Nhận diện về sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quan hệ lâu đời. Với 1.463 km biên giới trên đất liền và cùng chung lợi ích trên biển Đông, quan hệ hai nước có điều kiện để phát triển toàn diện. Trong mối quan hệ này, Trung Quốc với tư cách là một quốc gia sáng tạo nên mô hình nhà nước phong kiến mang tính đặc thù Đông Á, và là một nền văn hóa lớn, có tính kiến tạo đã thể hiện khả năng lan tỏa mạnh mẽ đối với Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Việt Nam với giá trị đặc trưng nổi bật là sự linh hoạt, mềm dẻo đã từng bước tạo cho mình những bản sắc riêng trong quá trình tiếp thu có chọn lọc những giá trị của mô hình Trung Hoa trong quá khứ. Bước sang thời hiện đại, đặc biệt từ khi bình thường hóa quan hệ (1991) đến nay, quan hệ Việt – Trung đã bước sang giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã phát huy một cách hiệu quả việc kết hợp những lợi thế sẵn có từ quan hệ truyền thống với các phương thức gia tăng sức mạnh mềm đang được sử dụng rộng rãi trong quan hệ quốc tế để tăng cường sức ảnh hưởng, vị thế và vai trò nước lớn tại Việt Nam.

Lôi cuốn Việt Nam theo “mô hình phát triển Trung Quốc”
 
Trong chuỗi liên kết của sức mạnh mềm Trung Quốc, tham vọng “xuất khẩu” mô hình phát triển Trung Quốc (còn gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh”) là một vấn đề mà nước này từ lâu theo đuổi. Mặc dù, trên các phương tiện truyền thông và những văn kiện chính thống chưa bao giờ xuất hiện thuật ngữ này, nhưng trên thực tế triển khai sức mạnh  mềm tại các quốc gia vùng lãnh thổ, Trung Quốc thể hiện rất rõ sự quan tâm tới việc lôi cuốn các nước đang phát triển vào sức hấp dẫn của mô hình phát triển Trung Quốc, đặc biệt là với Việt Nam – một nước láng giềng liền kề có sự tương đồng về thể chế chính trị. Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa , dường như giới hoạch định của quốc gia này đã rất chủ động nhấn mạnh điểm chung về “ý thức hệ” cộng sản giữa hai đảng lãnh đạo; trao đổi tư tưởng lý luận cấp cao, tạo ra “huyền thoại” cùng chung lý tưởng cộng sản mà quên đi lợi ích quốc gia ở phía đối tác Việt Nam. Trung Quốc tham vọng tạo ra khuôn khổ chính trị, pháp luật, văn hóa và kinh tế cho các sáng kiến dân chủ hóa và pháp quyền nhân danh việc bảo vệ dân chủ và nhà nước xã hội chủ nghĩa (kiểu Trung Quốc). 
 
Là nước láng giềng liền kề với Trung Quốc, lại có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược mở rộng sức hút của mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc xuống phía Nam. Mặt khác, Trung Quốc còn nuôi tham vọng tạo ra huyền thoại “ngôi nhà chung” gọi là chủ nghĩa khu vực mới kiểu Trung Quốc (Chinese regionalism). Trong đó, mục đích với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực là ngăn cản sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực Đông Á (chủ yếu là Mỹ) vào liên kết khu vực nhằm bảo vệ vị trí trụ cột và lãnh đạo của Trung Quốc. Với phương thức này, Trung Quốc đang tạp trung duy trì kiểu quan hệ địa chính trị bất cân xứng với Việt Nam.
 
Xây dựng hình tượng “nước lớn có trách nhiệm”
 
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua nhiều thế kỷ là chiến tranh, vì thế ấn tượng của Trung Quốc với Việt nam tương đối phức tạp và có nhiều hoài nghi. Sau khi bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc đã coi việc xây dựng hình tượng “nước lớn có trách nhiệm”, “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” tại Việt nam là mục tiêu chiến lược nhằm xóa nhòa ấn tượng “bành trướng Đại Hán” trong quá khứ đồng thời nâng cao địa vị quốc tế của mình.
 
Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, từ nửa cuối những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc nhiều lần điều chỉnh chính sách đối ngoại với Việt Nam nhằm hướng tới việc tạo dựng môi trường hợp tác hòa bình, ổn định để phát triển. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp mềm dẻo hơn đối với Việt Nam trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp biên giới, lãnh thổ. Từ đó đã phân định xong biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ để ổn định hợp tác phát triển. Với chiến lược sử dụng sức mạnh mềm như vậy, Trung Quốc đã từng bước tạo dựng ấn tượng về hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm đối với Việt Nam , khi thể hiện những nỗ lực vì mục tiêu chung duy trì tình hữu nghị vì lợi ích chung của hai dân tộc. Những nỗ lực đó đã giúp hai nước đi đến sự đồng thuận trong phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,  hướng tới tương lai” (tháng 2/1999), trên tinh thần 4 tốt là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của nhau (tháng 2/2002) và ở mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (tháng 6/2008). Sự đồng thuận trong đường lối ngoại giao đã tạo đà cho Trung Quốc thắt chặt hơn mối quan hệ chính trị hai nước. Có thể thấy từ năm 1991 đến nay, hai nước đã tìm được nhiều tiếng nói chung trong sự tương đồng về thể chế chính trị, quan hệ tương thông về mặt tự nhiên, lịch sử và văn hóa, đặc biệt là sự gắn bó, ủng hộ lẫn nhau giữa hai Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong quá trình cải cách mở cửa và đổi mới đất nước.
 
Trên lĩnh vực kinh tế, sự chủ động trong hợp tác và tài trợ kinh tế của Trung Quốc với Việt Nam đã góp phần củng cố mối quan hệ đối tác tốt. Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh một đối tác kinh tế ổn định và trách nhiệm – một nền kinh tế đang nổi lên nhưng không đem lại mối đe dọa cho các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Nếu như giai đoạn từ tháng 11/1991 đến tháng 12/1999, Trung Quốc chỉ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam 120 triệu USD với 76 dự án , thì đến năm 2013 con số này là 2,3 tỷ USD  . Số vốn FDI của Trung Quốc vào Việt nam đã góp phần tăng tổng vốn đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tiếp tục củng cố mối quan hệ láng giềng tốt, đối tác tốt với Việt Nam.
 
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy viện trợ kinh tế cho Việt Nam, thông qua trợ giúp phát triển xây dựng đường sắt, phát triển thủy điện và các cơ sở đóng tàu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra cách thức viện trợ và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn có sự khác biệt so với các chuẩn mực quốc tế như vấn đề về quản trị, tính minh bạch và có điều kiện về vốn. Trong thông lệ về viện trợ phát triển trên thế giới thường có các điều kiện như yêu cầu nước tiếp nhận phải thiết lập thị trường mở hoặc xây dựng chính sách quản trị tốt… Còn chính sách viện trợ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam nhìn từ bên ngoài là “không can thiệp” vào các khoản đầu tư và ODA của họ. Nhưng thực tế, vô hình chung, Việt Nam đã bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Rõ ràng, các nguồn lực kinh tế cũng có thể tạo nên sức mạnh mềm với tác động tương đương sức mạnh cứng. Một nền kinh tế thành công là nguồn lực quan trọng cho việc lôi cuốn nước khác vào còng ảnh hưởng của mình. Trong 10 năm tới, do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, trong quan hệ kinh tế thương mại với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy thực hiện phương châm “hợp tác cùng thắng” để thu hút các nền kinh tế trong khu vực vào quỹ đạo phát triển của mình.
 
