Ngư dân vươn khơi là cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để hỗ trợ tối đa cho ngư dân, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ ngư dân để vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam.

Phóng viên: Hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân thời gian qua có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ngư dân vươn khơi là cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo  - Ảnh 1
Ông Trần Cao Mưu,
Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam
Ông Trần Cao Mưu: Về thuận lợi, nghề khai thác thủy sản ở nước ta được hình thành từ lâu, nguồn lao động có kinh nghiệm đánh bắt và nuôi trồng. Hoạt động khai thác thủy sản nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, nghề cá ở nước ta thường xuyên phải đối mặt với khó khăn: Phương tiện khai thác chủ yếu là phương tiện nhỏ, dễ hư hỏng; sản lượng khai thác giảm; giá dầu tăng liên tục; giá cá không tăng; cơ sở hậu cần dịch vụ còn rất khó khăn...

Ngoài thiên tai, nhiều năm nay ngư dân đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa vẫn thường xuyên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, cướp phá, bắt bớ, đánh đập thuyền viên. Số vốn ngư dân vay được rất hạn hữu. Vốn lưu động thiếu nên mỗi khi ra khơi ngư dân phải vay nóng với lãi suất cao, lời lãi của ngư dân vì thế không được bao nhiêu. Đời sống của ngư dân ngày càng khó khăn.

Ông đánh giá như thế nào về sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong thời gian qua cũng như thời gian tới?

Nhiều năm nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Đặc biệt, tới đây Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về phát triển kinh tế thủy sản. Theo đó, Nhà nước sẽ dành ngân sách để đầu tư cảng cá, bến cá, luồng lạch, tiêu đèn, nơi neo trú đậu, tránh trú bão... cho ngư dân. Nhà nước cũng đầu tư vốn cho ngư dân vay đóng mới tàu, tối đa 90% tổng giá trị đầu tư nếu là tàu sắt và 85% nếu là tàu vỏ gỗ, lãi suất 5%/năm, thời hạn 10 năm. Chủ tàu chỉ phải trả lãi 2%/năm, Nhà nước sẽ cấp bù cho các ngân hàng thương mại 3%/năm. Những con tàu này cũng sẽ được phép làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước hỗ trợ ngư dân đóng bảo hiểm tàu và thuyền viên, hỗ trợ rủi ro cho ngư dân... Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng lâu đời của ngư dân, làm cho ngư dân tin tưởng, phấn khởi, sẵn sàng tiếp cận vốn vay.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách cho phát triển thủy sản thể hiện sự quan tâm rất lớn, đầy đủ, toàn diện hơn cho ngư dân. Điều này hết sức quan trọng vì ngư dân vươn khơi không chỉ để làm giàu cho bản thân họ mà quan trọng hơn, họ chính là cột mốc sống, là chiến sỹ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Băn khoăn, lo lắng nhất của ngư dân hiện nay là gì, thưa ông?

Một trong những băn khoăn nhất hiện nay của bà con ngư dân là giá thành để đóng mới tàu quá cao, đặc biệt là tàu vỏ thép. Theo thông tin một số doanh nghiệp công bố, giá thành sẽ vào khoảng 6-7 tỷ đồng. Nếu được vay 90% của 7 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ đồng) thì người dân vẫn phải thêm khoảng 700 triệu đồng. Với lãi suất 2%/năm thì riêng tiền lãi ngư dân phải trả cho ngân hàng là gần 130 triệu đồng/năm, chưa kể tiền gốc phải trả trong vòng 10 năm.

Chưa kể, một năm tàu sắt phải được bảo dưỡng hai lần với kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Nhưng hiện nay xưởng sửa chữa cho tàu sắt chỉ có ở những khu công nghiệp lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng... Những tàu ở địa phương chưa có xưởng sửa chữa  phải chạy ra các địa phương khác, thời gian bảo dưỡng vì thế sẽ kéo dài. Các khoản kinh phí quá lớn là điều mà ngư dân băn khoăn và lo lắng. Bài toán kinh tế này đang cần lời giải.

Thời gian tới, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ sẽ phải được nhanh chóng đưa đến tay ngư dân. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm này của Chính phủ?

Đây là quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ. Hiện các ngành chức năng đã thấy được trách nhiệm của mình, thấy được khó khăn của ngư dân, sự cần thiết phải đầu tư cho ngư dân phát triển kinh tế thủy sản, đồng thời thực hiện vai trò là người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo tôi, sắp tới những hỗ trợ này sẽ có sự thúc đẩy nhanh hơn, nhưng không thể ngày một ngày hai có thể giải ngân được hết số vốn này. Vì quy trình giải ngân, quy trình đóng một con tàu không phải đơn giản. Đơn cử, hiện có một số DN muốn đóng tàu cho dân thuê, nhưng cũng phải xem xét lại, bởi ngư dân rất cần phải được chủ động tham gia và quyết định việc đóng tàu, từ hình thức, vật liệu đóng tàu, thiết kế cho nghề gì...

Bên cạnh cho vay đóng tàu, Nhà nước cần xem xét cho ngư dân vay vốn lưu động một cách ưu đãi. Vốn lưu động cho một chuyến đánh bắt là rất lớn, nhưng ngư dân thường phải đi vay nóng ở đầu nậu.

Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng khâu dịch vụ hậu cần nghề cá ở nước ta hiện nay?

Chuỗi sản xuất thủy sản của chúng ta còn có nhiều hạn chế, bất cập, nhất là khâu dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau đánh bắt, hiện ngư dân phải tự đưa cá vào bờ, vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí. Nếu có đội tàu hậu cần chuyên thu mua cá trực tiếp của ngư dân ngay trên ngư trường là tốt nhất. Đây là nhu cầu rất lớn, là trăn trở, băn khoăn của ngư dân. Khâu dịch vụ này chưa bảo đảm, chưa thông suốt thì ngư dân vẫn còn thiệt thòi. Hậu khai thác là khâu quan trọng, quyết định giá trị của sản phẩm sau khai thác. Nếu sản phẩm có lãi thì ngư dân có tiền trả nợ cũng như có tích lũy.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần, trước hết phải là vai trò của Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá cũng tương tự như đầu tư cho đội tàu khai thác. Sự đầu tư này vô cùng quan trọng, nó sẽ hỗ trợ và quyết định thắng lợi của việc khai thác.

Trân trọng cảm ơn ông!