Nhận định đúng tình hình để hướng tới thành công

TS. VŨ VIẾT NGOẠN

(Tài chính) Nằm trong quỹ đạo chung của các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vừa chịu tác động của môi trường kinh tế thế giới có phần ảm đạm trong năm 2013 vừa phải tập trung nguồn lực từng bước khắc phục những bất cập mang tính cơ cấu đã tích tụ sau gần 30 năm đổi mới. Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, năm 2013 vẫn được đánh dấu bằng nhiều thành tựu.

Nhận định đúng tình hình để hướng tới thành công
Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, năm 2013 vẫn được đánh dấu bằng nhiều thành tựu. Nguồn: internet

Ổn định kinh tế vĩ mô

Các nền kinh tế mới nổi một mặt phải tiếp tục giải pháp hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài, một mặt tập trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế nên phải chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn. Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, năm 2013 vẫn được đánh dấu bằng nhiều thành tựu trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ lạm phát đã được kiểm soát ở mức 6%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ði đôi với ổn định bên trong, nền kinh tế cũng đạt được sự cân bằng đối ngoại với tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng khá so với năm 2012. Lạm phát thấp cùng với cán cân thương mại thặng dư đã tạo điều kiện cho tỷ giá hối đoái được duy trì ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, góp phần làm giảm tình trạng đô-la hóa, tạo cơ sở để giảm mặt bằng lãi suất VND, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Cùng với kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tăng trưởng GDP đạt mức 5,42%, khá hơn so với năm 2012. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến với chỉ số sản xuất tăng 8,8%, gấp đôi mức tăng trong năm 2012. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng 10,1% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,4%, cao hơn nhiều mức trung bình 5,7% của các nước châu Á đang phát triển.

Năm 2013 đã củng cố thêm một bước nền tảng cho tăng trưởng dài hạn khi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu thị trường tài chính đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc kiên quyết cắt giảm vốn và sắp xếp, điều chuyển các dự án đầu tư công đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội, hệ số ICOR của nền kinh tế đã giảm từ 5,8 trong năm 2012 xuống 5,0 trong năm 2013, mức giảm tương đương khoảng 14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Thị trường tài chính đang từng bước chuyển biến theo hướng ổn định và lành mạnh. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ tổ chức tín dụng yếu kém cơ bản được đẩy lùi, chuẩn mực an toàn tài chính được tăng cường. Thị trường chứng khoán tăng thêm tính công khai, minh bạch, tổ chức kinh doanh chứng khoán được củng cố và sắp xếp lại, chất lượng hoạt động được cải thiện.

Nhờ duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của các nhà đầu tư được củng cố. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 54,5%. Chỉ số CDS trung bình (đo mức rủi ro của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm theo đánh giá của thị trường quốc tế) giảm xuống còn 234, từ mức 294 trong năm 2012. Thị trường chứng khoán diễn biến khả quan và được đánh giá là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2013. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện thêm 5 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Ðạt được những kết quả trên trước hết là do chúng ta đã kịp thời điều chỉnh tư duy chính sách, linh hoạt trong điều hành, phối hợp hài hòa các mục tiêu. Ngay từ đầu năm 2011, khi lạm phát có dấu hiệu tăng cao, với tinh thần Kết luận 02 của Bộ Chính trị và bằng Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, chúng ta đã chuyển hướng ưu tiên từ tăng trưởng nhanh sang "ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", đồng thời kiên định theo đuổi mục tiêu này trong suốt năm 2011 và 2012. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô đã dần đi vào ổn định.

