Ngành ngân hàng cần thêm cái nhìn thiện cảm

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Sự khắt khe thậm chí ác cảm mà dư luận dành cho các cá nhân và hệ thống ngân hàng một lần nữa được nhắc lại tại hội nghị tổng kết ngành ngày 18/12, với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 Ngành ngân hàng cần thêm cái nhìn thiện cảm
Ngành ngân hàng chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Nguồn: internet

“Về dự hội nghị lần này tôi thấy mọi người đã lấy lại niềm tin. Còn ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lâu lắm tôi mới thấy cả 7 đồng chí cùng một lúc, nhưng các đồng chí già nhanh quá. Hai năm rưỡi qua rất vất vả và mệt nhọc”, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà mở lời khi được mời lên phát biểu đầu tiên tại hội nghị. Trên bàn chủ toạ lúc ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ngồi cùng Thống đốc và 6 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Không phải vô cớ mà vị chủ tịch oai phong của ngân hàng hàng đầu Việt Nam lại thốt lên câu xót xa cho sắc diện của các bậc lãnh đạo ngành. Theo ông Hà, hoạt động ngân hàng trong 865 ngày đêm vừa qua không chỉ đối mặt với bất ổn của nền kinh tế và tác động hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, mà còn phải chịu búa rìu dư luận.

Dư luận theo ý của ông Hà có phần thiên kiến, thiếu công bằng khi nhìn nhận về công việc của ngành ngân hàng. Theo thống kê của ông, trong cả năm 2012, có tất thảy 56.612 lượt tin bài trên báo giấy, điện tử và các trang tin viết về hoạt động của 24 tổ chức ngân hàng. 11 tháng đầu năm nay, con số này không giảm, bình quân cũng lên đến 142 tin bài mỗi ngày.

Dành nhiều sự quan tâm là vậy, song theo ông Hà dư luận chỉ chú ý nhiều hơn tới mặt trái hoặc giác độ phiến diện liên quan tới lợi ích của một phía; thay vì nhìn nhận câu chuyện tái cấu trúc và xử lý các vụ án điểm của ngân hàng như những biện pháp tích cực để làm lành mạnh và trong sạch hệ thống thì lại cho rằng có rất nhiều tồn tại yếu kém.

“Việc đi sâu phân tích trầm trọng hoá những yếu kém khiến xã hội nhìn đến ngành ngân hàng như thấy một mảng tối trong bức tranh kinh tế đất nước. Cán bộ ngân hàng cũng bị dè chừng, cảnh giác và nhìn không mấy thiện cảm. Do sự đánh giá thiếu khách quan thậm chí sai lệch, nên thời gian qua toàn ngành phải gánh chịu nhiều búa rìu của dư luận”, ông nói.

Đây không phải lần đầu tiên những người làm ngân hàng tỏ ra ấm ức trước định kiến của dư luận. Tại hội nghị sơ kết giữa năm, ít ngày sau khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm rất thấp với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã đồng loạt lên tiếng cho rằng kết quả này chưa công bằng với cá nhân Thống đốc và chưa ghi nhận nỗ lực, đóng góp của toàn hệ thống.

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, khi đó còn là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, buồn rầu nói dư luận nhìn ngành ngân hàng như kẻ ăn trên ngồi chốc. Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố trân trọng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng cũng thấy buồn vì dư luận chưa hiểu đúng về ngành.

Sự khắt khe của dư luận và sự thiếu đồng hành của các bộ, ban ngành khiến Thống đốc Bình đã có lúc tự nhận mình là ngôi sao cô đơn, là chiến sỹ ra trận mà thiếu yểm trợ của đồng đội.

Nhiệm kỳ của Thống đốc Nguyễn Văn Bình bắt đầu từ tháng 8/2011. Khi ấy, lạm phát đang phi mã với tốc độ 2 con số thậm chí có lúc vượt 20%; lãi suất huy động là 14% trong khi cho vay lên tới trên 20%; thị trường vàng và ngoại tệ liên tục chao đảo bởi các con sóng đầu cơ; dự trữ ngoại hối suy kiệt chỉ đủ trang trải cho 6,5 tuần nhập khẩu.

