Ngành công nghiệp ô tô vẫn còn cơ hội phát triển

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại buổi tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu hướng hội nhập do Bộ Công thương vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, tập trung phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn chưa phải là quá muộn, bởi tiềm năng của thị trường nước ta hiện còn rất lớn.

Ngành công nghiệp ô tô vẫn còn cơ hội phát triển
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê cho thấy, đến nay, có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia trên thị trường nội địa, trong đó có cả những tập đoàn nổi tiếng của nước ngoài như Mercedes, Ford, Toyota, Nissan. Riêng các doanh nghiệp trong nước, đã cơ bản hình thành và xây dựng được một nền công nghiệp lắp ráp ô tô phát triển khá mạnh. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết, đã có 18 doanh nghiệp FDI và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất và lắp ráp ô tô với năng lực khoảng 460.000 xe/năm, với sự đa dạng các chủng loại xe con (200.000 xe/năm), xe tải (215.000 xe/năm)… Và lượng tiêu thụ xe ô tô trên toàn thị trường năm 2012 đạt mức 112.000 xe, cao gấp 2 lần so với năm 2005 và gấp 8,4 lần so với năm 2000. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt mức 17,44%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước ta hiện nay chưa thực sự tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường. Quy hoạch phát triển ngành ô tô, sau 10 năm thực hiện, vẫn chưa đạt được những mục tiêu như mong đợi. Đơn cử, ngành công nghiệp ô tô vẫn dừng lại ở hoạt động lắp ráp là chính, chưa trở thành ngành sản xuất như tiêu chí phát triển đã đề ra. Tỷ lệ nội địa hóa hiện ở mức khá thấp so với mục tiêu đề ra. Đối với các loại xe thông dụng như xe con, xe tải, xe khách, mục tiêu đặt ra cho năm 2005 là 40% và 60% vào năm 2010. Nhưng cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa trung bình đối với loại hình xe con chỉ mới đạt khoảng từ 7-10%, và tỷ lệ này là 35-40% đối với dòng xe tải nhẹ. Bởi lẽ, ngành công nghiệp hỗ trợ tuy đã được hình thành nhưng phát triển vẫn còn chậm. Hiện mới có khoảng 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước, với quy mô sản xuất nhỏ và vừa. Mặt hàng sản xuất chủ yếu chỉ là những phụ tùng đơn giản và có hàm lượng công nghệ thấp.

Nguyên nhân chính của thực trạng trên trước hết do hạ tầng giao thông nước ta hiện nay vẫn còn yếu kém, gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ ô tô. Theo thống kê, tổng lượng xe lưu hành chỉ mới đạt mức 1,9 triệu xe và tỷ lệ xe trên đầu người là rất thấp, trong khi quy mô thị trường tiêu thụ trong nước được đánh giá không hề nhỏ. Thứ hai, thị trường tiêu thụ còn hạn chế so với lượng xe cung ứng ra thị trường mỗi năm, tổng lượng tiêu thụ hiện chỉ đạt khoảng 140.000 xe/năm. Thứ ba, mặt hàng xe ô tô hiện đang phải gánh nhiều loại thuế và phí. Thứ tư, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô nước ta còn khá non trẻ, mới chỉ có khoảng gần 20 năm hình thành và phát triển. Bởi vậy, năng lực đầu tư và năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Thứ năm, lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh là do các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu tác động của khủng hoảng kinh tế chung.

Để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển, các chuyên gia cho rằng, trước hết, trong dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ cần lựa chọn dòng xe chiến lược để tập trung phát triển, không nên ưu đãi dàn trải như hiện nay. Và xây dựng hệ thống chính sách hướng vào các phân khúc thị trường cần kích thích, không đầu tư dàn trải sẽ không hiệu quả, gây lãng phí. Chuyển từ hệ thống chính sách hỗ trợ khu vực sản xuất sang hệ thống chính sách nhằm kích thích khu vực tiêu dùng, vì tiêu dùng luôn là động lực phát triển cho sản xuất.