Các loại chi phí và lợi ích đầu tư trong giáo dục đại học

Chi phí cơ hội

Trong một nền kinh tế mà nguồn lực được sử dụng đầy đủ thì sự tăng lên trong số lượng dịch vụ giáo dục được lấy từ các nguồn lực của việc sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ khác. Giá trị của hàng hoá và dịch vụ được tính trước (đó là giá trị các nguồn lực được sử dụng trong sản xuất) là giá trị của sự tăng lên trong dịch vụ giáo dục.

Chi phí hữu hình và vô hình

Chi phí hữu hình các dịch vụ của một trường đại học cung cấp là chi phí của các nguồn lực mà trường đã mua về và thuê để cung cấp các dịch vụ đó. Đó là chi phí các nguồn vốn vật chất và nguồn lao động. Đối với sinh viên, các chi phí đầu vào do trường sử dụng trong quá trình cung cấp các dịch vụ giáo dục (chi phí hữu hình) là chi phí cho các loại nhu cầu thiết yếu trong quá trình học tập và các dịch vụ học tập khác. Tuy nhiên, chi phí thực tế để cung cấp các dịch vụ giáo dục đại học (GDĐH) cao hơn nhiều so với các khoản chi phí hữu hình. Để sử dụng các dịch vụ giáo dục, sinh viên phải dừng một phần hoặc hoàn toàn công việc của mình, như vậy sẽ làm giảm khối lượng hàng hoá và dịch vụ khác cho xã hội. Phần thu nhập mất đi này quy ra phần GDP mất đi, được tính là chi phí vô hình của các dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên.

Chi phí đào tạo thực tế và chi phí đào tạo hp lý

Theo một nghiên cứu năm 2012, chi phí đào tạo thực tế là chi phí bình quân mà các cơ sở đào tạo thực tế đang chi trả cho mỗi sinh viên trong năm học; Chi phí đào tạo hợp lý là chi phí bình quân mà các cơ sở đào tạo lẽ ra phải chi cho mỗi sinh viên/năm học, nếu muốn đạt được một mức chất lượng trung bình trong trục chất lượng đào tạo đại học. Nghiên cứu cũng đã tính toán chi phí đào tạo thực tế đối với từng nhóm ngành đào tạo thông qua việc khảo sát chi phí các trường đại học công lập ở Việt Nam và tính toán chi phí đào tạo hợp lý dựa trên các tiêu chuẩn: (i) Các nghiên cứu đã coi ngành Y dược đạt được mức chất lượng trung bình của thế giới, do chi phí đơn vị tương đối của nhóm ngành này ở Việt Nam khá cao và chất lượng đào tạo tương đối tốt. (ii) Giả sử tại các nước phát triển, chi phí đào tạo các nhóm ngành ở mức hợp lý. Vì vậy, có thể tính được tỷ lệ chi phí hợp lý cho mỗi nhóm ngành (là tỷ lệ giữa chi phí đơn vị đào tạo 1 sinh viên thuộc nhóm ngành đó so với chi phí đơn vị đào tạo 1 sinh viên ngành Y dược). Như vậy, chi phí đào tạo hợp lý mỗi nhóm ngành cụ thể sẽ là tích số của chi phí đào tạo thực tế của nhóm ngành Y dược và tỷ lệ chi phí hợp lý của nhóm ngành đó.

Vận dụng nguyên tắc thị trường để định giá các sản phẩm giáo dục

Hầu hết chương trình của cơ sở GDĐH hiện đều được áp dụng mức học phí giống nhau đối với tất cả các sinh viên nên sẽ dẫn đến việc định giá sản phẩm giáo dục không hiệu quả. Theo nghiên cứu của Phạm Đức Chính (2011) về “Công bằng và hiệu quả trong chi tiêu công cho GDĐH Việt Nam” thì hệ thống giá cả thị trường và lạm phát được tính đến đầy đủ trong việc xác định những ưu tiên của chương trình học. Những phân tích trên chỉ ra phần nào đó sự không hiệu quả của việc không sử dụng các nguyên tắc thị trường và việc đánh giá, điều chỉnh giá cả các sản phẩm của giáo dục trong nền kinh tế thị trường luôn biến đổi.

Nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam  - Ảnh 1

Lợi ích đầu tư giáo dục đại học

Giáo dục đem lại lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Về lợi ích cá nhân là mức thu nhập cao hơn mà người lao động được đào tạo có được, người được đào tạo sẽ thấy tự tin hơn trong cuộc sống, họ có khả năng hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Lợi ích xã hội của giáo dục bao gồm lợi ích cá nhân và những ngoại ứng tích cực mà giáo dục đem lại cho những người không trực tiếp tham gia học tập, lợi ích xã hội của giáo dục, rất khó định lượng. Giáo dục làm giảm tỷ lệ tội phạm trong xã hội, qua đó làm giảm chi phí xã hội… Do đó, hầu hết các nước đều dành tỷ lệ ngân sách tương đối lớn cho giáo dục.

Nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam  - Ảnh 2

Chi phí đầu tư: Nhìn từ Nghị định 49/2010/NĐ-CP

Số liệu (Bảng 1) cho thấy chi phí đào tạo thực tế của sinh viên ngành Kinh tế và Luật là thấp nhất (4,9 triệu đồng/sinh viên), chi phí đào tạo thực tế sinh ngành Y dược là cao nhất (18,1 triệu đồng/ sinh viên); mức độ đầu tư thực tế năm 2010 của các trường ĐH công lập là rất thấp so với chi phí hợp lý nhằm đạt được mức độ chất lượng trung bình so với các nước có nền giáo dục tiên tiến, cụ thể ngành Y dược đạt 100%, ngành Nghệ thuật đạt 87,28%, ngành Sư phạm và quản lý giáo dục đạt 78,31%, ngành Khoa học xã hội và nhân văn đạt 64,40%...

Mức chi phí đầu tư thực tế so với chi phí hợp lý chưa đảm bảo có nghĩa là chúng ta vẫn chưa toàn tâm, toàn lực đầu tư vì mục tiêu chất lượng đào tạo. Chất lượng không đảm bảo sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư mà cụ thể là những lợi ích như: lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội mang lại từ giáo dục đào tạo sẽ không đạt kết quả mong muốn.

Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 đã góp phần đáp ứng được 2/3 nhu cầu tài chính để đạt mức chất lượng trung bình thế giới. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên tăng nhanh nên khó có thể tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). Giả sử trong thời gian tới Chính phủ duy trì mức đầu tư cho mỗi sinh viên từ NSNN như năm 2010 và lạm phát giai đoạn 2011-2015 dao động từ 5% đến 10% thì từ số liệu Bảng 1 và theo lộ trình cải cách học phí giai đoạn 2011-2015 của Nghị định 49/2010/NĐ-CP, nếu tính toán bình quân cho tất cả các ngành: nếu lạm phát là 5% thì đáp ứng được 72% nhu cầu tài chính về chất lượng đào tạo trung bình thế giới và nếu lạm phát là 10%, thì chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu (Bảng 2).

Số liệu phân tích trên cũng cho thấy lộ trình tăng học phí giai đoạn 2010-2015 của Chính phủ tính toán theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP còn rất thấp so với thực tế. Hơn nữa, Nghị định này cũng chưa bao quát hết mọi khả năng của nền kinh tế, trong đó có tỷ lệ gia tăng của lạm phát hàng năm của nền kinh tế.

Nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam  - Ảnh 3

Trong điều kiện lạm phát thấp, Việt Nam sẽ mất từ 6-12 năm, còn trong điều kiện lạm phát cao 10%, tùy từng nhóm ngành sẽ mất tới 14-24 năm để đạt mức chất lượng đào tạo ĐH trung bình so với thế giới. Như vậy, Nghị định 49/2010/NĐ-CP đưa ra khung học phí chưa tính toán đến tình hình và tốc độ gia tăng của tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế và Việt Nam lại phải mất một khoảng thời gian dài mới đạt được mức trung bình so với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Nếu chính sách không được nghiên cứu, sửa đổi và điều chỉnh kịp thời, thì khoảng cách về thời gian để Việt Nam theo kịp với trình độ các nước phát triển sẽ ngày càng xa hơn.

Căn cứ vào mức tăng học phí năm 2014-2015 của Nghị định 49/2010/NĐ-CP, so sánh chi phí hợp lý để đạt mức chất lượng trung bình thế giới trong điều kiện lạm phát dao động từ 5% đến 10% kết hợp với nghiên cứu của Phùng Xuân Nhạ và Phạm Xuân Hoan (2012), tác giả tính được tốc độ tăng học phí cần thiết để đạt mức chất lượng trung bình thế giới năm học 2014-2015 (Bảng 3).