Đến cuối năm nay, lạm phát được kiểm soát quanh 6%; lãi suất huy động và cho vay đều giảm gần một nửa; dự trữ ngoại hối lại tăng hơn 4 lần, thị trường vàng và ngoại tệ gần như lặng sóng và ít tác động tới kinh tế vĩ mô. Ngân hàng cũng là ngành tích cực nhất thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và nhiệt thành triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên dư luận lại quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện độc quyền vàng miếng, tới chuyện lũng đoạn ngân hàng, sự thiếu minh bạch và thiếu kiểm soát trong hoạt động cho vay. Cụm từ "lợi ích nhóm" lần đầu tiên trở nên phổ biến trong hai năm rưỡi qua, nhưng chủ yếu dùng để ám chỉ tới các quan hệ lợi ích phức tạp trong ngành ngân hàng.

“Phải chăng vì ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên mọi bệnh tật của cơ thể kinh tế này đổ cho ngân hàng thì hợp lý hơn? Buồn quá, những người làm ngân hàng hoang mang, lo sợ, thậm chí uất ức, buồn tủi. Thật là bất công”, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nói.

Đã thành lệ 3 năm gần đây, Thủ tướng đều dành thời gian tới dự và phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị tổng kết năm của ngành ngân hàng. Năm đầu tiên Thống đốc Bình mới nhậm chức, Thủ tướng cho biết ông và các thành viên Chính phủ rất lo lắng cho hệ thống ngân hàng với rất nhiều yếu kém, bất ổn. Năm ngoái, ông cảm ơn ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả điều hành kinh tế vĩ mô. 

Năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh hơn nữa vai trò của ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Trong bối cảnh thế giới còn rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại cao hơn năm ngoái dù tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, tổng đầu tư toàn xã hội vẫn đảm bảo. Đầu năm Thủ tướng đề nghị điều hành giảm giá đồng Việt Nam trong biên độ 2%, thực tế cả năm qua chỉ tăng 1,3%.

“Trong kết quả chung của kinh tế vĩ mô, đóng góp của ngành ngân hàng là trực tiếp và rất quan trọng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, thành quả đạt được của ngành ngân hàng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý lời biểu dương đó không phải để ngành ngân hàng chủ quan, tự mãn về mình. Ông nhắc lại câu chuyện nợ xấu mỗi nơi báo cáo một con số và hiện vẫn rất cao so với mức cam kết, hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh, vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau.

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền để định hướng dư luận, song Thủ tướng cho rằng tuyên truyền phải theo hướng thực chất, nói rõ những việc làm được đồng thời phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém. “Trên đời này không phải việc nào chúng ta cũng làm tốt được. Ngay như Thủ tướng khi giải trình trước Quốc hội, bên cạnh mặt làm được, cũng phải nhìn nhận những yếu kém, coi đây như mặt trái của quá trình phát triển cần nghiêm túc khắc phục”, ông nói.

Đề cập tới những xáo trộn tỷ giá gần đây, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu kiểm điểm việc đưa ra các dự báo, nhận định gây hoang mang cho thị trường. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, kịp thời đưa ra thông tin giúp trấn an dư luận.

“Xã hội thông tin bây giờ không thể cấm người ta bình luận, chuyên gia mỗi người một quan điểm. Nhưng nếu chúng ta chủ động cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời, sẽ định hướng được dư luận”, Thủ tướng nói.

Kết thúc bài phát biểu tròn một tiếng của mình, Thủ tướng không quên nhắc nhở ngành ngân hàng phát huy những việc đã làm, đồng thời ra sức khắc phục yếu kém, đề cao trách nhiệm với đất nước để xứng đáng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.