Bước vào năm 2013, trên nền tảng kinh tế vĩ mô bước đầu ổn định, chúng ta cũng đã nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Tinh thần này cũng đã được tiếp tục và khẳng định khi hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với "tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý". Việc thay đổi tư duy chính sách kịp thời, linh hoạt và kiên định được coi là một trong những điểm sáng trong điều hành kinh tế những năm qua. Thành tựu đạt được trong năm 2013 thật sự là một nền tảng quan trọng, tạo cho chúng ta một tâm thế tự tin hơn để bước vào năm 2014 - một năm với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Hài hòa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn

Kinh tế thế giới được dự báo có nhiều điểm sáng hơn trong năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, khối lượng thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào các nền kinh tế mới nổi có những triển vọng tích cực hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thêm động lực phát triển. Thêm vào đó, một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU được ký kết sẽ là một cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng đà phục hồi kinh tế của các nền kinh tế phát triển, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong khi đó, giá hàng hóa thế giới cũng được nhận định sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2014 với giá năng lượng được dự báo tăng 0,8% và giá phi năng lượng giảm 0,2% (trong đó giá lương thực giảm 2,8%), là điều kiện thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2014.

Song, nền kinh tế cũng đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, mức cầu nội địa trong năm 2014 chưa thể cải thiện nhiều đối với cả cầu tiêu dùng lẫn đầu tư. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua của người dân chậm cải thiện. Nợ xấu đã được tích cực xử lý nhưng vẫn còn cao, tiến trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thể tạo sự thay đổi đột phá về năng suất lao động trong năm 2014.

Thứ hai, cân đối ngân sách sẽ tiếp tục là bài toán khó. Trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, Chính phủ lại phải bố trí nguồn vốn cho đầu tư ở mức hợp lý nhằm góp phần "sưởi ấm" nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, do vậy phải chấp nhận tăng thêm nợ công, gây áp lực trả nợ của Chính phủ trong năm 2014 và một số năm tiếp theo. Bội chi ngân sách và tăng đầu tư công tất yếu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiền tệ, qua đó gây sức ép đến chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, dư địa của các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô vốn dĩ đã hẹp sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực mới.

Trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức đan xen, yêu cầu đặt ra cho các nhà hoạch định và điều hành chính sách là phải kiên định mục tiêu, đánh giá và dự báo sát tình hình cũng như diễn biến của thị trường, qua đó lựa chọn chính sách và giải pháp thích hợp trên cả ba phương diện: thời điểm thực thi, liều lượng và khung thời gian của chính sách.

Năm 2014 đang chờ đón chúng ta với nhiều hứa hẹn thành công. Con tàu kinh tế sẽ tiếp tục có thêm gia tốc tiến về phía trước. Tin vào điều đó bởi năm 2014 là năm được hội tụ của cả ba nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Kinh tế thế giới khởi sắc hơn đó là thiên thời. Thành tựu kinh tế chúng ta đạt được trong những năm qua, đặc biệt là kiến tạo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định tạo cho chúng ta thế và lực mới chính là địa lợi. Kinh nghiệm điều hành chính sách vượt qua khủng hoảng, khắc phục khó khăn được tích lũy trong suốt sáu năm qua chính là nhân hòa. Biết tận dụng cả ba nhân tố này sẽ là một động lực quan trọng giúp chúng ta vượt qua thách thức. Niềm tin và quyết tâm hành động sẽ giúp chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng bền vững để phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức cũng đòi hỏi chúng ta phải biết kết hợp hài hòa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế, giải quyết tốt ba mối quan hệ. Ðó là, thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi và có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài - vốn là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong những năm qua, mặt khác chúng ta cần có hệ thống chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đang gặp không ít khó khăn.

Thứ hai, phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng quan trọng để phát triển bền vững trong trung và dài hạn, mặt khác phải duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý để bảo đảm các cân đối chung của nền kinh tế và tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Thứ ba, cần huy động tổng vốn đầu tư xã hội ở mức cần thiết để duy trì tổng cầu của nền kinh tế ở mức hợp lý, tạo thị trường cho các doanh nghiệp, đồng thời phải tập trung nguồn lực, quyết tâm đổi mới thể chế, thực thi có kết quả chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm từng bước nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và đây là nhân tố quan trọng mang tính quyết định thành công của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Ðánh giá đúng kết quả đạt được trong năm qua, nhận định đúng thuận lợi, khó khăn trong năm tới sẽ giúp chúng ta có niềm tin và lựa chọn đúng hướng đi và chương trình hành động.