Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng lên hàng năm

Thanh Sơn

Năm 2017, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,7 triệu người trong khi năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia. Điều này cho thấy số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH (ngồi giữa) tham dự và điều hành hội nghị. Ảnh BV
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH (ngồi giữa) tham dự và điều hành hội nghị. Ảnh BV

Theo báo cáo của Cục Việc làm tại Hội nghị truyền thông việc làm đối với cơ quan báo chí diễn ra hôm 10/5, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm.

Cụ thể, nếu như năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỷ đồng.

Theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Qũy bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi kết dư Qũy bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề.

Tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng tăng theo từng năm do số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, nếu năm 2010 tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 457,11 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 4.883 tỷ đồng và năm 2017 là 7.831 tỷ đồng.

"Mặt khác, chi trợ cấp thất nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao so với chi hỗ trợ học nghề và chi đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung vào việc dạy nghề và đào tạo nghề để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn", TS. Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.

Một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, tâm lý người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến các chế độ khác như: Tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Một số người lao động còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp còn khá lớn, tính đến năm 2017 số nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 242,827 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, phần lớn người sử dụng lao động chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp,…cần tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng sâu rộng hơn.