Nhận diện những “điểm nghẽn” trong thu hút FDI vào Việt Nam

ThS. Hà Thị Cẩm Vân - ThS. Lê Mai Trang

Thấy rõ tầm quan trọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 25 năm (2006-2012), Việt Nam đã có nhiều thay đổi về thể chế nhằm tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng FDI đổ vào Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại, nhất là vào những tháng cuối năm 2012. Bởi vậy, việc nhận diện những “điểm nghẽn” trong thu hút FDI là rất cần thiết.

Nhận diện những “điểm nghẽn” trong thu hút FDI vào Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguồn vốn FDI đang bị suy giảm

Trong những năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng và hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2011 đến nay, mức độ hấp dẫn trong thu hút FDI của Việt Nam có dấu hiệu suy giảm.

Thực tế, từ chỗ chỉ chiếm gần 6% tổng FDI vào khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 1990-2000, đến giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đã chiếm trên 10,29% tổng FDI, đạt cao nhất tới 17% trong năm 2008. Tuy nhiên, sang năm 2009, vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại so với trước và tạo một xu hướng giảm nhẹ vào năm 2010 và 2011. Sự suy giảm của FDI vào Việt Nam được nhìn thấy rõ rệt vào năm 2011.

Sau khi đạt rất cao vào tháng 4/2011, với số vốn đăng ký lên tới 1.370 triệu USD, FDI bắt đầu chiều suy giảm và xuống đáy ở con số 185 triệu USD trong tháng 12/2011. Sang năm 2012, mặc dù khởi đầu với một sự gia tăng đáng kể trong luồng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tuy nhiên, sự gia tăng không bền vững với sự lên xuống thất thường.

Kết thúc năm 2012, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt hơn 13 tỷ USD, chỉ bằng 84,7% năm 2011 và kém khá xa kế hoạch đề ra từ đầu năm là thu hút 15-17 tỷ USD.

BẢNG 1: FDI VÀO VIỆT NAM SO VỚI MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG KHU VỰC GIAI ĐOẠN 1990-2010

Đơn vị tính: Triệu USD

Quốc gia

1990-2000

2005

2006

2007

2009

2010

Lào

50

28

187

324

319

350

Campuchia

127

381

483

867

539

783

Philippin

1.289

1.854

2.921

2.916

1963

1713

Việt Nam

1.322

2.021

2.400

6.739

7.600

8.173

Indonesia

1.584

8.336

4.914

6.928

4877

13.304

Malaysia

4.722

4.064

6.060

8.595

1.430

9.103

Thái Lan

3.198

8.048

9.460

11.238

4.976

5.813

Singapore

9.204

14.374

27.680

31.550

15.279

38.638

Ấn Độ

1.705

7.606

20.336

25.127

35.649

24.640

Trung Quốc

30.104

72.406

72.715

83.521

95.000

105.735

Mỹ

109.513

104.773

237.136

215.952

152.892

228.249

Thế giới

490.196

973.329

1.461.074

1.970.838

1.185.030

1.243.671

Nguồn: Báo cáo Đầu tư Thế giới 2010, UNCTAD     

Về cơ cấu của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chúng ta có thể thấy rõ ràng là các doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn tận dụng lợi thế nguồn lao động trẻ, giá rẻ của Việt Nam, nên phần lớn FDI đổ vào khu vực chế biến chế tạo, chiếm tới 47,92% trong tổng FDI vào Việt Nam năm 2011. Điều này cho thấy, nếu Việt Nam có một kết cấu hạ tầng tốt và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển đáp ứng được nhu cầu của các DN FDI, thì trong những năm tới, việc thu hút FDI sẽ thuận lợi hơn.

Tuy Việt Nam đã từng được coi là điểm đến tiềm năng của các DN FDI ở khu vực Đông Nam Á, nhưng dường như ưu thế của Việt Nam đang dần bị mất đi, dòng vốn có vẻ đang chảy sang các quốc gia khác trong khu vực. Bảng 1 cho chúng ta cái nhìn tổng quát về dòng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á và một số quốc gia khác trong giai đoạn 1990-2010.

Trong số các nước khu vực Đông Nam Á thì Singapore dẫn đầu danh sách về thu hút FDI, tiếp sau đó là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2010, Indonesia vươn lên ngoạn mục với giá trị vốn FDI đổ vào nước này tăng lên gấp gần 3 lần so với năm 2009, từ 4.877 triệu USD lên 13.304 triệu USD và lần đầu tiên lọt vào danh sách top 15 quốc gia có vốn FDI lớn nhất trên thế giới năm 2010. Dòng FDI vào Việt Nam tuy vẫn tăng, nhưng có xu hướng chậm lại so với thời gian trước, và có vẻ như dòng vốn đang tìm đến các điểm dừng chân khác trong khu vực, nơi mà có ít rủi ro và hấp dẫn hơn Việt Nam.

