"Nhà đầu tư Việt Nam quá bi quan về kinh tế"

Theo VnExpress

Theo chuyên gia quốc tế Michael Kokalari, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích tại Chứng khoán MayBank Kim Eng, bất chấp những khó khăn hiện tại Việt Nam vẫn là thị trường đầy triển vọng, nhưng nhà đầu tư nội mới chỉ coi thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi kiếm tiền nhanh, thay vì cơ hội lâu dài.

- Là một trong số ít những lãnh đạo nước ngoài đang điều hành công ty chứng khoán ở Việt Nam, ông nhận thấy thị trường Việt Nam có những khác biệt gì so với các nước khác trên thế giới?

"Nhà đầu tư Việt Nam quá bi quan về kinh tế" - Ảnh 1
Ông Michael Kokalari,
Giám đốc Nghiên cứu Phân tích tại Chứng khoán MayBank Kim Eng
- Điểm khác biệt nhất ở chứng khoán Việt Nam là những quyết định từ Chính phủ ảnh hưởng lên thị trường rõ ràng hơn so với các nước phát triển khác. Cuối năm ngoái, tôi cho rằng chứng khoán Việt Nam sẽ đi ngang suốt năm 2013, lý do phải mất cả năm Chính phủ mới thành lập được Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) nhằm giải quyết vấn đề của ngân hàng.

Nhưng ngay sau đó, Chính phủ lại thay đổi bản chất vận hành của VAMC, từ việc phải cần 6-7 tỷ USD vốn hoạt động sang một cơ chế mới dễ dàng, nhanh chóng thành lập hơn. Với cách làm như vậy, VAMC sẽ không hiệu quả như dự thảo ban đầu từng đưa ra vào năm 2012, nhưng TTCK lại như có thêm động lực vì tin rằng Chính phủ sẽ hành động để giải quyết nợ xấu nhanh hơn.

Động thái này cùng những dự thảo về nới room nước ngoài từ 49% lên 59%, và các tuyên bố về lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tới tháng 6/2013 đã đẩy Vn-Index tăng hơn 20% so với đầu năm. Những công bố hoàn toàn không thể đoán trước của Chính phủ đã làm dự báo của tôi về thị trường năm 2013 trở nên vô nghĩa.

Dù vậy, điều thuận lợi là tôi đã làm việc qua nhiều thị trường để có thể hình dung viễn cảnh mà chứng khoán Việt Nam sắp trải qua, điển hình là tôi thấy hầu hết người Việt quá bi quan về kinh tế, một phần cũng do thời gian thực sự khó khăn vừa qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ triển vọng của đất nước này vẫn rất tuyệt vời.

- Ông có nhận định thế nào về diễn biến vĩ mô Việt Nam trong quý I/2013?


- Nền kinh tế đang chạm đáy, nhưng vẫn có dấu hiệu lạc quan là mọi thứ đang đi đúng hướng. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiền đồng đang được giao dịch ở mức gần với tỷ giá chính thức, lạm phát dưới 7%. Lãi suất cho vay vẫn hơi cao ở mức 14% nhưng cũng đang giảm dần, cán cân thương mại, kiều hối và dòng vốn FDI cho thấy dự trữ ngoại hối sẽ tăng trong năm 2013.

Nhiều nhà quan sát lo ngại khi tăng trưởng GDP quý I/2013 chỉ đạt 4,9%. Tôi nghĩ động thái kiềm hãm tốc độ GDP có thể là bẫy thanh khoản làm ngân hàng e ngại khi cho vay do không chắc nợ xấu sẽ giải quyết thế nào. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến GDP chỉ tăng trưởng 5% trong năm ngoái.

Trong suốt năm 2012, tổng cung tiền tăng trưởng 20% nhưng tín dụng chỉ tăng khoảng 5-6%. Sang quý I/2013, tín dụng toàn hệ thống gần như không tăng trong khi tiền gửi lại lên gần 4% so với đầu năm.