Theo đó, tính bình quân cho tất cả nhóm ngành nêu trên, nếu lạm phát tăng 5% thì tốc độ tăng học phí cần đạt bình quân 34% và nếu lạm phát tăng 10% thì tốc độ tăng học phí cần đạt bình quân 43%, so sánh với quy định của Nghị định 49/2010/ NĐ-CP tốc độ tăng học phí bình quân chỉ đạt ở mức 19%.

Đề xuất, kiến nghị

Lộ trình cải cách không nên quá dài hoặc quá ngắn, vì sẽ gây sức ép tăng học phí quá lớn đối với người học. Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình cải cách học phí nên chia ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2010-2015 thực hiện theo quy định hiện hành của Nghị định 49/2010/NĐ-CP với mức tăng học phí hàng năm các ngành học từ 17% đến 20%; giai đoạn 2016-2020 nên thực hiện tăng ở mức cao hơn để đạt mức chất lượng trung bình thế giới. Theo đó, người viết tạm đề xuất lộ trình cải cách học phí sau năm 2015 (Bảng 4):

Nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam  - Ảnh 4

- Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật cần đạt mức tăng học phí 49%/năm. Là nhóm ngành mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế tri thức, NSNN cần tăng cường đầu tư để phát triển ngành này, việc tính toán lộ trình tăng học phí giai đoạn 2016- 2020 có thể điều chỉnh giảm, tương ứng phần đầu tư của NSNN là phần điều chỉnh giảm theo đề xuất của lộ trình.

- Nhóm ngành Khoa học tự nhiên cần đạt mức tăng bình quân 45%/năm. Đây cũng là lĩnh vực sáng tạo ra kinh tế tri thức, trong tương lai NSNN có thể đầu tư để phát triển, tương ứng phần đầu tư từ NSNN là phần điều chỉnh giảm theo đề xuất của lộ trình.

- Nhóm ngành khoa học - xã hội và nhân văn cần đạt mức tăng 37%/năm. Đây là nhóm ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; phần đầu tư từ NSNN cho nhóm ngành này tương đối lớn, việc tính toán lộ trình tăng học phí có thể điều chỉnh giảm, tương ứng phần đầu tư từ NSNN là phần điều chỉnh giảm thu học phí theo đề xuất của lộ trình.

- Nhóm ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cần đạt mức tăng bình quân 53%/năm. Nhóm ngành này thuộc lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất và ngành thuộc thế mạnh phát triển kinh tế của Việt Nam nên rất cần được quan tâm và đầu tư để phát triển.

- Nhóm ngành Kinh tế và Luật cần đạt mức tăng bình quân là 34%/năm. Sinh viên nhóm ngành này ra trường tìm việc làm khá dễ dàng và có thu nhập tương đối cao, việc đề xuất học phí theo lộ trình là hợp lý. Việc tính toán lộ trình tăng học phí có thể điều chỉnh giảm, tương ứng phần hỗ trợ từ NSNN là phần điều chỉnh giảm thu học phí theo đề xuất của lộ trình.

- Nhóm ngành Nghệ thuật cần đạt mức tăng bình quân 36%/năm. Đầu tư từ NSNN cho nhóm ngành này khá lớn, nên việc tính toán tăng học phí theo lộ trình có thể là điều chỉnh giảm, tương ứng phần hỗ trợ từ NSNN là phần điều chỉnh giảm thu học phí theo đề xuất của lộ trình.

- Đối với ngành Y dược theo tính toán của Nghị định 49, mức học phí cũng đã có sự gia tăng đáng kể, bình quân là 24%/năm, như vậy chất lượng đào tạo đại học nhóm ngành Y dược của Việt Nam đã đạt được mức chất lượng trung bình của GDĐH tiên tiến trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015;

2. Phạm Đức Chính (2011), Công bằng và hiệu quả trong chi tiêu công giáo dục Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;

3. Phùng Xuân Nhạ và Phạm Xuân Hoan, (2012), Chi phí, lợi ích đầu tư cho GDĐH Việt Nam và lộ trình cải cách học phí theo nhóm ngành, Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 264, tháng 10/2012, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013

Nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam

ThS. Trần Việt Hùng - Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

(Tài chính) Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP đã góp phần hoàn thiện chính sách tài chính giáo dục đại học. Tuy nhiên, khung học phí tại Nghị định này chưa bao quát mọi tình huống. Bài viết này nghiên cứu về nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất về chính sách cũng như những cải cách học phí hợp lý trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật