Nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Sắp tới đây có khả năng thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có sự khác biệt như hiện nay, nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thuận lợi hơn khi làm thủ tục đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp giống như nhà đầu tư trong nước.

  Nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp
Nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp giống như nhà đầu tư trong nước. Nguồn: internet

Đây được xem là một trong những thay đổi lớn trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Dự luật này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy kiến kiến các cơ quan hữu trách để tổng kết và trình lên Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Nếu đề xuất này được thông qua thì quy định nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục riêng để có giấy Chứng nhận đầu tư, đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sẽ được bãi bỏ.

Theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, việc thực hiện quy định nêu trên gặp nhiều vướng mắc mà trước hết là vướng mắc trong cách hiểu thế nào là “lần đầu đầu tư vào Việt Nam”. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ khác nhau về bản chất pháp lý.

Thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được thực hiện thống nhất giữa các địa phương, còn tồn tại quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp này cũng như điều kiện, thủ tục xem xét điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Để  khắc phục những bất cập nêu trên và tạo mặt bằng pháp lý thống nhất về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư FDI đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh  kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.

Sau khi thành lập doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập sẽ thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục mà về cơ bản thống nhất áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam, Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh (thay đổi cổ đông, thành viên) theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trừ yêu cầu về thẩm tra điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật điều ước quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã được đối xử bình đẳng về quyền gia nhập thị trường và thực hiện dự án đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư hiện hành chưa xác định rõ quy trình cũng như nội dung cụ thể của việc thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư và chấm dứt dự án đầu tư. Mặt khác, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cũng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật nên đã dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau.

Bộ này cho rằng cơ chế “một cửa” mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Trên thực tế, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt thủ tục hành chính theo quy định các luật khác nhau. Kết quả rà soát thủ tục hành chính cho thấy, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai dự án đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hướng là xác định rõ các yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng và các quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, làm cơ sở để nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Giấy chứng nhận đầu tư sẽ được thay bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh đúng bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, không phải là nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án. Đồng thời, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Mặc dù thủ tục thoáng hơn, nhưng dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế mặt trái của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về điều chỉnh dự án đầu tư, điều kiện tạm ngừng, giãn tiến độ đầu tư; tạm ngừng, đình chỉ hoạt động của dự án đầu tư; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư... theo hướng xác định cụ thể điều kiện thực hiện đối với từng trường hợp, trách nhiệm của nhà đầu tư và thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý ở địa phương.

Những quy định này  tạo điều kiện để cơ quan quản lý thực hiện công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả tình hình hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp nhà đầu tư có hành vi vi phạm hoặc bảo đảm giải quyết quyền lợi của người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn.         

Thế nào là nhà đầu tư nước ngoài?

Việc xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài là cơ sở quan trọng để áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Tuy nhiên, khái niệm này chưa được quy định rõ trong Luật Đầu tư hiện hành, nên đã gây nhiều lúng túng trong việc áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu theo khái niệm quy định tại Luật Đầu tư thì có thể hiểu doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam có 1% vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị coi là nhà đầu tư nước ngoài và phải tuân thủ điều kiện đầu tư nước ngoài. Hạn chế này là nguyên nhân phát sinh hầu hết vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất quy định về vấn đề này, Dự thảo Luật quy định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài  căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài  bao gồm: (i) tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc đăng ký thành lập ở nước ngoài; (ii) doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam có phần vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài với tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ trở lên hoặc có 50% tổng số thành viên trở lên là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc công ty TNHH, công ty hợp danh có thành viên là cá nhân nước ngoài.