Nguyên nhân tôi nhấn mạnh ở đây là việc tăng trưởng cho vay quá mờ nhạt, có vẻ như giải pháp cho vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thành lập VAMC. Mặc dù Chính phủ lại trễ hẹn trong việc công bố thông tin chi tiết thành lập VAMC cuối tháng 3 vừa qua, và dù VAMC hiện còn ở rất xa so với giải pháp lý tưởng cho nợ xấu ở Việt Nam, tôi vẫn tin nó đủ khả năng vực dậy tăng trưởng tín dụng lên mức 10-20%, giúp GDP đạt ít nhất 6% trong năm 2013.

Những thống kê kinh tế quý I vừa qua, dù hơi thất vọng, tôi cũng thấy có vài điểm đáng lạc quan. Trong đó, chỉ số PMI chạm mức 50,8 vào tháng 3, tỷ lệ có việc làm tăng lần thứ 5 trong sáu tháng qua, và đơn đặt hàng cho xuất khẩu tăng lần đầu tiên trong 11 tháng, tất cả những số liệu này cho thấy điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện.

- Nhưng dường như TTCK chưa phản ứng tích cực với diễn biến tốt lên này của kinh tế vĩ mô, ông lý giải tại sao?

- Tôi thấy không có vẻ gì là nhà đầu tư trên TTCK đang quan tâm đến kinh tế vĩ mô. Rất có thể nền kinh tế đang dần ổn định, nên đề tài này không còn thường trực trong đầu mọi người.

Chứng khoán cũng phần nào lạc quan nhưng đó là do các yếu tố tạo ra tăng trưởng từ đầu tháng 12 và do lực đẩy của vốn ngoại. Quý I/2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào chứng khoán Việt Nam nhiều hơn tổng mức của cả năm 2012. Đây là bằng chứng về việc không liên kết giữa chỉ báo vĩ mô và tâm lý thị trường. Số liệu vĩ mô quý I/2013 đáng khích lệ hơn quý IV/2012, nhưng chưa hẳn là tốt, vậy mà TTCK tăng hơn 30%, cao hơn mức tăng trong quý IV/2012.

- Ông dự báo thời gian tới thị chứng khoán Việt Nam sẽ có những biến động thế nào?

- Việc cắt 100 điểm cơ bản lãi suất gần đây đủ để đẩy Vn-Index lên mức cao hơn trước và vượt mốc 500 điểm. Nhưng tôi nghĩ, TTCK khó có thể tăng hơn ngưỡng 550 điểm nếu không có đóng góp từ các yếu tố nhất định, bao gồm lạc quan về giải pháp cho nợ xấu, nâng giới hạn room khối ngoại từ 49% lên 59% và lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vào tháng 6/2013.

Tôi kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ vượt qua "bức tường lo lắng" lên mức 550 điểm. Thời gian gần đây, chúng tôi đã ghi nhận một chút về tín hiệu lạc quan khi chỉ số chứng khoán tăng 2%. Mối lo về kết quả kinh doanh quý I vẫn tồn tại, bên cạnh đó cũng còn khả năng một vài cổ phiếu sẽ bị đưa vào diện kiểm soát hoặc ngừng giao dịch, và về dư nợ tín dụng từ Sacombank đối với các công ty do gia đình người sáng lập nhà băng kiểm soát.

- Ông có lời khuyên gì đến các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam?

- Tôi nhận thấy hầu hết nhà đầu tư Việt Nam đều xem TTCK giống như nơi có thể kiếm tiền nhanh, và coi bất động sản, vàng là kênh tiết kiệm tương lai. Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng khoản lãi đến từ danh mục cổ phiếu nhỏ với tỷ lệ cổ tức cao trong 3-4 năm tới sẽ cao hơn so với lợi nhuận kênh bất động sản hay vàng mang lại.