Người tiêu dùng không thể đứng ngoài cuộc

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định quyền cơ bản nhất của người tiêu dùng là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Nhưng trên thực tế quyền này vẫn bị xâm phạm trong nhiều trường hợp.

Người tiêu dùng không thể đứng ngoài cuộc
Ảnh minh họa. Nguồn:internet
Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin có thể xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, mũ bảo hiểm giả. Việc cấm lưu hành mũ bảo hiểm kém chất lượng là đúng, nhưng nếu lựa chọn xử phạt người sử dụng thay vì xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh mũ kém chất lượng, thì người tiêu dùng đang bị đối xử không công bằng.

Bởi hiện không có nhiều thông tin hướng dẫn nhận biết mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn, cũng như còn quá ít loại mũ phù hợp với khả năng tiêu dùng chung của xã hội để lựa chọn. Quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm khi mua phải mũ kém chất lượng. Và bị xâm phạm quyền cơ bản nhất quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy, dù đã có một hành lang pháp lý được quy định bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng một số luật chuyên ngành khác thì quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo đảm. Trong khi, các cơ quan chức năng vẫn chỉ lặp lại khuyến cáo cũ: người tiêu dùng hãy phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái. Nhưng liệu có trở thành thông thái được không, nếu như các quy định về giá, về chất lượng, về ghi nhãn mác hàng hóa, về điều kiện kinh doanh không được cụ thể hóa và tuyên truyền đến tận người tiêu dùng? Hay như hầu hết doanh nghiệp đều bỏ qua các điều kiện đã được quy định rõ trong hệ thống các văn bản pháp luật gồm thực hiện đăng ký chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ghi nhãn, niêm yết giá, bảo hành…?

Trong khi đó, các cơ quan chức năng có trách nhiệm gác cửa cho chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lại bị động trong nhiều thời điểm, thậm chí bất lực trước việc giá một số loại hàng hóa tăng mà không kiểm soát được. Chỉ tính riêng đối với mặt hàng sữa, nếu như các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định đã được ghi trong các Nghị định 24 và 69 thì đã có thể loại trừ được những yếu tố tăng giá bất hợp lý. Từ đó có thể xử lý được những doanh nghiệp vi phạm, cố tình tăng giá sữa, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Thế nhưng, cho đến nay, hoàn toàn chưa có giải pháp nào để giảm tình trạng giá sữa tăng vô tội vạ. Trái lại, ngày càng xuất hiện nhiều mánh lới gian lận thương mại để móc túi người tiêu dùng, mà vụ việc vi phạm của sữa dê Danlait mới đây là một ví dụ điển hình.

Đến đây thì nhiều người đặt vấn đề vì sao người tiêu dùng không kiện cơ sở sản xuất? Song có thể thấy, nhận thức của người tiêu dùng về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình còn yếu. Chưa có một điều tra chính thức, nhưng mới đây, khi thực hiện cuộc phỏng vấn nhỏ với 5 người dân ở thành phố Ban Mê Thuột, Đăk Lăk thì chỉ có duy nhất một người nói là có nghe về quyền của người tiêu dùng, và biết mình có quyền được lựa chọn. Khi người tiêu dùng còn thụ động và thiếu kiến thức để bảo vệ chính mình, thì tình trạng quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm vẫn còn kéo dài.

Thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một quá trình dài, không chỉ đơn thuần là thực hiện đúng các điều khoản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là phối hợp giữa các luật và quy định khác. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không thể chỉ là công việc của một bộ, ban, ngành mà thực sự phải là công việc chung của toàn xã hội. Trong đó, người tiêu dùng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, mỗi người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức cơ bản nhất, cụ thể là 8 quyền và 2 nghĩa vụ đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợåi người tiêu dùng.

Mặt khác, sự đoàn kết giữa người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm mới là điều kiện đủ để thực thi các quyền cơ bản. Đây là một cách để thể hiện sức mạnh của người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp, người kinh doanh phải có hành xử đúng theo quy định của pháp luật.