Đi tìm những “điểm nghẽn”

Nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng FDI vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gần đây. Cụ thể:

Một là, sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ: Đây được coi là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam. Những ưu điểm như nguồn lao động giá rẻ và chi phí cho sản xuất tương đối thấp của Việt Nam dường như đang mất dần đi khi trình độ và kỷ luật kém, còn chi phí sản xuất lại đang tăng nhanh do lạm phát và công nghiệp phụ trợ chậm phát triển.

Theo khảo sát của tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, sức cung ứng tại địa phương đối với các DN Nhật về nguyên liệu và linh kiện cho các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á: Trung Quốc là 57,7%, Thái Lan 53%, Indonesia 45%. Cũng theo nghiên cứu của tổ chức này, tỷ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp Việt Nam còn ở mức rất thấp với 13,1%, trong khi đó tại Indonesia là 20,6%, Thái Lan 22,2% và Malaysia là 22,6%.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 22/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ với việc đề ra các biện pháp “trợ lực” cho ngành này phát triển, nhưng đến nay, các chính sách này cũng chưa phát huy được nhiều tác dụng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do quen với môi trường bao cấp, nên khi ở môi trường khắc nghiệt, DN Việt Nam lập tức bộc lộ sự yếu thế, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của đối tác. Vì thế, hầu hết các nguyên liệu và linh kiện công nghiệp đều phải nhập khẩu.

Ngoài việc làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, việc chậm phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn làm cho các DN trong nước mất đi một khối lượng giá trị rất lớn do phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc Thái Lan, Indonesia thay vì có thể tự sản xuất. Ví dụ như ngành công nghiệp khai thác dầu khí: Năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư một giàn khoan tự nâng đầu tiên của của PV Shipyard có tổng vốn hơn 100 triệu USD, nhưng chỉ mua được vật tư thiết bị trong nước có 1,4 triệu USD.

Nguồn cung ứng nội địa chỉ chiếm 1,3% tổng giá trị mua sắm vật tư thiết bị và 0,8% giá trị toàn dự án. Tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ dự án này chỉ đạt 34,7%. Trong tương lai, PV Shipyard dự kiến tăng giá trị nội địa hóa lên 50%, nhưng rốt cuộc, đã phải co lại mục tiêu này xuống 40-44%. Lý do là nếu tăng thêm 15% giá trị nội địa hóa so với hiện nay, nghĩa là cần tăng tương đương 30 triệu USD giá trị mua sắm thiết bị trong nước và điều này chắc chắn không thể thực hiện được.

Hai là, lạm phát cao: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài yếu tố ngoại cảnh tác động là cuộc khủng hoàng kinh tế toàn cầu, thì những nguyên nhân nội tại bên trong nền kinh tế dẫn tới lạm phát ở Việt Nam cao kỷ lục trong vòng 30 năm và giữ một tỷ lệ rất cao so với các nước trong khu vực, đỉnh điểm lên tới 23% năm 2011. Nhờ những biện pháp mạnh của Chính phủ,năm 2012, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể, nhưng những dư âm và hậu quả của mức lạm phát cao của năm 2011 vẫn còn, ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Trong năm 2011, khi lạm phát của Việt Nam ở mức cao nhất châu Á, các lợi thế cạnh tranh giá cả của Việt Nam bị mất đi do yêu cầu tăng lương của nhân viên, chi phí vật liệu, lãi suất cao ngất ngưởng và các ngân hàng đua nhau siết vốn. Bối cảnh đó khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên “lãnh đạm”với thị trường Việt Nam và tìm cách chuyển dần sang các nước lân cận. Nguồn FDI vào ngành bất động sản trong cũng giảm xuống rõ rệt kèm theo những món nợ xấu còn tồn đọng ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rõ rệt trong việc hạ lạm phát, nhưng giới quan sát vẫn đang rất quan tâm theo dõi, bởi khả năng tái lạm phát luôn rình rập. Bên cạnh đó, nỗ lực giải quyết mức lạm phát đang phải trả giá bằng việc hy sinh tăng trưởng, cùng sự mất giá của tiền đồng do lạm phát tăng cao của thời gian trước cũng là những lý do khiến Việt Nam “mất điểm” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ba là, lao động giá rẻ không còn là lợi thế:Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, khi nhu cầu thị trường toàn cầu ngày càng hướng sang các mặt hàng có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, cộng với tốc độ tăng giá lao động ngày càng lớn, thì thế mạnh lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ bị xói mòn rất nhanh.Nhiều phân tích cũng cho biết,Việt Nam sẽ khó đón nhận những làn sóng FDI khổng lồ trong tương lai do đội ngũ lao động kém trình độ, chủ yếu bắt nguồn từ những bất cập trong nền giáo dục vốn thiếu sự tự do để cạnh tranh, chuyên môn hóa.

