết, gắn kế hoạch xử lý nợ xấu với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường tài chính Việt Nam cần đi đều bằng cả hai chân là thị trường tín dụng ngân hàng và TTCK. Đến lượt mình, việc các ngân hàng niêm yết trên TTCK chính là một trong những thành tố quan trọng đảm bảo sự cân bằng và vững chắc đó, đem lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển của cả hệ thống ngân hàng và TTCK.