Đối với Việt Nam, Trung Quốc không chỉ tạo dựng hình ảnh và vị thế của mình trên cơ sở chính trị, kinh tế mà ở một mức độ lớn hơn còn bắt nguồn từ ấn tượng văn hóa Trung Quốc trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Trên lĩnh vực hợp tác văn hóa, giáo dục, Trung Quốc đang thể hiện hình ảnh “bạn bè tốt” với Việt Nam thông qua nhiều hoạt động hợp tác và tài trợ. Trong những năm qua, Ủy ban tiếng Hán đối ngoại Nhà nước Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã liên tục tài trợ tổ chức cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” tại Việt Nam; tổ chức triển lãm sách, tranh ảnh, thư pháp…. Chính phủ nước này cũng tài trợ 150 triệu NDT để xây dựng Cung văn hóa Việt – Trung tại thủ đô Hà Nội; hỗ trợ xây dựng trung tâm Hán ngữ ở Lào Cai; Tổ chức “Năm hữu nghị Việt – Trung” trong năm 2010….
 
Thông qua các hoạt động hợp tác và tài trợ, ngành giáo dục của cả hai bên cũng tiến hành những cuộc hội đàm và ký kết các văn bản thỏa thuận về Giao lưu và hợp tác giáo dục. Theo đó, hàng năm 130 lưu học sinh Việt Nam được hưởng học bổng của Chính phủ Trung Quốc. Về phía Việt Nam, mỗi năm cũng dành 15 suất học  bổng cho lưu học sinh Trung Quốc sang Việt Nam tiến tu và nghiên cứu. 
 
Có thể thấy rằng dựa và những lợi thế sẵn có từ vị trí địa lý, quan hệ lịch sử cũng như sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sức mạnh mềm Trung Quốc đã từng bước định hình và trỗi dậy tại Việt Nam. 
 
Truyền bá văn hóa nghệ thuật và ngôn ngữ
 
So với các nước Đông Nam Á khác, quan hệ Việt – Trung xét từ góc độ văn hóa được coi là mối quan hệ đặc biệt. Ở vị trí liền kề với Trung Quốc, đồng thời là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á, nền văn hóa lúa nước Việt Nam với đặc trưng nổi bật là sự linh hoạt, mềm dẻo đã từng bước hình thành nên những bản sắc riêng trong sự tiếp biến và giao thoa với văn hóa Đông Nam Á và đặc biệt là văn hóa Trung Hoa – một nền văn hóa lâu đời đã tỏa sáng rực rõ với sức lan tỏa rộng lớn. Từ hàng ngàn năm qua, tinh thần nhập thế của Nho gia hay tính nghiêm mực của Pháp gia, những triết lí về sự vô vi của Đạo Phật đã từng bước đi sâu vào tâm thức người Việt, đặc biệt là giới trí thức quan liêu. Bên cạnh đó, lễ tiết, ẩm thực, y dược Trung Quốc đã được đón nhận và Việt hóa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đông đảo người dân.
 
Ý thức rất rõ về lợi thế về sức hấp dẫn văn hóa truyền thông Trung Hoa tại Việt Nam, từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước (1991) đến nay, Trung Quốc đã nỗ lực gia tăng các hoạt động quảng bá giá trị văn hóa truyền thống mang tính phổ quát trong đời sống văn hóa Việt thông qua các hoạt động giao lưu, truyền bá văn hóa.
 
Cùng với văn hóa truyền thống, văn hóa đương đại Trung Quốc ngày càng thu hút sự quan tâm chú ý của người dân Việt Nam. Trung Quốc không ngừng tăng cường các phương tiện thông tin, chủ động quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Trung Hoa vào Việt Nam. Thông qua các bản ký kết thỏa thuận hợp tác với các Đài Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Bộ Phát thanh – Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc đã tăng cường và mở rộng xuất khẩu phim truyền hình và điện ảnh sang Việt Nam.
 
Cách thức ứng xử của Việt Nam đối với sức mạnh mềm Trung Quốc
 
Việt Nam với Trung Quốc có quan hệ bất cân xứng điển hình trên tất cả các phương diện, từ địa chính trị, địa văn hoá đến địa kinh tế. Các bậc tiền nhân của dân tộc đã tìm ra nhiều cách thức hiệu quả để hoá giải  sức mạnh mềm của Trung Quốc. Bí quyết của cách thức ứng xử của cha ông là “hoà nhưng bất đồng” (hoà hiếu nhưng không bị biến thành một với Trung Quốc). Các công cụ trí tuệ tinh hoa của Trung Quốc đã được cha ông ta tiếp biến thành công. Nền độc lập, nền văn hoá và cương thổ quốc gia được giữ vững.       
 
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trước kia đối diện với sức mạnh mềm của Trung Quốc, Việt Nam có mặt đã không làm được hay làm tốt được như người Nhật Bản hay Triều Tiên đã làm: hệ thống chữ viết thiếu sinh khí; nền học thuật thiếu bài bản; nền chính trị cho đến thế kỷ XIX lệ thuộc vào khuôn mẫu Trung Quốc. Sự lệ thuộc này chỉ chấm dứt khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX - giữa thế kỷ XX. Nhưng kể từ khi cách mạng Việt Nam gắn với cách mạng Trung Quốc, ở chừng mực nào đó và ở một số giai đoạn nhất định đã xuất hiện trở lại tình trạng lệ thuộc, nhưng được khỏa lấp dưới những tên gọi khác.  

Hiện nay Việt Nam cần triển khai các biện pháp, chính sách có hiệu quả, như:   

Thứ nhất, cảnh giác trước con bài lý tưởng và ý thức hệ chung, vì đối với Việt Nam hay các quốc gia một đảng khác, sự chi phối của ý thức hệ chính trị và thể chế chính trị mang tính quyết định đối với xã hội. 

Thứ hai, hạn chế việc nhập khẩu và truyền bá sản phẩm văn hoá, nhất là trên truyền hình, báo mạng. Nhà nước cần đưa ra những chỉ số cụ thể về thời lượng và số lượng truyền hình các văn hoá phẩm. Theo kinh nghiệm một số nước, thời lượng phát sóng phim truyện từ một nước nào đó trên các kênh truyền hình quốc gia chỉ nên dưới 10%; tổng thời lượng phim nước ngoài nên ở mức dưới 50%; thậm chí việc chiếu phim chỉ nên có ở các rạp chiếu phim, nghĩa là muốn xem thì người ta phải bỏ tiền ra. Ngoài ra, cũng có thể chiếu trên các kênh địa phương, và tuyệt đối không chiếu trên kênh Thời sự chính trị tổng hợp (VTV1). Ở Đức, Kênh truyền hình trung ương Liên bang ARD hay ZDF hầu như chỉ chiếu phim Đức hoặc các bộ phim kinh điển thế giới.

Thứ ba, tăng cường một bước mạnh mẽ công tác thông tin đối ngoại bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Đi trước Trung Quốc một bước trên con đường dân chủ hoá, làm cho xã hội Việt Nam là một xã hội khoan dung, đầy tinh thần hoà giải và đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh mềm mới của Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh còn kém phát triển của Việt Nam; để người dân Việt Nam tự hào với thế giới về chủ nghĩa nhân văn cao cả của mình. Giáo dục ý thức dân tộc cho giới doanh nhân trong hợp tác làm ăn, cảnh giác trước những ân huệ hay quà biếu mang tính truyền bá.

Thứ tư,
các tầng lớp tinh hoa của Việt Nam cần hết sức cẩn trọng trong giao tiếp, mọi kế hoạch và dự án hợp tác giữa hai nước cần tính toán kỹ lưỡng sự tác động về mọi mặt, nhất là về an ninh quốc phòng; cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các học giả uy tín về chuyên môn trước khi tuyên bố hợp tác hay không hợp tác.   

Tài liệu tham khảo:

- TS. Nguyễn Thị Thu Phương, “Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2013;
- PGS, TSKH Lương Văn Kế, “Nhận diện sức mạnh mềm Trung Quốc và ứng xử của Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị;
- www.nghiencuubiendong.vn;