Điển hình là việc, Tập đoàn Intel, hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, năm 2011 đã gặp trở ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam khi số công nhân đủ trình độ tuyển dụng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng yêu cầu.Hãng Intel vào thời điểm đó đã gạt lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sang một bên và tuyên bố rằng,đó không phải là điều họ tìm kiếm.Điều này đặt ra một loạt những câu hỏi cho bài toán làm sao để biến lao động của chúng ta thành một lợi thế thực sự thay vì chỉ là giá rẻ như hiện nay?

Bốn là, kết cấu hạ tầng yếu kém: Việc kết cấu hạ tầng không được đầu tư đúng nơi, đúng lúc và đúng mức độ đang là vấn đề gây quan ngại với giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khi vấn đề mất điện và giao thông đình trệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.Nhiều năm qua, các DN đặt xưởng sản xuất tại Việt Nam liên tục kêu ca vì không có điện để sản xuất, nhất là trong thời điểm mùa hè, dẫn đến thiệt hại về cả năng suất,cũng như chi phí sản xuất.Với các DN sản xuất các linh - phụ kiện điện tử như Samsung, sự cố mất điện 10 phút đã có thể biến các sản phẩm dang dở thành “phế thải”, gây tốn kém lên đến hàng chục triệu đô la.Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì liên tục lên tiếng thua lỗ vì thiếu nước, chi phí mua điện ngoài tăng cao, cũng như các nguồn điện chậm tiến độ như một phần các lý do cho vấn đề bất cập về năng lượng.

Năm là, sự rườm rà trong thủ tục hành chính:Một trong những lý do khiến cho có sự chênh lệch lớn giữa vốn FDI được đăng ký với lượng FDI được chính thức đưa vào sử dụng tại Việt Nam chính là vì tốc độ giải ngân kém.Việc đưa vốn đầu tư vào chính thức sử dụng tại Việt Nam là một thử thách đối với nhà đầu tư nước ngoài vì các thủ tục giấy tờ,cũng như các điều khoản quy định đầu tư rắc rối, không rõ ràng.Các dự án lên đến hàng tỷ USD thậm chí sau khi đã hoàn thành các thủ tục, vẫn phải đối mặt với công đoạn khó khăn nhất của quy trình đầu tư là vấn đề giải phóng mặt bằng được quản lý bởi các chính quyền địa phương nghèo vốn.

Những phân tích trên cho thấy,Việt Nam đã mất dần đi vị thế của mình trong thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Các DN FDI không còn mặn mà với công việc kinh doanh tại Việt Nam,bởi họ không nhìn thấy cơ hội phát triển của mình.

Thực tế bấy lâu nay, chúng ta thu hút và hấp dẫn FDI đang chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ, cùng những ưu đãi về đất đai và thuế má, dễ dãi trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nên đã tiếp nhận không ít các nhà đầu tư có ý đồ kiếm lợi nhuận ngắn hạn, chụp giật. Hậu quả tất yếu là nhiều DN FDI gây ô nhiễm môi trường và gian lận thuế, điển hình là hiện tượng chuyển giá. Trong khi đó, khu vực FDI chưa giúp được nhiều trong mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh cũng như trình độ phát triển kinh tế, thông qua những việc như chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất và tạo liên kết tích cực giữa DN FDI và DN nội địa.

Do vậy, muốn thực hiện được những kỳ vọng biến FDI trở thành phương tiện để Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn, thị trường lớn, kỹ thuật quản trị hiện đại, hỗ trợ cho công cuộc phát triển đất nước một cách bền vững, thì trước hết phải thu hút được đầu tư của các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia. Mà như vậy, chính sách phải ổn định, nhất quán, có thể tiên lượng, chú không như hiện nay “Sáng đúng, chiều sai - sáng mai lại đúng!”. Môi trường đầu tư phải vừa thông thoáng, vừa minh bạch, nhất là có giải pháp hữu hiệu trong việc chống hối lộ và tham nhũng…, thì mới thu hút được những nhà đầu tư có trách nhiệm, biết cân bằng lợi ích, lợi nhuận, và trách nhiệm xã hội.

Tóm lại, Việt Nam cần phải làm cho bản thân mình tốt trước, thì mới có thể chọn lọc và thu hút được những nhà đầu tư tốt, trong đó có các nhà đầu tư thuộc khu vực FDI. Phải làm cho họ không muốn, không thể, không dám chuyển giá!
__________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư(2012). Báo cáo về thu hút FDI năm 2012.

2. UNCTAD (2011). Xếp hạng về thu hút tiềm năng.

3. United Nations Conference on Trade and Development (2011). World Investment Report 2010.

4. Thế Đức (2012). Nhìn lại bức tranh FDI 2012, Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo, truy cập từ http://kinhtevadubao.vn/mobile/details/newsID/15210