Ngân sách góp phần bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

PV.

Các bộ, ngành liên quan phải bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ và mức đầu tư phù hợp với quy định hiện hành để hoàn thiện Chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, thực hiện giải ngân 14.067 tỷ đồng vốn ngân sách và 35.250 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách cho công tác trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2011-2020.

Rừng vẫn bị tàn phá. Nguồn ảnh: internet
Rừng vẫn bị tàn phá. Nguồn ảnh: internet

Thành tựu sau gần 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng xấp xỉ 2,0 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, bình quân đạt 5,95%/năm, so với 3,1%/năm giai đoạn 2006 - 2010;

Giá trị xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần trong vòng 4 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 6,54 tỷ USD năm 2014, ước đạt khoảng 6,8-7,0 tỷ USD vào năm 2015;

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần so với giai đoạn 2006-2010.

Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, mô hình sản xuất lâm nghiệp được nhân rộng. Cả nước đã trồng được 1.088.700 ha rừng tập trung, bình quân 217.740 ha/năm, đạt 87% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh rừngbình quân 361.000 ha/năm, đạt 328% kế hoạch.

Hạn chế

Dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng ngành lâm nghiệp cũng vẫn còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:

Tháng 8 năm 2015, Bộ nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố: số liệu hiện trạng rừng toàn quốc tính đến 31/12/2014 có 13.796.506 ha (bao gồm rừng tự nhiên 10.100.186 ha và rừng trồng 3.696.320 ha).

Mục tiêu đề ra là đến năm 2015 độ che phủ rừng đạt 42% - 43%. Giai đoạn 2014-2015, tổng diện tích rừng cả nước bị mất là 773.000ha, cá biệt có vùng rừng rậm như Tây Nguyên, diện tích rừng giảm khoảng 300.000ha. Do vậy, dù có trồng được thêm hơn 408.000ha thì độ che phủ rừng cả nước vẫn không đạt mục tiêu (đến cuối năm 2014, độ che phủ rừng mới đạt 40,43%, trong đó, cây rừng - 39,02% và cây cao su - 1,40%).

Kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa các vùng; chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương...

Chưa phát triển được mô hình sản xuất lâm nghiệp tập trung, chuyên nghiệp. Dù có nông trường, doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp đạt được 30-40 triệu đồng/ha, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha nhưng đó vẫn chỉ là các mô hình đơn lẻ; Nhìn chung, giá trị thu nhập từ rừng mới đạt trung bình 7 - 8 triệu đồng/ha là rất thấp. Nhiều nơi, người dân làm lâm nghiệp vẫn chưa sống được bằng nghề rừng dù mức khoán chi phí trồng và bảo vệ rừng đã tăng lên.

Chưa có cơ chế để thu hút doanh nghiệp đưa tư duy thị trường, đưa vốn vào lâm nghiệp; chưakêu gọi xã hội quan tâm đầu tư, phối hợp chặt chẽ hơn với người làm lâm nghiệp.

Vẫn còn hiện tượng người dân khai thác rừng vì các mục tiêu khác như làm rẫy, làm làng; hiện tượng lâm tặc khai thác gỗ và sản vật quý hiếm... tàn phá rừng; Rừng trồng mới và phòng hộ chưa được bảo vệ triệt để.

Ngân sách góp phần bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 - Ảnh 1

Rừng là tài nguyên quý hiếm, cần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển . Nguồn ảnh: internet

Thực hiện mục tiêu phát triển rừng đến năm 2020

Mục tiêu phát triển rừng giai đoạn 2016-2020:

Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, phát triển lâm nghiệp nhanh, bền vững cả kinh tế, xã hội, môi trường;

Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; từng bước đáp ứng nhu cầu cơ bản gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản cho tiêu dùng trong nước;

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,5-10 tỷ USD vào năm 2020;

Nâng độ che phủ rừng lên trên 42% vào năm 2020, thích ứng yêu cầu giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biển đổi khí hậu;

Tạo khoảng 4,5 - 5,0 triệu việc làm thường xuyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Giải pháp:

Bảo vệ, sử dụng hợp lý và bền vững 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới; đến năm 2020, diện tích rừng đạt khoảng 14,87 triệu ha; giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản.

Trồng mới 1.025.000 ha rừng (bình quân 205.000 ha/năm); chuyển hóa rừng để kinh doanh gỗ lớn: 89.000 ha (bình quân 17.800 ha/năm); khoanh nuôi tái sinh 360.000 ha/năm; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 25.000 ha (bình quân 5.000 ha/năm); trồng cây phân tán 250 triệu cây (bình quân 50 triệu cây/năm).

Nâng trữ lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất lên 20% so với năm 2015, đạt tăng trưởng bình quân từ 4-5 m3/ha; tỷ lệ gỗ sản phẩm đạt 75% trữ lượng gỗ cây đứng; nuôi dưỡng 0,7 triệu ha rừng phục hồi; làm giàu 1,1 triệu ha rừng.

Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản, nhất là các sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế hợp lý tỷ trọng dăm gỗ trong cơ cấu giá trị lâm sản xuất khẩu.

Đẩy mạnh công tác giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể và thực hiện phương thức đồng quản lý trong quản lý rừng. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; lấy các doanh nghiệp làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Nhiệm vụ trước mắt:

Bộ NN&PTNT phải tập trung chỉ đạo hoàn thành công tác tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc, thực hiện số hóa bản đồ kiểm kê để báo cáo Chính phủ vào Quý IV năm 2016; chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ và mức đầu tư phù hợp với quy định hiện hành để hoàn thiện Chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trình phê duyệt theo quy định.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát tình hình thực hiện trồng rừng thay thế, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị trực thuộc; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế, không thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đưa các chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vào các Nghị quyết của địa phương và bố trí đủ vốn để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao; rà soát các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng gắn kết thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Thực hiện giải ngân theo Quyết định số 57/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 do Thủ tướng chính phủ ký ngày 09/01/2012, với Tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn 2011 - 2020 là 49.317 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách là 14.067 tỷ đồng (chiếm 29% tổng nhu cầu vốn, bình quân mỗi năm 1.407 tỷ đồng); Vốn ngoài ngân sách là 35.250 tỷ đồng (chiếm 71% tổng nhu cầu vốn, bình quân mỗi năm 3.500 tỷ đồng, chủ yếu chi cho trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng).