Nguy cơ bất ổn ngân hàng từ… trái phiếu

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Thanh khoản dồi dào trong lúc tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng khiến một bộ phận đông đảo các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực trái phiếu. Song chính điều này được cảnh báo có thể gây ra nhiều áp lực về thanh khoản và nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng trong các năm tới.

 Nguy cơ bất ổn ngân hàng từ… trái phiếu
Đầu tư vào trái phiếu đang hấp dẫn nhiều ngân hàng thương mại. Nguồn: internet

Trong tuần thứ ba của tháng 12, thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục chứng kiến nhiều phiên đấu thầu thành công của 3 đơn vị Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển (VDB) và Ngân hàng Chính sách.

Các phiên đấu thầu này cho thấy, nhu cầu đầu tư tăng rất mạnh ở kỳ hạn 3 năm đồng thời chuyển hướng sang kỳ hạn dài hơn 5 năm, mà theo nhận định của giới phân tích, chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư tiếp tục được gia tăng đáng kể. Lãi suất trái phiếu Chính phủ sơ cấp giảm sâu, đặc biệt ở kỳ hạn 3 năm, về còn 7,48%/năm và 8,5%/năm lần lượt cho kỳ hạn 3 và 5 năm.

Ở tuần qua, Ngân hàng Chính sách phát hành thành công 400 tỉ đồng trên 1.200 tỉ đồng gọi thầu với kỳ hạn 2 năm trúng 200 tỉ đồng (lãi suất 8,24%/năm) và kỳ hạn 3 năm trúng thầu 200 tỉ đồng (lãi suất 8,5%/năm). Đáng chú ý, VDB và Kho bạc Nhà nước còn huy động thành công 100% tổng giá trị chào thầu.

 Với kết quả các phiên đầu thấu này, tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công gần 138.394,6 tỉ đồng, đạt 101,24% kế hoạch của cả năm. VDB cũng đấu thầu thành công 40.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch trong lúc Ngân hàng Chính sách chỉ đấu thầu thành công 7.130 tỉ đồng, đạt 39,39% kế hoạch.

Các tổ chức đầu tư đều chung quan điểm khi cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào và duy trì ổn định suốt thời gian qua, trái ngược với mức tăng thấp của tín dụng cả năm cũng như chi phí nguồn thấp và lạm phát được kiểm soát tốt tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ rất lớn cho lực cầu trái phiếu Chính phủ, đặc biệt từ nhóm khách hàng ngân hàng.

Hãng định hạng tín nhiệm Moody's mới đây duy trì định hạng trái phiếu Chính phủ của Việt Nam ở mức B2 cũng cho thấy mức phản ánh kinh tế vĩ mô đang đi vào ổn định và những bước tiến ban đầu trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Giới phân tích tin tưởng, yếu tố thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dư thừa ngay trong giai đoạn gần tết, kết hợp với những diễn biến thuận lợi của lạm phát cũng như kỳ vọng về kinh tế vĩ mô năm 2014 còn nhiều khó khăn sẽ tiếp tục là những yếu tố chính hỗ trợ cho lực cầu trái phiếu Chính phủ trong thời gian gần đây.

Các nhà đầu tư được dự báo sẽ tiếp tục tham gia thị trường này một cách tích cực với xu hướng lãi suất duy trì mức ổn định theo chiều hướng tăng nhẹ. Do đó cũng có ý kiến cho rằng, thực tế lãi suất giảm nhẹ trong tuần thứ ba của tháng 12 theo đó chỉ mang tính tạm thời và sớm ổn định hơn trong thời gian tới.

Một diễn đáng chú ý, các ngân hàng hiện đang là nhóm khách hàng lớn nhất của trái phiếu Chính phủ với khối lượng nắm giữ hầu hết, tới khoảng 90% lượng trái phiếu đang lưu hành. Song chính điều này cũng đang gây ra không ít quan ngại. Mới đây, khi đánh giá về việc phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 – 2015, nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại khi hệ thống tổ chức tín dụng hiện đang nắm giữ tới 450.000 tỉ đồng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ.

Con số này chiếm tới khoảng 90% tổng lượng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành. Các phân tích cho rằng, với áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ gộp cả để đảo nợ đến hạn, tổng khối lượng hai năm 2014-2015 là khoảng 320.000 tỉ đồng, nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng và kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.

“Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước trong khi vẫn cần đảm bảo cung ứng đủ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, nhưng không được làm gia tăng áp lực lạm phát tiền tệ, đồng thời phải tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành thành công tín phiếu và trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch 2014-2015 dự kiến” – một tổ chức đầu tư đưa nhận định.

Ngoài lượng trái phiếu Chính phủ, số liệu thống kê đến tháng 12/2013 cũng cho thấy, các doanh nghiệp thời gian qua huy động được 33.600 tỉ đồng vốn trong nước thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Lượng phát hành trong năm nay tương đương mức tăng tới 17% so với khối lượng phát hành của cả năm 2012.

 Theo nhận định của các tổ chức đầu tư,  trái phiếu doanh nghiệp lúc này đang trở thành kênh đầu tư có lợi suất trên danh nghĩa cao nhất với lãi suất phát hành cho năm đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất lớn hiện ở vào khoảng 11-12%/năm, biên lãi suất khoảng 3-3,5%/năm.