Nhà đầu tư chiến lược: “Thuốc tốt” cho cổ phần hóa?

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Tìm được nhà đầu tư chiến lược là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý. Tuy nhiên, liệu mọi cuộc cổ phần hóa đều phải đi kèm với điều kiện là tìm cho ra nhà đầu tư chiến lược hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ năm 2011, Nghị định số 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần đã quy định về khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” (NĐTCL): Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN và hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị DN; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên qua thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho rằng: “Quan niệm về NĐTCL vẫn có sự chưa rõ ràng”. Theo ông Bằng, đã có nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, nhưng khi tham gia đầu tư vào những lĩnh vực này thì lại gặt hái thành công, ví dụ như trong nông nghiệp.

Thời gian qua, thị trường đã không lạ gì về thành quả các thương vụ đầu tư của các DN ngoài ngành vào lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có truyền thống kinh doanh đồ nội thất, bất động sản... mới đây công bố doanh thu từ bán mủ cao su và đường ăn đạt gần 1.270 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2013 và chiếm hơn 40% tổng doanh thu) sau 6 năm tham gia vào nông nghiệp.

Hòa Phát, một “ông lớn” khác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản vừa đầu tư 300 tỷ đồng để thành lập một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm. Dự kiến lô hàng thương mại đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6 năm nay, hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm tới.

Ông Vũ Bằng cho rằng, bên cạnh các tiêu chí lựa chọn NĐTCL khi tham gia cổ phần hóa hay thoái vốn ngoài ngành của DNNN thì NĐTCL cũng có thể chỉ là người có tiền và kinh nghiệm quản trị.

Tìm NĐTCL để phát triển sản xuất kinh doanh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội là mong mỏi của nhiều DN và nhà quản lý trong nhiều cuộc cổ phần hóa thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, không nên đặt nặng việc tìm NĐTCL đối với DNNN loại nhỏ (có vốn khoảng 10 tỷ đồng) mà chỉ nên tập trung vào các DNNN lớn, có vốn Nhà nước với giá trị hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ông Đông cho rằng không phải DNNN lớn nào cũng cần NĐTCL khi thực hiện cổ phần hóa hay trở thành công ty đại chúng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT phân tích, NĐTCL thì phải mang lại cho DN công nghệ đặc biệt, sau đó mới tới thị trường, kinh nghiệm quản trị và vốn. Tuy nhiên, một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, viễn thông... thì không nên mời NĐTCL nước ngoài tham gia cổ phần hóa, mà nên chuyển đổi thành công ty đại chúng để toàn dân được hưởng lợi.

“Lĩnh vực viễn thông, công nghệ đã phổ biến, được thế giới mua bán hằng ngày. Về quản trị, Viettel, MobiFone ban đầu cũng thuê chuyên gia quản trị nước ngoài nhưng bây giờ không phải là vấn đề quan trọng. Thị trường là thị trường của dân ta rồi”, ông Đông nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu bán cổ phần của các DNNN trong lĩnh vực đồ uống, viễn thông cho nước ngoài được giá tính bằng tiền là 40.000 đồng mà bán cho dân (nhà đầu tư trong nước - PV) được 35.000 đồng thì cũng nên bán cho dân. Bởi dân ta sẽ được hưởng lợi hơn và cũng là những người hằng ngày sử dụng các sản phẩm này. Còn với các nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực này, ông Đông cho rằng “không mang lại gì cho chúng ta”.

Trước việc dư luận lo ngại xã hội không đủ tiền để “tiêu thụ hàng hóa” từ các đợt cổ phần hóa DNNN, ông Đặng Huy Đông cho rằng “không hẳn thế”. Ông Đông dẫn chứng dư nợ trong hệ thống ngân hàng hiện khoảng 3 đến 4 triệu tỷ đồng thì 1/3 trong đó đến từ tiền gửi của người dân.

Từ ước tính trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng nên tính toán kỹ câu chuyện mời các NĐTCL nước ngoài tham gia cổ phần hóa DNNN trong lĩnh vực đồ uống, viễn thông hay nên bán rộng rãi ra đại chúng. “Bán có “hố” cho dân thì cũng là của dân ta. Như vậy, dân ta cũng giàu hơn được một chút và được hưởng lợi”, ông Đông bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông cũng nhấn mạnh, cần kêu gọi NĐTCL nước ngoài tham gia cổ phần hóa đối với những DNNN như Vietnam Airlines bởi đây là câu chuyện toàn cầu về thị trường, quản trị và vốn.