Ngân hàng Việt đã tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đến đâu?

Theo Hải Vân - Ngọc Toàn/Trí thức trẻ

Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sáng ngày 15/6, tại trụ sở Ngân hàng Nhà (NHNN) nước diễn ra hội thảo "Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Phát biểu khai mạc hội thảo, phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết nhằm đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình.

Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API) …nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội …và ứng dụng các công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, các ngân hàng có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro.

Các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn; mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. 

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0 như Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro; nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như các ngân hàng TpBank với ngân hàng tự động LiveBank, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0; thách thức đối với các ngân hàng trong thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.